+
Aa
-
like
comment

Cần yêu cầu xét nghiệm Covid-19 tất cả hành khách sử dụng dịch vụ hàng không

Hạnh Văn - 15/05/2021 16:16

Ngày 13/5, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đã chỉ đạo thay đổi chiến lược xét nghiệm trong phòng chống Covid-19. Điều khiến tôi chú ý, đó là tuyên bố thay đổi phương thức phòng dịch của Bộ trưởng, từ chỗ chạy theo xét nghiệm sang chủ động xét nghiệm sàng lọc. Từ thế “phòng thủ”, nay chúng ta đã chuyển sang “tấn công chủ động”.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long.

Nhìn lại chặng đường hơn 1 năm đầy biến động, 3 làn sóng Covid-19 đã trôi qua, và ngay cả thời điểm này của đợt dịch thứ 4, tình hình vẫn được kiểm soát. Dù đã dập tắt được những nguy cơ bùng dịch, nhưng nhìn nhận khách quan, có một thực tế chúng ta khó có thể bỏ qua. Đó là các mầm mống của các đợt bùng phát dịch trong nước đều bắt nguồn từ các ca dương tính SARS-CoV-2 có lịch trình di chuyển bằng đường hàng không.

Khi Covid-19 xuất hiện tại Việt Nam, các ca F0 đầu tiên là hai cha con khách du lịch đến từ Trung Quốc, và tiếp theo đó là các ca dương tính liên quan đến bệnh nhân 17; hay Bệnh nhân 34, ca “siêu lây nhiễm” tại Phan Thiết, Bình Thuận. Cũng tương tự, các đợt bùng phát dịch đều ít nhiều có liên quan đến các chuyến bay quốc tế. Và gần đây nhất, một trong những ca bệnh đầu tiên của đợt 4 cũng là một ca bệnh “nhập khẩu” từ Nhật Bản.

Điều đó cho thấy, so với hầu hết các nguồn lây nhiễm Covid-19, các chuyến hàng không, đặc biệt là đường bay quốc tế, luôn tiềm ẩn nguy cơ cao nhất. Hành khách sử dụng dịch vụ hàng không vì thế cũng là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Nhưng từ trước đến nay, cách tiếp cận của ngành y tế, dù luôn thành công, vẫn luôn ở trong thế “bị động”, tức xét nghiệm, sàng lọc các F1, F2 sau khi đã phát hiện ca dương tính.

Lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tại cảng hàng không Tân Sơn Nhất.
Lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tại cảng hàng không Tân Sơn Nhất.

Nhưng nay, với sự chuẩn bị, phát triển hạ tầng y tế suốt 1 năm qua, Việt Nam đã có thể bước sang phương thức “chủ động”, như cách làm của các nước như Hàn Quốc: xét nghiệm, sàng lọc các đối tượng có nguy cơ cao mà không cần chờ đợi các ca bệnh F0. Với tính chất dễ tổn thương, có lẽ nơi cần được áp dụng đầu tiên các biện pháp “sàng đậu” mà vị tư lệnh ngành chỉ đạo, không đâu khác, chính là các cảng hàng không trên khắp cả nước. Dù là việc test nhanh, hay việc xử nắm bắt thông tin, truy vết lịch trình di chuyển của các hành khách, điều quan trọng nhất vẫn luôn là sự phối hợp đồng bộ của các đơn vị, từ khâu sàng lọc sớm, cho đến việc xử lý mẫu, thông báo kết quả và tiến hành cách ly tập.

Và thiết nghĩ , khi cách thức tiếp cận, ứng phó đại dịch đã thay đổi, chính chúng ta cũng cần có sự đổi mới về tư duy. Với phương pháp sàng lọc mới theo chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, thì việc các ca dương tính mới đồng nghĩa nguy cơ lây lan đã bị chặn đứng trước cả khi triệu chứng bùng phát. Do đó, “phát hiện ca mới” nên được xem là một thành quả chống dịch, thay vì là một “tin đáng lo ngại”, “tin xấu” gây lo sợ, hoang mang, như trước nay chúng ta vẫn định hình.

Trong bối cảnh hiện tại, các hoạt động hàng không trong nước và quốc tế có xu thế giảm xuống do tác động của đại dịch, giúp việc kiểm soát bệnh dịch tại các sân bay vẫn còn tương đối dễ xử lý. Tuy nhiên, cần tính đến việc mở cửa trở lại các cụm hàng không trong tương lai sau khi làn sóng Covid-19 thứ 4 kết thúc, mô hình “hộ chiếu vaccine” cũng sẽ sớm được triển khai. Việc áp dụng phương pháp tiếp cận mới của ngành y tế cho ngành hàng không Việt Nam từ ngay lúc này thực tế không hề là quá sớm, nếu không nói có nguy cơ trở thành quá muộn.

Hạnh Văn

Bài mới
Đọc nhiều