+
Aa
-
like
comment

Căng thẳng Biển Đông ‘phủ bóng’ Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN

30/07/2019 21:19

Căng thẳng gia tăng ở Biển Đông và bế tắc trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung sẽ là những chủ đề chủ chốt trong Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN diễn ra tại Bangkok tuần này. 

Các nhà ngoại giao hàng đầu thế giới đang hội tụ tại Bangkok, Thái Lan để chuẩn bị cho các hội nghị quan trọng của Đông Nam Á sẽ diễn ra từ 29/7 đến 3/8. Đó là Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN (AMM) lần thứ 52, Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN 3 (APT), Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) và Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF).

Sau khi kết thúc các cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung tại Thượng Hải vào ngày 30/7, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo sẽ gặp gỡ người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng có mặt tại Thái Lan. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong Ho sẽ không tham dự hội nghị.

Các cuộc họp diễn ra trong bối cảnh Việt Nam và Philippines cáo buộc Trung Quốc đang trở nên hung hăng hơn trong việc đòi yêu sách tại vùng biển rộng lớn ở biển Đông – một động thái mà Mỹ tuần trước đã gọi là “hành vi bắt nạt”.

Tuy nhiên, một quan chức Indonesia giấu tên hôm 29/7 cho biết sau khi các bên thống nhất về dự thảo sơ bộ, Trung Quốc sẽ tìm cách thúc đẩy Bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông (COC) với 10 quốc gia trong khối ASEAN, theo South China Morning Post.

Cang thang Bien Dong 'phu bong' Hoi nghi Ngoai truong ASEAN hinh anh 1
Các tàu chiến và máy bay chiến đấu của Trung Quốc phô diễn sức mạnh quân sự ở Biển Đông. Ảnh: Reuters.

“Biển Đông sẽ là một trong những vấn đề quan trọng trong chương trình nghị sự. Họ (phái đoàn Trung Quốc) sẽ tìm cách kiềm chế lập trường cứng rắn hơn của Philippines”, ông Alexander Neill, chuyên gia về các vấn đề quân sự Trung Quốc tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, cho biết.

“Họ có thể nhắc lại chủ quyền của mình đối với các đảo và rạn san hô, đồng thời, chỉ trích sự can thiệp từ bên ngoài”.

Trong chuyến công du Thái Lan, Micronesia và Australia 6 ngày, ông Pompeo sẽ có bài phát biểu về sự tham gia kinh tế của Mỹ trong khu vực như một phần trong sáng kiến Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của chính quyền Tổng thống Trump.

“Mỹ kịch liệt phản đối sự ép buộc và đe dọa đến từ bất kỳ bên tranh chấp nào để áp đặt tuyên bố về lãnh thổ và hàng hải của họ. Trung Quốc nên chấm dứt các hành động bắt nạt và kiềm chế tham gia vào các hành động khiêu khích, làm mất ổn định”, trích tuyên bố cứng rắn ngày 20/7 của Bộ Ngoại giao Mỹ.

Cang thang Bien Dong 'phu bong' Hoi nghi Ngoai truong ASEAN hinh anh 2
Các nhà hoạt động ở Manila đốt cháy cờ Trung Quốc trong cuộc biểu tình phản đối vụ tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá Philippines vào ngày 18/6. Ảnh: South China Morning Post.

Trong khi đó, đối với Trung Quốc, hội nghị sẽ là cơ hội để kiềm chế lo ngại đang leo thang của các nước Đông Nam Á như Philippines. Manila hiện cáo buộc Bắc Kinh triển khai lực lượng an ninh và dân quân biển để khẳng định quyền kiểm soát Biển Đông.

Hôm 25/7, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh tình hình ở Biển Đông “nói chung đã ổn định, với đà phát triển, hợp tác ngày càng tăng”.

Theo South China Morning Post, Washington hiểu về thế khó của các nước trong khu vực khi ở giữa cuộc cạnh tranh của hai siêu cường thế giới.

“ASEAN đang đối mặt với sự căng thẳng bất thường do cuộc cạnh tranh ngày càng khốc liệt giữa Mỹ và Trung Quốc”, ông Harsh Pant, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học King ở London, nhận định.

“Sự ung dung vốn có khi coi Bắc Kinh là một đối tác kinh tế và Washington là đối tác an ninh đã không còn phù hợp nữa”, ông cho biết.

(Theo Zing News)

Bài mới
Đọc nhiều