+
Aa
-
like
comment

Cần xử lý người trốn cách ly dù không làm lây COVID 19 ra cộng đồng

31/03/2020 15:42

Luật sư Trần Thu Nam đánh giá, văn bản của Tòa án Tối cao rất kịp thời trong bối cảnh cả nước đang chung sức đẩy lùi COVID – 19. Tuy nhiên, cần có chế tài nghiêm khắc hơn với những người không tuân thủ quy định phòng chống dịch bệnh.

Cảnh sát thuyết phục một người định bỏ khỏi khu cách ly tại Hà Nội.

Như đã đưa, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao đã thông qua hướng dẫn về việc xử lý tội phạm liên quan dịch bệnh COVID – 19. Trong đó, các hành vi làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng, tung tin thất thiệt, lợi dụng dịch bệnh để trục lợi hoặc người có thẩm quyền thiếu trách nhiệm trong phòng chống dịch bệnh đều bị xử lý hình sự.

Được hỏi quan điểm về hướng dẫn trên, luật sư Trần Thu Nam (Văn phòng Luật sư Tín Việt và Cộng sự) đánh giá, TAND Tối cao đã ban hành kịp thời trong bối cảnh cả nước phòng chống dịch bệnh nhưng vẫn có nhiều người thiếu ý thức thậm chí lợi dụng COVID – 19 để trục lợi. Hướng dẫn của Hội đồng thẩm phán Tối cao sẽ giúp thống nhất xử lý tội phạm, giải quyết các tình huống phát sinh trong bối cảnh hiện nay.

Tuy vậy, luật sư Nam cho rằng hướng dẫn chỉ xử lý những người không tuân thủ quy định dẫn tới lây bệnh cho người khác hoặc gây thiệt hại hơn 100 triệu đồng là chưa đủ, cần có chế tài mạnh hơn với bất kỳ ai không tuân thủ quy định phòng dịch.

“Bệnh nhân cố tình không đeo khẩu trang hoặc trốn cách ly… nếu không gây hậu quả lại không xử được, đây là vấn đề. Quan điểm của tôi cần truy cứu trách nhiệm hình sự cả trường hợp này để đảm bảo răn đe” – ông Nam nói.

Cần xử lý người trốn cách ly dù không làm lây COVID 19 ra cộng đồng - ảnh 1
Luật sư Trần Thu Nam.

Vị luật sư phân tích: “Trong luật, có cấu thành hình thức và cấu thành vật chất tức phải gây hậu quả. Hình thức là có thể không gây hậu quả vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự như tội cướp giật, dù chưa cướp được tài sản vẫn sẽ bị xử lý hình sự”.

“Như 1 người Mỹ ở Đà Nẵng, 2 người ở Tây Ninh trốn cách ly, dù không gây thiệt hại về bệnh tật nhưng đã làm cộng đồng hoang mang; gây thiệt hại về tiền bạc, công sức để tìm kiếm, đưa họ về và phải cách ly thêm người tiếp xúc với họ. Đây có thể coi là thiệt hại về vật chất và là nguy cơ tiềm ẩn nên cần mức răn đe cao hơn biện pháp hành chính. Tại nước Nga, chính quyền nói luôn ở nhà 14 ngày hoặc ở tù 5 năm, tôi ủng hộ biện pháp mạnh như vậy” – luật sư Trần Thu Nam chia sẻ.

Về việc TAND Tối cao hướng dẫn xử lý người có thẩm quyền nhưng thiếu trách nhiệm dẫn tới lây lan dịch bệnh, luật sư Trần Thu Nam khẳng định ông đồng tình việc này bởi nếu dịch bệnh kéo dài, chính quyền phải công bố dịch sẽ kéo theo nhiều hệ lụy, ảnh hưởng tiêu cực tới đời sống của người dân; hoạt động của cơ quan, tổ chức.

Luật sư Trần Thu Nam nêu quan điểm: “Người được phân công trách nhiệm phòng chống dịch như phong tỏa, giám sát, thực hiện các biện pháp cần thiết… nhưng không thực hiện sẽ bị xử lý về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Ví dụ người được phân công phong tỏa một tòa nhà nhưng vì nể tình vẫn để người dân ra vào khu vực này cần phải bị xử lý hình sự. Thủ tướng đã có chủ trương cương quyết, cả nước chung tay phòng chống dịch bệnh nhưng chỉ cần 1 cán bộ thiếu trách nhiệm có thể khiến công sức của nhà nước, địa phương đổ xuống sông xuống bể”.

Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao hướng dẫn, những người mắc bệnh, nghi ngờ mắc bệnh, người trở về từ vùng dịch nhưng trốn khỏi nơi cách ly, không tuân thủ quy định cách ly, không khai báo hoặc khai báo y tế gian dối… dẫn tới lây bệnh cho người khác sẽ thuộc trường hợp phạm tội “Làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người” theo Khoản 1, Điều 240 BLHS với hình phạt tiền từ 50 đến 200 triệu đồng hoặc án tù từ 1 đến 5 năm.

Người chưa bị xác định mắc COVID – 19 nhưng sống trong khu vực cách ly, phong tỏa nếu bỏ trốn hoặc từ chối áp dụng biện pháp cách ly; chủ quán bar, vũ trường, karaoke, massager, thẩm mỹ viện… nếu cố tình kinh doanh khi đã có lệnh đình chỉ… dẫn tới thiệt hại từ 100 triệu đồng trở lên do chi phí phát sinh phòng chống dịch bệnh sẽ bị xử lý về tội “Vi phạm quy định về an toàn ở nơi đông người”, Điều 295 BLHS với hình phạt tiền từ 20 đến 100 triệu đồng hoặc án tù từ 3 tháng đến 12 năm.

Người có hành vi đưa thông tin thất thiệt lên mạng máy tính, viễn thông nhằm xuyên tạc về tình hình dịch bệnh hoặc đưa trái phép thông tin đời tư nhân viên y tế, người mắc bệnh, người nghi ngờ mắc bệnh… có thể bị xử lý về tội “Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, viễn thông” (Điều 288, khung hình phạt tù từ 6 tháng đến 7 năm) hoặc tội “Làm nhục người khác” (Điều 155, hình phạt tiền từ 10 – 30 triệu đồng hoặc cải tạo không giam giữ hoặc án tù từ 3 tháng đến 5 năm).

Người có hành vi gian dối về công dụng của thuốc, vật tư y tế về phòng chống dịch Covid-19 để chiếm đoạt tài sản của người khác sẽ bị xử lý về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, theo Điều 174, khung hình phạt từ cải tạo không giam giữ tới tù chung thân.

Hành vi kiếm lời bằng cách lợi dụng khan hiếm hoặc tạo khan hiếm giả trong tình hình dịch bệnh để mua vét loại hàng hóa đã được Nhà nước định giá hoặc công bố là hàng bình ổn giá sẽ bị xử lý về tội “Đầu cơ”, Điều 196 với hình phạt tiền từ 30 đến 300 triệu đồng hoặc án tù từ 6 tháng tời 15 năm.

Người có trách nhiệm phòng, chống Covid-19 nhưng không triển khai hoặc triển khai không đầy đủ, kịp thời các biện pháp phòng chống dịch bệnh dẫn tới hậu quả nghiêm trọng sẽ bị xử lý về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo Điều 360 với hình phạt cải tạo không giam giữ hoặc án tù từ 6 tháng tới 12 năm.

X.A/TPO

Bài mới
Đọc nhiều