Căng thẳng Mỹ – Trung đã leo thang lên đến cả… Mặt trăng
Mới đây, lãnh đạo Cơ quan Hàng không và vũ trụ Mỹ (NASA) đã cảnh báo về một “cuộc chạy đua không gian” mới giữa Mỹ với Trung Quốc khi cho rằng Trung Quốc muốn tuyên bố chủ quyền trên Mặt trăng.
Trong một bài phỏng vấn được tờ Bild của Đức đăng tải, Giám đốc NASA Bill Nelson cho rằng Trung Quốc có ý định kiểm soát Mặt trăng và ngăn cản các nước khác khám phá nơi này. Ông cũng cáo buộc Trung Quốc ăn cắp công nghệ từ nước khác và đang tìm cách phá hủy vệ tinh do các nước khác phóng lên. Chương trình không gian của Trung Quốc do quân đội nước này điều hành, còn NASA quản lý một chương trình không gian dân sự hòa bình và cởi mở với sự tham gia của quốc tế.
Những tuyên bố của ông Nelson cho thấy giới chức Mỹ ngày càng lo ngại về các bước tiến gần đây của Trung Quốc trong không gian. Năm ngoái, Trung Quốc công bố đang hợp tác với Nga xây dựng Trạm nghiên cứu khoa học quốc tế trên Mặt trăng (ILRS). Công trình này sẽ giúp các phi hành gia Trung Quốc và Nga nghiên cứu, khám phá trên bề mặt Mặt trăng cũng như trong không gian.
Ngay lập tức, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đã lên tiếng cáo buộc ông Bill Nelson “nói dối trắng trợn” và bôi nhọ Trung Quốc.
“Đây không phải lần đầu tiên người đứng đầu NASA bỏ qua thực tế và có tuyên bố thiếu trách nhiệm về Trung Quốc. Mỹ đã liên tục xây dựng một chiến dịch bôi đen nhằm nhằm phá vỡ các hoạt động bình thường và hợp lý của Trung Quốc ngoài không gian. Trung Quốc kiên quyết phản đối các tuyên bố thiếu trách nhiệm như vậy”, ông Triệu Lập Kiên nói.
Ngoài ra, ông Triệu còn tuyên bố Trung Quốc luôn thúc đẩy xây dựng “tương lai chung cho nhân loại” ngoài không gian, cũng như phản đối việc vũ khí hóa hay bất cứ cuộc chạy đua vũ trang nào ở đó.
Giới phân tích cho rằng việc Mỹ và Trung Quốc thiếu hợp tác trong thám hiểm không gian là đặc biệt nguy hiểm trong thời đại mà vũ trụ ngày càng trở nên đông đúc. Và việc hai “ông lớn” Mỹ – Trung không có tiếng nói chung trong không gian không chỉ dẫn đến nguy cơ xảy ra cuộc chạy đua vũ trang mà còn tạo ra xung đột về việc khai thác nguồn tài nguyên trị giá hàng trăm tỉ USD trên Mặt trăng và những nơi khác.
“Rủi ro lớn nhất là việc có hai bộ quy tắc trái ngược nhau”, ông Malcolm Davis, nhà nghiên cứu chính sách về không gian tại Viện Chính sách Chiến lược Australia, nhận định. Ông Davis dự đoán Trung Quốc vào những năm 2030 sẽ tuyên bố sở hữu nguồn tài nguyên trên Mặt trăng, giống như cách mà Trung Quốc từng tuyên bố chủ quyền phi pháp đối với gần như toàn bộ Biển Ðông.
Theo tờ Bloomberg, trung tâm của cuộc tranh chấp trong không gian giữa Mỹ và Trung Quốc là Hiệp định Artemis do Mỹ soạn thảo. Ðó là bộ nguyên tắc không ràng buộc về mặt pháp lý để điều chỉnh hoạt động trên Mặt trăng, sao Hỏa… Sáng kiến này là nền tảng cho nỗ lực của NASA nhằm đưa các phi hành gia lên Mặt trăng trong thập niên này và bắt đầu các hoạt động khai khoáng tại đây. Cho đến nay, 19 quốc gia đã đồng ý ủng hộ Hiệp định này.
Bloomberg cho hay, một trong những vấn đề chính của Trung Quốc đối với Hiệp định Artemis là điều khoản nhằm cho phép các quốc gia chỉ định các “vùng an toàn” trên Mặt trăng.
Ðối với Mỹ và các đối tác của Hiệp định Artemis, các khu vực đặc quyền này là cách để tuân thủ các nghĩa vụ mà hiệp ước quy định, trong đó yêu cầu các nước tránh “sự can thiệp có hại” vào không gian. Thế nhưng, đối với Trung Quốc, các vùng an toàn này vi phạm luật pháp quốc tế. Tờ Trung Hoa Nhật báo hồi tháng 1 thậm chí còn cho rằng NASA “phát minh” ra các “vùng an toàn” là nhằm cho phép các chính phủ cũng như các công ty “giành” các khu vực trên Mặt trăng.
Thực chất, Hiệp định Artemis của Mỹ không thay thế Hiệp ước Không gian vũ trụ năm 1967 vẫn còn hiệu lực, mà chỉ giúp củng cố mối quan hệ hòa bình trên Mặt trăng. Hiệp ước Không gian vũ trụ bao gồm 17 nguyên tắc được tạo ra để bảo đảm sự công bằng và các mối quan hệ hòa bình vào thời điểm con người lần đầu tiên khám phá vũ trụ. Thỏa thuận này cấm vũ khí hủy diệt hàng loạt ngoài không gian, cấm các hoạt động quân sự trên các thiên thể và nêu chi tiết các quy tắc ràng buộc pháp lý quản lý việc thăm dò và sử dụng không gian một cách hòa bình.
Dễ dàng nhận thấy, khi Mỹ và Trung Quốc cùng nhắm tới Mặt trăng, nhu cầu thiết lập những quy tắc để tránh xung đột ngày càng trở nên cấp thiết. Hơn nữa, trong bối cảnh ngày càng có nhiều quốc gia hiện diện và cạnh tranh trong vũ trụ, những nguyên tắc chỉnh chu cần được thiết lập một cách rõ ràng, từ đó tạo ra môi trường an toàn và minh bạch, thúc đẩy các hoạt động khám phá, khoa học và thương mại.
Lan Hoa