Cẩn trọng trước trào lưu “dân túy”
Một số biểu hiệu “dân túy” cực đoan kiểu mới đang hình thành và nảy nở trong xã hội nước ta. Núp dưới tấm vỏ bọc “vì nhân dân”, không ít đối tượng đã tung ra các chiêu trò mị hoặc, đánh vào tâm lý, quan điểm của đám đông để kêu gọi, tổ chức phong trào nhằm lôi kéo, tranh thủ quần chúng; tiến hành hướng lái, tác động đến nhận thức, hành động của quần chúng theo hướng tiêu cực, phục vụ những mưu đồ đen tối.
Xem xét các biểu hiện “dân túy” mới xuất hiện tại Việt Nam, có thể thấy nó do nhiều chủ thể tiến hành, xuất phát từ những động cơ, mục đích khác nhau.
Nhóm chủ thể đầu tiên có thể kể đến là những người cơ hội trong xã hội. Vì những động cơ thiếu trong sáng, vì vụ lợi cá nhân, vì để đánh bóng tên tuổi, vì để thỏa mãn cái tôi… những người này đã tiến hành các hành động theo màu sắc “dân túy” để thu hút đám đông và tiến hành xây dựng hình tượng cá nhân. Ban đầu, hành động của những người này có thể chỉ mang tính chất dân sự. Tuy nhiên, khi đã tạo dựng được hình tượng cá nhân, khi đã có được một đám đông nhất định ủng hộ, không ít người đã chuyển sang hướng chính trị, coi đây là bàn đạp để thực hiện nhưng mưu đồ tiêu cực.
Những ngày gần đây, câu chuyện làm từ thiện sao cho đúng cách đang trở thành một chủ đề nóng được thảo luận trên nhiều trang báo và diễn đàn mạng. Nó bắt nguồn từ việc một số cá nhân, tổ chức tiến hành quyên góp, ủng hộ cho đồng bào miền Trung khắc phục những hậu quả do mưa lũ gây ra trong thời gian vừa qua. Ban đầu, việc làm từ thiện của một số cá nhân, tổ chức này nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ cả phía chính quyền lẫn quần chúng nhân dân trong cả nước. Tuy nhiên, sau đó, do việc làm từ thiện mang tính tự phát, thiếu kế hoạch và vì nhiều nguyên do khác, nhiều vấn đề lùm xùm không đáng có đã phát sinh. Nguy hại hơn, một số thế lực thù địch, chống đối đã lợi dụng vấn đề này để thần thánh hóa, hình tượng hóa một số cá nhân, tổ chức trong xã hội. Rõ ràng, những hành động của một số cá nhân, tổ chức như trên chỉ mang tính ngắn hạn, trước mắt nhưng lại được một số phương tiện truyền thông cũng như nhiều đối tượng xấu, cơ hội chính trị tung hô quá đà. Thậm chí, lợi dụng vấn đề này, các đối tượng phản động, chống đối còn rêu rao luận điệu cho rằng không cần Đảng, Nhà nước lãnh đạo, điều hành đất nước vì tự người dân có thể giải quyết mọi vấn đề. Từ đây, các đối tượng xấu cổ súy hình thành “xã hội dân sự”, đòi thoát ly sự lãnh đạo của Đảng, kích động bất tuân dân sự.
Nhóm chủ thể thứ hai có biểu hiện “dân túy” đang tồn tại ở nước ta là một số chính khách có cái nhìn chưa thực sự đúng đắn về các vấn đề chính trị – xã hội của đất nước; những cán bộ, đảng viên có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, chạy theo chức quyền. Trên một số diễn đàn, những người này phát ngôn với tính chất “theo đuôi quần chúng”, “nói cho sướng miệng”, gây sốc dư luận. Những phát ngôn, ý kiến, quan điểm của những người này tưởng chừng như đầy tâm huyết, thẳng thắn, vì lợi ích của nhân dân nhưng họ lại không nắm được chiều sâu của vấn đề, không đánh giá được tính nhiều mặt của sự việc. Lợi dụng các hình thức phê bình, chất vấn, tranh luận, hội thảo, tọa đàm, nhiều người đã đưa ra những phát ngôn “gây sốc”. Nghe thì có vẻ “êm tai” nhưng thực tế nó chỉ có tính chất vuốt ve, yêu chiều, lấy lòng một đám đông nhất định trong xã hội. Họ theo đuôi thực tiễn, chỉ dựa trên bề nổi của sự việc để phát ngôn, không tính toán đến các hệ lụy mà phát ngôn của mình gây ra. Vì những lợi ích cá nhân và động cơ không trong sáng, nhiều phát ngôn cảm tính, vô nguyên tắc, thiếu trách nhiệm đã được đưa ra, tạo tâm lý hoài nghi, bất mãn, dao động trên một số diễn đàn và nhất là trên các trang mạng xã hội.
Nhóm chủ thể thứ ba theo trào lưu “dân túy” là các đối tượng phản động, chống đối. Chủ nghĩa “dân túy” cũng là một con đường để các thế lực thù địch, phản động, chống đối sử dụng nhằm tiến hành “diễn biến hòa bình” tại Việt Nam. Lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, núp dưới danh nghĩa đấu tranh vì quần chúng nhân dân, các đối tượng này gia tăng các hoạt động công kích, đả phá, bôi nhọ Đảng, Nhà nước ta. Một mặt, các đối tượng tiến hành thổi phồng, nói quá những tồn tại, hạn chế, sai phạm của các cơ quan Nhà nước và từ đó đổ lỗi cho chính quyền, vu khống tình hình thực tiễn của đất nước theo hướng tiêu cực, đen tối. Mặt khác, với những hứa hẹn đầy “mật ngọt” về một xã hội dân chủ, các đối tượng kích động người dân bất tuân dân sự, chống đối chính quyền, đòi đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập. Đặc biệt, các đối tượng triệt để kích động tư tưởng dân tộc hẹp hòi, cực đoan để kích động tư tưởng ly khai, cát cứ, gây chia rẽ mất đoàn kết dân tộc. Bằng những hứa hẹn mang tính mị dân, các đối tượng này đánh vào tâm lý, lợi ích của quần chúng để xây dựng lực lượng chống đối trong nước, tạo cơ sở tiến hành các hoạt động bạo loạn lật đổ theo con đường “cách mạng màu”, “cách mạng đường phố”.
Bảo An
* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả