+
Aa
-
like
comment

Cảng hàng không quốc tế Long Thành và kỳ vọng vươn tầm thế giới của Việt Nam

Minh Thanh - 24/08/2022 10:07

Với vai trò là dự án trọng điểm quốc gia mang tính quyết định đến nền kinh tế đất nước trong tương lai, vì thế tiến độ thực hiện dự án cảng hàng không quốc tế (HKQT) Long Thành luôn được Chính phủ đặc biệt theo dõi sát sao tiến độ thực hiện. Đồng thời, đề ra các giải pháp và lộ trình rõ ràng để đảm bảo quá trình thi công xây dựng đúng theo kế hoạch đã đề ra.

Người dùng mạng xã hội hiện đang thích thú truyền tay nhau một bức ảnh được cho là hình chụp vệ tinh mới nhất của siêu sân bay Long Thành tọa lạc tại tỉnh Đồng Nai. Đây là một trong những dự án có tổng mức đầu tư khủng nhất hiện nay lên đến 336.630 tỷ đồng. Sau khi hoàn tất xây dựng thì cảng hàng không quốc tế Long Thành cũng sẽ trở thành sân bay lớn nhất của cả nước.

Hình ảnh được chụp từ vệ tinh và phối cảnh của sân bay Long Thành

Trước đó, dự án này từng được kỳ vọng là sẽ giúp giải quyết được tình trạng quá tải đang tồn tại ở sân bay Tân Sơn Nhất. Đồng thời góp phần nâng tầm vị thế quốc gia trên bản đồ thế giới. Tuy nhiên, mặc dù quy hoạch dự án sân bay quốc tế Long Thành đã được Chính phủ phê duyệt từ năm 2011, thế nhưng cho đến nay sau hơn 10 năm triển khai thì công tác giải phóng mặt bằng vẫn chưa được hoàn tất.

Tính đến cuối năm 2021, vẫn còn gần 1000 hộ dân trong xử lý hồ sơ bồi thường dẫn đến chưa thể chuyển giao mặt bằng cho UBND tỉnh Đồng Nai. Trong khi đó công tác xây dựng khu tái định cư Lộc An – Bình Sơn cho các hộ dân đủ điều kiện bố trí tái định cư thuộc dự án Cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành vẫn chưa được hoàn thiện và đi vào hoạt động.

Trước tình hình đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác của Chính phủ đã đích thân kiểm tra hiện trường, động viên công nhân thi công dự án. Thủ tướng giao thẳng trách nhiệm thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai. Đặc biệt nhấn mạnh, lãnh đạo tỉnh phải thúc đẩy tiến độ giải phóng mặt bằng, đảm bảo cho người dân phải di dời có cuộc sống tốt hơn nơi ở cũ và năm sau tốt hơn năm trước. Đồng thời, giao hẳn quyền giám sát cho Phó Thủ tướng Lê Văn Thành.

Nhờ sự vào cuộc của Chính phủ mà tính đến thời điểm hiện tại công tác giải phóng mặt bằng giai đoạn 1 của đã gần như hoàn tất với tổng nguồn vốn bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người dân là gần 18.000 tỷ đồng. Tất cả các hạng mục thi công đều được đẩy nhanh tốc độ. Dự kiến tháng 10 năm nay dự án sẽ chính thức phát hồ sơ mời thầu, các hạng mục liên quan đến khu bay cũng sẽ được khởi công xây dựng vào tháng 12 đúng theo kế hoạch mà Chính phủ đề ra.

Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra Dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành

Việc Chính phủ liên tục chỉ đạo và theo dõi sát sao dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành cho thấy đây chính là dự án trọng điểm quốc gia và mang tính quyết định đến sự phát triển của nền kinh tế đất nước trong tương lai. Ngoài Việt Nam thì Thái Lan cũng là một trong những quốc gia đề cao vai trò của cơ sở hạ tầng đối với nền kinh tế quốc gia.

Theo đó, để đón đầu làn sóng du khách tăng qua từng năm và giải quyết tình trạng quá tải ở sân bay, Thái Lan đã cho xây dựng Sân bay quốc tế Suvarnabhumi. Đây là một trong những sân bay lớn nhất ở Đông Nam Á với công suất hoạt động lên đến 45 triệu hành khách/năm và dự định sẽ tiếp tục nâng cấp lên đến 150 triệu khách/năm trong tương lai gần.

Trong khi đó tại Malaysia, trước khi xây dựng Sân bay quốc tế Kuala Lumpur, quốc gia này thường xuyên rơi vào tình trạng quá tải du khách do hệ thống sân bay cũ kỹ và không thể đáp ứng nổi nhu cầu vận tải quá lớn. Tuy nhiên sau khi sân bay Kuala Lumpur chính thức đi vào hoạt động, tình trạng hành khách vật vã ở sân bay đã không còn. Sân bay mới của Malaysia có công suất hoạt động khoảng 45 triệu khách một năm và được xếp vào một trong những sân bay nhộn nhịp nhất châu Á.

Nhìn từ bài học của Thái Lan và Malaysia cho thấy Việt Nam hiện đang rất cần đến những công trình hạ tầng chất lượng cao như sân bay quốc tế Long Thành. Tất cả đều hướng tới mục tiêu khi dự án trọng điểm đi vào hoạt động sẽ đóng góp từ 3-5% GDP cả nước và đưa Việt Nam vươn lên trở thành một trong những thị trường hàng không tốt nhất khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.

Minh Thanh

Bài mới
Đọc nhiều