+
Aa
-
like
comment

Cẩn trọng trước hoạt động chống phá trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật

Bảo An - 01/12/2020 18:35

Văn hóa, tư tưởng là một lĩnh vực quan trọng cấu thành đời sống xã hội. Việc bảo vệ an ninh văn hóa tư tưởng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bảo vệ an ninh quốc gia. Thời gian vừa qua, các thế lực thù địch, phản động, chống đối gia tăng hoạt động tấn công, chống phá, tiến hành “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực văn hóa, tư tưởng. Chính bởi vậy, việc bảo vệ an ninh văn hóa, tư tưởng càng phải tiến hành một cách thận trọng.

Các đối tượng chĩa mũi nhọn công kích Hội nhà văn Việt Nam

Vừa qua, Hội Nhà văn Việt Nam đã tiến hành Đại hội lần thứ X. Đại hội xác định, trong nhiệm kỳ X, hội tập trung thực hiện các nghị quyết của Đảng về văn hóa, văn học-nghệ thuật. Hoạt động phát triển văn học tập trung theo phương hướng: “Tiếp tục đổi mới tư duy văn học, mở rộng đề tài, chủ đề, phương pháp sáng tác nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả văn học, góp phần xây dựng văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước”. Đại hội đã bầu ra Ban chấp hành gồm 11 thành viên. Trong đó, nhà văn Nguyễn Quang Thiều được tín nhiệm bầu là Chủ tịch Hội; 2 Phó Chủ tịch là nhà văn Nguyễn Bình Phương, nhà thơ Trần Đăng Khoa; các ủy viên gồm nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ, nhà thơ Lương Ngọc An, nhà văn Khuất Quang Thuỵ, nhà văn Vũ Hồng, nhà thơ Trần Hữu Việt, nhà thơ Trần Hùng, nhà văn Phan Hoàng, nhà văn Bích Ngân.

Tuy nhiên, với mưu đồ chống phá, xuyên tạc vai trò lãnh đạo của Đảng với văn học, nghệ thuật, các đối tượng chống phá đã tiến hành đả phá Đại hội lần thứ X của Hội Nhà văn cũng như vị trí, vai trò của Hội Nhà văn; từ đó, các đối tượng tạo cớ để tấn công, chống phá, xuyên tạc vai trò của Đảng.

Nhận diện hoạt động chống phá

Không khó để thấy, thời gian qua, chúng ta đã chứng kiến không ít nhà văn thoái hóa, biến chất, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, trở thành một đối tượng cơ hội chính trị có nhiều hành vi chống phá đất nước. Trong đó, có không ít người từng là nhà văn cách mạng, từng gắn bó với Đảng, nhân dân trong những năm tháng chiến tranh, từng có tác phẩm văn học ấn tượng, tiêu biểu. Vậy nhưng trong thời bình, những người này lại chẳng giữ vững “lòng son” với Đảng, với nhân dân mà chạy theo những giá trị dân chủ, nhân quyền ảo vọng, không thực tế, trở thành “con cưng” của các thế lực thù địch, phản động, chống đối. Dưới sự vuốt ve, yêu chiều của những đối tượng phản động, chống đối cả về vật chất và tinh thần, các nhà văn “trở cờ” đã sử dụng văn học để lồng ghép tuyên truyền những quan điểm, tư tưởng sai trái, phản động. Trong đó, những cái tên có thể kể đến là Nguyên Ngọc, Phạm Thành…

Cùng với việc cổ súy, hỗ trợ, giúp sức cho các đối tượng văn, nghệ sĩ thoái hóa, biến chất, các đối tượng phản động, chống đối cũng gia tăng hoạt động xuyên tạc, tấn công các văn, nghệ sĩ cách mạng cũng như Hội nhà văn Việt Nam. Gần đây, sau khi Đại hội Nhà văn Việt Nam khóa X được tổ chức xong, các đối tượng chống đối liên tục đăng đàn tấn công, xuyên tạc. Nhiều lập luận phản động, tiêu cực, sai trái, độc hại được đưa ra như: “văn học Việt Nam chỉ là tay sai của Đảng”, “Đảng không muốn văn nghệ sĩ sáng tác mà chỉ mong họ làm theo chỉ đạo”… Thông qua những luận điệu xuyên tạc này, các đối tượng bôi nhọ vai trò của Hội Nhà văn với sự phát triển của văn học, nghệ thuật nước nhà. Trên cơ sở này, các đối tượng đòi hình thành các “nghiệp đoàn nhà văn tự do”, không nằm trong sự lãnh đạo và quản lý của Đảng, Nhà nước.

Mục đích mà các đối tượng chống đối đang hướng đến là phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản đối với lĩnh vực văn học, nghệ thuật; đòi hình thành một thứ văn học, nghệ thuật “tự do tuyệt đối”, thậm chí là đứng trên pháp luật; đưa văn học, nghệ thuật của chúng ta đi chệch hướng chính trị, tư tưởng cách mạng, tiến bộ. Từ đây, nhũng đối tượng này sử dụng văn học, nghệ thuật như một thứ vũ khí để tấn công vào tư tưởng, nhận thức của cộng đồng, hình thành những quan điểm lệch lạc, tạo ra những khoảng trống để truyền bá hệ tư tưởng tư sản.

Tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng đối với lĩnh vực văn học, nghệ thuật

Cuộc đấu tranh trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật là một cuộc chiến đấu quyết liệt. Chúng ta phải kiên quyết đấu tranh với những kẻ lợi dụng văn học, nghệ thuật làm tấm áo choàng che giấu hành vi phạm tội, hình thành nền văn học vị nhân sinh chân chính. Trong đó, cùng với việc đấu tranh, phê phán, xử lý những hành vi lợi dụng văn học nghệ thuật để tiến hành những hoạt động chống phá, chúng ta phải củng cố vững chắc vai trò lãnh đạo của Đảng đối với lĩnh vực văn học, nghệ thuật.

Đảng lãnh đạo văn học, nghệ thuật là một vấn đề tất yếu, khách quan, phù hợp với quy định của Hiến pháp và pháp luật Việt Nam cũng như pháp luật, thông lệ chung của thế giới. Đây là nhân tố quyết định cho sự phát triển của nền văn học, nghệ thuật một cách lành mạnh, tiến bộ và trong sạch, ngăn chặn việc các đối tượng xấu lợi dụng văn học, nghệ thuật để chống phá Đảng, Nhà nước và Nhân dân.

Bảo An

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Bài mới
Đọc nhiều