+
Aa
-
like
comment

Căng thẳng Hàn Triều: “Không có lửa làm sao có khói”

Bảo An - 20/06/2020 19:19

Sau hành động thổi bay Văn phòng liên lạc chung giữa hai miền liên Triều, phía Hàn Quốc đã có những tuyên bố đanh thép dọa đáp trả quân sự tương thích. Trước đó, Hàn Quốc kêu gọi phía Triều Tiên không đóng cánh cửa ngoại giao. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng cho rằng sự thất bại trong ngoại giao giữa Mỹ và Triều Tiên có sự đóng góp không nhỏ của Hàn Quốc.

Một số ý kiến cho rằng Hàn Quốc “vừa ăn cắp vừa la làng”. Chính vì thế mà Triều Tiên cứng rắn đáp trả bằng hành động cho nổ tung văn phòng liên lạc chung. (Hành động đã được thông báo trước khi cho nổ).

Theo nhiều chuyên gia nhận định Triều Tiên đang rất khó khăn về kinh tế sau khi ngoại giao thất bại với Mỹ cũng như tình hình sau dịch bệnh. Nhà lãnh đạo Kim Jong Un muốn đổ hết lỗi lầm này cho chính phủ Hàn Quốc. Hành động vừa qua đã gây sốc lớn trên chính trường quốc tế, nguy cơ đối đầu bằng chiến tranh là rất cao.

Hàn Quốc đã ngay lập tức truyền đi thông điệp sẵn sàng đáp trả bằng quân sự. Hàn Quốc và Mỹ là đồng minh chiến lược lâu nay, việc Hàn Quốc có thể dùng quân sự với Triều Tiên chắc chắn ít nhiều có hình bóng một đồng minh thân cận như Mỹ đứng sau.

Nga, Trung Quốc kêu gọi kiềm chế, còn Mỹ thì sao ?

Trong bối cảnh đó, cả Nga và Trung Quốc đều có những thông điệp thể hiện sự quan tâm sâu sắc. Sau khi văn phòng liên lạc chung bị nổ tung, Nga ngay lập tức bày tỏ quan điểm và kêu gọi sự bình tĩnh, kiềm chế từ Hàn Quốc và Triều Tiên. Nga còn có kế hoạch ngoại giao cấp cao nhằm mục đích giảm căng thẳng giữa hai bên. Cho thấy sự quan tâm về vấn đề hòa bình, ổn định chính trị của Nga trong vấn đề Triều Tiên là rất lớn.

Về phía Trung Quốc cũng có sự quan tâm tương tự, Trung Quốc muốn hai bên giữ được sự hòa bình, ổn định. Từ trước đến nay ai cũng ngầm hiểu đằng sau Triều Tiên luôn có sự đỡ đầu của một “bàn tay” rất lớn. Và trong tình hình “bàn tay” đó đang phải phân tán lực lượng, giải quyết nhiều vấn đề khủng hoảng cả trong và ngoài nước thì việc thêm một vấn đề từ Triều Tiên là rất không nên.

Về phía Mỹ, tất nhiên họ không thể “mũ ni che tai” được. Thứ nhất, Hàn là đồng minh của Mỹ. Thứ hai, vấn đề Triều Tiên liên quan mật thiết với Trung Quốc, vì Trung Quốc xưa nay là “hàng xóm” thân thiết giúp đỡ Triều Tiên rất nhiều.

Tại thời điểm vụ việc văn phòng liên lạc chung liên Triều bị nổ, Mỹ chưa đưa ra một quan điểm, hay một bình luận nào chính thức. Thay vào đó họ hẹn sẽ đưa ra quan điểm trong một cuộc gặp với Trung Quốc tại Hawaii. Để thấy rằng, Mỹ không đơn giản và vấn đề căng thẳng giữa hai miền liên Triều không phải của riêng hai miền mà còn là vấn đề ngoại giao gián tiếp của các nước lớn trên bàn tròn.

“Không có lửa làm sao có khói”

Trước hành động này có nhiều lý do để hiểu. Có thể sau sự thất bại về ngoại giao, các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Triều Tiên càng thêm nặng nề khiến chính phủ nước này phải gia tăng căng thẳng từ bên ngoài để xoa dịu những căng thẳng bên trong. Khi căng thẳng bên ngoài leo thang, tinh thần đoàn kết bên trong người dân Triều Tiên càng cao.

Cụ thể, các lợi ích kinh tế của Triều Tiên bị sụt giảm mạnh khi đàm phán ngoại giao liên Triều thất bại. Khu công nghiệp Kaesong và khu nghỉ dưỡng Kim Cương là nguồn thu quan trọng đối với Triều Tiên. Nhưng từ khi Hàn Quốc làm ngơ thiện ý muốn cải thiện quan hệ của phía Triều Tiên, khiến hai nguồn thu này tiếp tục bị phong tỏa. Có thể với Hàn Quốc chẳng thấm vào đâu, nhưng với một nền kinh tế bị cấm vận như Triều Tiên lại là vấn đề lớn. Có lẽ vì vậy mà lãnh đạo Kim rất không hài lòng, và tức giận.

Nhiều ý kiến cho rằng phía Triều Tiên đang cố tình tạo ra một “đòn bẩy kinh tế” thông qua căng thẳng lần này? Xem đi cũng nên xét lại các nguyên nhân khác, bởi “không có lửa làm sao có khói”.

Phía Nam Hàn liên tục có những nhóm người giải truyền đơn, phát tán các thông tin độc hại với chính phủ Bắc Hàn thông qua khu vực phi quân sự. Nhiều tờ rơi, sổ tay, và chai đựng gạo được thả trôi từ Nam Hàn sang Bắc Hàn. Nhóm thả tờ rơi này còn có dự định tiếp tục thả thêm nhiều hơn nữa trong dịp kỷ niệm chiến tranh liên Triều cuối tháng 6 năm nay (25/6/1950 – 25/6/2020).

Tất nhiên những hành động này chẳng khác gì đang khiêu khích phía Bắc Hàn, và sự đáp trả một cách mạnh mẽ của họ là có lý do không phải tự nhiên mà có. Hành động thả tờ rơi, tuyên truyền từ phía Nam Hàn sang Bắc Hàn đã được Triều Tiên cảnh báo trước. Khi các biện pháp nghiêm khắc mà Triều Tiên cảnh báo đã thành hiện thực thì mới nhận ra họ không nói chơi.

Hàn Quốc dọa đáp trả quân sự, Nga và Trung kêu gọi kiềm chế, còn Mỹ ung dung ngồi trên bàn đàm phàn. Sự việc không chỉ đơn thuần giữa hai bên Hàn Quốc và Triều Tiên. Đặc biêt hơn, sự nhìn nhận đa chiều cần được đề cao để hiểu rằng “không có lửa làm sao có khói”.

Bao An

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều