+
Aa
-
like
comment

Cần xử lý triệt để “truyền thông bẩn” để mang lại sự trong sạch trong không gian mạng

12/11/2019 17:17

Với sự phát triển nhanh chóng của mạng xã hội như hiện nay thì việc truyền thông bẩn đang ngày càng tràn lan khó kiểm soát và gây ra không ít hậu quả nghiêm trọng đối với nhiều cá nhân, tổ chức… Việc kiểm soát và xử lí triệt để truyền thông bẩn là điều cần phải thực hiện nhanh chóng để làm cho truyền thông “ sạch” hơn.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã trả lời chất vấn trước Quốc hội. Một trong những nội dung “nóng” được các ĐBQH quan tâm chất vấn là công tác quản lý thông tin điện tử, nhất là các trang thông tin điện tử, mạng xã hội, quản lý quảng cáo trên báo chí, trên môi trường mạng. Tình trạng “truyền thông bẩn” nhằm vào triệt hạ uy tín, danh dự cá nhân, tổ chức, thậm chí kích động người dùng đang xảy ra rất nghiêm trọng dẫn tới không ít hệ lụy. Giải pháp nào để xử lý?

Tại phiên chất vấn vừa qua, trao đổi về vấn đề thông tin sai lệch, vẫn chưa thể kiểm soát triệt để, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói: “Hiện giờ nghĩ gì, nói gì, yêu ai, mua gì… đều nằm trên mạng xã hội. Nghĩa là não người Việt Nam tập trung ở một chỗ và chỗ này hiện không nằm ở Việt Nam. Sau này họ sẽ dùng vào việc gì? Điều này rất nguy hiểm, đấy là an ninh quốc gia”, ông nói.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Não người Việt tập trung ở mạng xã hội nước ngoài rất nguy hiểm!
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Não người Việt tập trung ở mạng xã hội nước ngoài rất nguy hiểm!

Cách đây đúng 1 năm, tại Quốc hội Phó thủ tướng Vũ Đức Đam trao đổi: “Cuộc sống thật có đánh bạc thì không gian mạng có đánh bạc, cuộc sống thật có tống tiền thì không gian mạng có tống tiền, cuộc sống thật có lừa đảo thì trên không gian mạng có lừa đảo…”

“Chính vì vậy, chúng ta không chỉ phải hoàn thiện chính sách pháp luật để điều chỉnh đối với không gian mạng mà phải hoàn thiện điều chỉnh toàn bộ xã hội, điều chỉnh những hành vi mới phát sinh trong đó có phát sinh trên không gian mạng”, ông Đam nói.

Mạng xã hội liên tục được nâng đỡ, hỗ trợ bởi những công nghệ mới ngày càng tiện ích, trở thành kênh quan trọng, thúc đẩy quá trình giao tiếp và kết nối xã hội, thu hút hàng nghìn, hàng triệu thành viên không giới hạn về địa lý, thành phần xã hội. Sự tiếp cận đến từng cá nhân người dùng với tốc độ nhanh đã tạo ra nhiều cơ hội và lợi ích về truyền tải, tiếp nhận, chia sẻ, thông tin, tri thức, phục vụ các nhu cầu đa dạng của cộng đồng.

Mạng xã hội cũng tham gia tích cực vào mọi lĩnh vực đời sống, từ kinh tế, thương mại đến chính trị-xã hội. Nhờ đặc điểm của các công nghệ thông tin và truyền thông vừa mang tính chất cá nhân, vừa mang tính toàn cầu nên sức ảnh hưởng từ mạng xã hội không hề nhỏ. Một cá nhân đưa ra thông tin có thể tiếp cận được một lượng người tiếp nhận tiềm năng nhanh chóng, dễ dàng trên một phạm vi rộng khắp.

Những cơn “chấn động” về vệ sinh an toàn thực phẩm, về tình trạng ung thư của người Việt Nam hay nguy cơ tử vong ở trẻ mắc bệnh sởi khi không được tiêm phòng… đang hàng ngày “bám” theo cuộc sống mỗi người từ khi thức dậy cho đến khi đi ngủ. Lợi dụng điều này, nhiều đơn vị đã biến truyền thông thành công cụ để thực hiện ý đồ “bẩn” của mình.

Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng, nỗi sợ hãi là một bản năng tự nhiên của con người, giúp chúng ta phản ứng với các mối đe dọa để gia tăng khả năng sống sót. Đồng thời, nỗi sợ hãi tạo ra tính cấp bách và thúc giục con người phải hành động để thay đổi hiện trạng. Cách tốt nhất là “xì” tiền ra để mua những loại sản phẩm được quảng cáo là “sạch” để bảo vệ sức khỏe của chính bản thân và gia đình.

Lấy ví dụ câu chuyện nước mắm, khởi đầu là một hội mang danh bảo vệ người tiêu dùng đứng ra “công bố kết quả nghiên cứu khoa học” một cách (dường như là chính thức). Không khác gì cái bẫy giăng ra và với những thông tin đầy đủ yếu tố báo giá, các cơ quan thông tin coi nó như một nguồn chính thống để đăng tải, trong đó hầu hết là không có ý đồ vụ lợi. Họ – một cách vô tình rơi vào cơn bão truyền thông.

Một thông tin đưa ra quanh vụ “nước mắm” này, chỉ trong vòng 2 tuần trong tháng 10.2016, trên các trang mạng xã hội có trên 44.000 bài viết, 95.000 lượt chia sẻ, 108.000 thảo luận, trên 63.000 bình luận, danh sách 67 loại nước mắm vượt ngưỡng asen được chia sẻ rầm rộ trên mạng xã hội bởi các nghệ sĩ, diễn viên, người dùng.

Vụ việc đã gây ra cho hơn 30 doanh nghiệp nước mắm lâm vào khủng hoảng truyền thông, lao đao trong một thời gian dài. Đã có 50 tờ báo lớn nhỏ bị xử phạt, trở thành kỷ lục xử phạt báo chí từ trước đến nay.

Trong bối cảnh hoạt động thương mại cạnh tranh ngày càng gay gắt, không chỉ giữa các doanh nghiệp trong nước mà còn giữa doanh nghiệp nội địa với nước ngoài, bên cạnh việc tìm ra những biện pháp đi đúng quỹ đạo, hoạt động đúng khuôn khổ pháp luật, các ngành chức năng phải luôn ý thức cao về việc tháo gỡ vướng mắc, giúp doanh nghiệp vượt lên khó khăn, tăng sức cạnh tranh.

Doanh nghiệp là xương sống của nền kinh tế nước nhà. Xương sống lành lặn, cứng cáp thì “cơ thể kinh tế” mới mạnh mẽ, vững vàng. Nếu cứ để doanh nghiệp phải tốn kém công sức, trí tuệ, tiền bạc chống chọi với cơn bão truyền thông thì chỉ làm suy yếu nội lực của nền kinh tế.

Thượng tướng Tô Lâm – Bộ trưởng Bộ Công an khẳng định: Ai đưa ra thông tin sai sự thật, gây hoang mang trong nhân dân thì cũng phải xem xét… Nếu làm thủ đoạn, cách thức tung tin lên để cạnh tranh không lành mạnh thì cần phải xử lý. Hiện Bộ trưởng Công an đã phân công một thứ trưởng phụ trách chỉ đạo điều tra, làm rõ các nghi vấn trong vụ việc này.

Dù sử dụng bằng cách nào thì ảnh hưởng lớn nhất của truyền thông “bẩn” chính là người tiêu dùng. Chính vì vậy, truyền thông “bẩn” cần phải bị tẩy chay, lên án. Dù trên bất kỳ phương diện nào, nghề nghiệp hay đạo đức, truyền thông “bẩn” đánh vào nỗi sợ hãi của người tiêu dùng đều là điều sai trái.

Sử dụng truyền thông bẩn để trục lợi cần sớm được hạn chế và sớm loại bỏ. Còn hiện tại, trên không gian mạng xã hội, có hàng nghìn thông tin tiêu cực xuất hiện mỗi ngày liên quan tới uy tín các nhãn hàng tiêu dùng, tài sản khổng lồ của lãnh đạo các cấp chính quyền từ xã, huyện, tỉnh…

Sự phát triển của nền kinh tế, xã hội nói chung, công nghệ thông tin và mạng xã hội nói riêng ngày càng đặt ra nhiều cơ hội và thách thức, đòi hỏi con người cần phải luôn học tập để có thể thích ứng với sự biến đổi.

Điểm lại một số vụ việc tin đồn gây ảnh hưởng, đặc biệt những thông tin tin đồn liên quan tới lãnh đạo Đảng, Nhà nước, thông tin chính khách trong thời gian qua gây xôn xao dư luận, Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ cho hay, cách tốt nhất để dập tắt tin đồn đó là “đưa ra thông tin chính thức, thông tin chính thống”. Các cơ quan chức năng cần xác định đó là nhiệm vụ cũng là trách nhiệm cung cấp thông tin cho báo chí để đưa thông tin, phản ánh đến bạn đọc, đây là điều rất cần thiết.

Mạng xã hội không xấu, điều quan trọng là mỗi cá nhân phải phải tự xây dựng được cho mình bản lĩnh tiếp nhận và vững vàng khi tham gia vào không gian ảo những cũng không ít cạm bẫy này.

Hồng Đinh

Bài mới
Đọc nhiều