Cần “trảm” các cơ sở y tế viện cớ chống dịch để từ chối cứu chữa người dân
Mới đây, Người đứng đầu Chính Phủ đã mạnh mẽ yêu cầu Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Dương và Bộ Y tế chỉ đạo cơ quan chức năng khẩn trương xác minh, làm rõ vụ việc 5 cơ sở y tế tại tỉnh Bình Dương không tiếp nhận cấp cứu dẫn đến một người dân tử vong. Đây là một hành động rất quyết liệt nhằm xử lý nghiêm những trường hợp các cơ sở y tế lấy lý do chống dịch.
Được biết, bệnh nhân bị 5 cơ sở y tế khám bệnh từ chối bị nôn mửa nặng, sau đó được gia đình đưa đi cấp cứu. Thế nhưng, mặc dù bệnh nhân lớn tuổi nhưng di chuyển đến tận 5 bệnh viện cũng không có cơ sở nào chịu chấp nhận chữa trị. Chính vì vậy, sau khi quay về nhà trọ bệnh nhân đã tử vong. Quá đau lòng, giữa đại dịch người dân đã chấp chới, nay lại còn bị bỏ mặc đến như vậy thì không thể chấp nhận được.
Đúng là hiện nay, dịch bệnh đang bùng phát nghiêm trọng và lực lượng y tế đang được huy động tối đa để phục vụ chi việc khám chữa bệnh. Thế nhưng, đâu chỉ có virus Sars-COV-2 mới lấy đi tính mạng người dân, mà còn rất nhiều thứ bệnh khác. 5 cơ sở lấy lý do hết nhân lực vì chống dịch vậy mặc nhiên những bệnh nhân không liên quan đến dịch phải tự mình xoay sở và bơ vơ để rồi dẫn đến hậu quả thương tâm hay sao? Đáng trách hơn cả, là khi bệnh nhân đến họ chỉ biết lắc đầu từ chối mà không có một biện pháp giúp đỡ hay sơ cứu nào. Y đức của bác sĩ ở đâu, lời thề của họ đâu mất rồi. 5 cái lắc đầu đó đã khiến cho tình cảm của người dân dành cho những thiên thần áo trắng lao mình vào tâm dịch trong thời gian gần đây bị vơi đi ít nhiều. Sự bất công không đáng có và cũng không nên xảy ra. Thiết nghĩ, nếu lúc đó chỉ một bệnh viện dùng xe cứu thương để đưa bệnh nhân đến một cơ sở khác thì có lẽ họ đã không phải chịu cảnh ra đi tức tưởi và trong nỗi đau xé lòng, uất nghẹn của người thân như vậy.
Rất vui mừng khi ngay sau đó, Thủ tướng đã lập tức chỉ đạo các cơ quan ban ngành của Bình Dương và thậm chí là cả Bộ Y tế phải vào cuộc. Xác minh, điều tra, xử lý nghiêm tránh trường hợp tương tự xảy ra một lần nữa. Ngay sau đó, cơ quan điều tra của Bộ Công an đã vào cuộc. Quan trọng hơn cả, sau chỉ đạo của Thủ tướng, một số địa phương đã tự động chấn chỉnh xem xét lại các cơ sở y tế của mình. Như TP.HCM đã chủ động công bố 136 cơ sở y tế tiếp nhận cấp cứu bệnh nhân, người bệnh bình thường và cả bệnh nhân Covid-19 đang điều trị tại nhà. Đây là một tín hiệu rất đáng mừng!
Tin tưởng rằng, sau chỉ đạo của Thủ tướng, những cơ sở từ chối bệnh nhân xấu số trên sẽ bị xử lý một cách nghiêm khắc. Ngoài việc trả giá cho hành động vi phạm y đức thì cũng là bài học để cảnh tỉnh những cơ sở khác luôn lấy lý do chống dịch để từ chối bệnh nhân. Phải làm nghiêm, vì dù trong đại dịch, tính mạng của mỗi người dân đều công bằng như nhau.
Thu An