Căng mình trước bão số 9
Phó Thủ tướng Trịnh Ðình Dũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương dốc toàn lực ứng phó bão số 9, tiếp tục thực hiện phương châm “4 tại chỗ” với mục tiêu số 1 là bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của người dân
Chiều 27-10, Phó Thủ tướng Trịnh Ðình Dũng, Trưởng Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai, đã họp với các bộ – ngành và lãnh đạo TP Ðà Nẵng, tỉnh Quảng Nam tại Ban Chỉ đạo tiền phương ứng phó bão số 9 (đặt ở TP Ðà Nẵng), bàn biện pháp ứng phó bão số 9 (Molave).
Bão vào bờ không có vật cản và cực nhanh
Báo cáo tại cuộc họp, ông Hoàng Ðức Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn quốc gia, cho biết dự báo sáng 28-10, tâm bão số 9 vào đất liền. Các tỉnh từ Ðà Nẵng đến Bình Ðịnh hứng chịu mạnh nhất với sức gió cấp 12, giật cấp 13. Tại huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi), Cù lao Chàm (tỉnh Quảng Nam), sức gió mạnh cấp 13, giật cấp 16. Ðây là cơn bão mạnh nhất trong 20 năm trở lại đây, tương đương bão Xangsane năm 2006 và mạnh hơn bão Damrey năm 2017 khá nhiều. Bão đặc biệt nguy hiểm vì khi vào bờ sẽ suy yếu rất chậm và còn giữ độ mạnh khi vào sâu đất liền đến 300 km. Khu vực Bắc Tây Nguyên cũng có gió mạnh cấp 7, giật cấp 9. Bão gây mưa từ 200 đến 500 mm trong bão và mưa lớn hơn nữa sau bão.
Ông Trần Quang Hoài, Phó trưởng Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai, thông tin thêm trong ngày 27-10, các tỉnh, thành nằm trong phạm vi ảnh hưởng của bão số 9 đã có công điện, văn bản chỉ đạo và triển khai ứng phó với bão. Dự kiến trước 19 giờ, các tỉnh từ Thừa Thiên – Huế đến Phú Yên sơ tán 448.067 người trong khu vực nguy hiểm.
Thiếu tướng Doãn Thái Ðức, Cục trưởng Cục Cứu hộ Cứu nạn (Bộ Quốc phòng), báo cáo lực lượng quân đội đã huy động 73.000 người và phương tiện để ứng phó bão số 9. Trong đó, Quân khu 5 có hơn 66.000 người, với hơn 1.700 phương tiện (bao gồm 79 tàu lớn và xuồng các loại). Bên cạnh đó, khi cần thiết, Bộ Quốc phòng sẽ huy động thêm Quân khu 3, Quân khu 4 và Quân khu 7 tham gia. Riêng Quân chủng Hải quân có hơn 1.200 chiến sĩ, cùng 121 phương tiện, trong đó 27 tàu lớn. Bộ đội Biên phòng có hơn 3.600 người, 18 phương tiện. Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển có gần 400 người và 16 phương tiện ứng trực. Quân chủng Phòng không – Không quân cũng huy động 1.450 lượt người và 25 phương tiện.
Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đưa ra nhận định đường đi của bão số 9 không có vật cản và cực nhanh. Một điều bất lợi là thời tiết hiện tại không có không khí lạnh lẫn không khí khô nên không có yếu tố triệt tiêu được bão. Chính vì vậy, ông Cường lưu ý mặc dù tâm bão dự báo xuất hiện từ Quảng Nam đến Bình Ðịnh nhưng các địa phương lân cận tuyệt đối không được chủ quan, sẵn sàng các biện pháp ứng phó.
Ưu tiên số 1 là tính mạng người dân
Phát biểu chỉ đạo cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Ðình Dũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương dốc toàn lực ứng phó bão số 9, tiếp tục thực hiện phương châm “4 tại chỗ” với mục tiêu số 1 là bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của người dân.
Chỉ đạo triển khai các biện pháp, Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương trong vùng ảnh hưởng của cơn bão số 9 cần khẩn trương sơ tán người dân tại các khu vực ven biển, thấp trũng, nhà yếu, khu du lịch, các khu vực có nguy cơ sạt lở. Ðặc biệt, các đơn vị chức năng hướng dẫn, chỉ đạo người dân chằng chống, gia cố nhà cửa, trụ sở, trường học, bệnh viện… Các đơn vị chức năng cần triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn hệ thống điện, thông tin liên lạc, an toàn giao thông khi có bão và mưa lũ; sẵn sàng lực lượng, vật tư để cứu hộ, ứng cứu, khắc phục kịp thời các sự cố; kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án sơ tán người dân. Bên cạnh đó là bảo đảm an toàn hồ đập, hạ du hồ chứa, hệ thống đê biển, đặc biệt là các trọng điểm xung yếu; có phương án bảo đảm an toàn các công trình đang thi công.
Ngay sau cuộc họp trên, Phó Thủ tướng Trịnh Ðình Dũng dẫn đầu đoàn công tác đến tỉnh Quảng Nam kiểm tra công tác phòng chống cơn bão số 9. Phó Thủ tướng đánh giá cao công tác chuẩn bị của tỉnh, sau khi kiểm tra thực tế tại tuyến bờ biển Cửa Ðại (TP Hội An) bị sạt lở nghiêm trọng.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh trước dự báo bão số 9 sẽ vào các tỉnh Ðà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Ðịnh, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc quyết liệt cùng với nhân dân ứng phó hiệu quả với thiên tai. Song song với việc bảo đảm an toàn trên biển, các lực lượng chức năng của tỉnh phải tập trung bảo đảm an toàn trên đất liền khi bão đổ bộ, chú trọng triển khai sơ tán dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, không an toàn; bảo đảm an toàn tại nhà dân, công trình, bệnh viện, trường học…
Chiều tối cùng ngày, Phó Thủ tướng Trịnh Ðình Dũng cùng đoàn công tác đến tỉnh Quảng Ngãi, kiểm tra tình hình tại Nhà máy Lọc dầu Dung Quất và làm việc với lãnh đạo tỉnh này.
Chỉ đạo tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trịnh Ðình Dũng nhấn mạnh đây là một cơn bão rất mạnh, đi nhanh và địa bàn tỉnh Quảng Ngãi là tâm bão. Do đó, trong hôm nay phải chuẩn bị các phương án sơ tán người dân ra khỏi vùng nguy hiểm.
“Nhiệm vụ ưu tiên hiện nay là bảo vệ tính mạng cho người dân, tài sản cho người dân và nhà nước. Cần rà soát xem còn tàu thuyền nào nữa không, tuyệt đối không để một ai ở trên thuyền. Nhiệm vụ quan trọng nữa là khẩn trương sơ tán người dân. Phải cưỡng chế nếu người dân không di dời. Lực lượng công an phải bảo đảm an ninh trật tự khi người dân sơ tán đi” – Phó Thủ tướng Trịnh Ðình Dũng quán triệt.
Giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và tài sản
Tối 27-10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục có Công điện 1490/CÐ-TTg, yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 9. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt công tác ứng phó với bão theo Công điện số 1470/CÐ-TTg ngày 26-10 của Thủ tướng Chính phủ; các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và của Ban Chỉ đạo tiền phương.
Tiếp tục rà soát, kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền còn hoạt động trên biển thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm và về nơi tránh trú an toàn; yêu cầu chính quyền các địa phương phối hợp với lực lượng biên phòng, ngành thủy sản, ngành giao thông vận tải tiếp tục rà soát kỹ, không để sót tàu thuyền trong vùng nguy hiểm. Tổ chức neo đậu tàu thuyền an toàn; chủ động đưa tàu thuyền nhỏ lên bờ để hạn chế thiệt hại tại nơi tránh trú. Rà soát, chủ động sơ tán triệt để người dân ra khỏi những nơi nguy hiểm, không bảo đảm an toàn trước khi bão ảnh hưởng trực tiếp, nhất là trên lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản trên biển, ven biển; trên tàu thuyền; trong các nhà không an toàn, các khu dân cư vùng thấp trũng ven biển, cửa sông, bãi ngang có nguy cơ bị sạt lở, ngập sâu hoặc tác động trực tiếp của sóng.
Thủ tướng yêu cầu bí thư, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố từ Nghệ An đến Bình Thuận; các tỉnh khu vực Tây Nguyên trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm về địa phương của mình. Yêu cầu giảm thiểu ở mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do bão gây ra. Các bộ: Quốc phòng, Công an và các địa phương huy động tối đa lực lượng, phương tiện, tập trung ứng phó, cứu hộ cứu nạn khi bão vào và sau khi bão kết thúc, nhất là những sự cố sạt lở đất, ngập lụt.
V.Duẩn/NLĐ