+
Aa
-
like
comment

Cần tỉnh táo sau những cái “Enter” với tin giả về dịch COVID-19

Đinh Lực - 17/03/2020 18:37

Theo thống kê của Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm công nghệ cao (Bộ Công an), đến nay công an các đơn vị, địa phương trong cả nước đã xác minh, làm việc với hơn 654 trường hợp đưa tin sai sự thật, trong đó xử phạt vi phạm hành chính hơn 146 người. Tính từ thời điểm dịch Covit 19 bùng nổ đến nay trên không gian mạng đã có gần 300.000 tin, bài bao gồm cả chính thống và không chính thông đăng trên các trang thông tin điện tử, blog, diễn đàn. Còn số bài viết, video, tin tức đăng tải trên các trang mạng xã hội, chủ yếu là Facebook lên tới gần 600.000 bài.

Điều đặc biệt lúc này là trong khi cả nước đang quán triệt tinh thần của Thủ tướng Chính phủ “chống dịch như chống giặc”, thì những hành vi phát tán “virus tin giả” lên không gian mạng đã khiến cho việc phòng chống dịch bệnh có phần nhiều bị ảnh hưởng.

Ngay từ thời điểm dịch Corona (tên gọi cũ của dịch COVID-19) vừa bùng nổ ở Việt Nam vào thời điểm từ ngày 31/1, thì tại Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Cần Thơ, Đà Nẵng, TP.HCM và một số tỉnh khác cơ quan công an đã thực hiện xử phạt về tình hình dịch bệnh.

Những tin giả được đăng tải và được cơ quan chức năng xử lý triệt để

Có thể nhận biết được rằng, phần lớn những thông tin thất thiệt về dịch bệnh COVID-19 chủ yếu là cách chữa trị tại nhà; tung tin sai lệch về số lượng ca nhiễm, tử vong ở Việt Nam; tung tin về việc người Trung Quốc tràn sang Việt Nam, kêu gọi đóng cửa biên giới, tung tin về hàng hoá bị trả lại, tung tin về việc Chính phủ che giấu số lượng ca nhiễm COVID-19…

Không chỉ ở Việt Nam, mà ở các nước tin tức giả mạo về COVID-19 cũng là một trong những vấn đề khiến chính phủ các nước đau đầu. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã phải cảnh báo sự bùng phát của Covid-19 dẫn đến cuộc khủng hoảng tin tức, khiến mọi người trở nên hoảng loạn, tin vào những tin tức sai lệch trên mạng xã hội
Do đó, WHO đã đề nghị được hợp tác với nhiều nền tảng truyền thông xã hội khác nhau để nhằm phát hiện và xoá bỏ các tin tức sai lệch, đồng thời cung cấp thông tin đáng tin cậy về virus COVID-19 tới người dân trên thế giới

Ở Việt Nam, sau những cái gõ Enter là những tin tức giả mạo của các “anh hùng bàn phím” là hình ảnh hốt hoảng, lo sợ khi có giấy hẹn, giấy triệu tập tại các cơ quan chức năng của từng địa phương. Không ít câu chuyện hài hước, xen lẫn sự hoang đường như việc đăng tin giả vờ bị Corona để trốn nợ; livetream cách trốn cách ly trở về từ vùng dịch; đăng tin giả Corona kiếm được hơn chục like, để rồi bị phạt lên tới 12 triệu đồng,…

Phần lớn, có thể nói do những người đăng tin giả có nhận thức hạn chế, hiểu biết vấn đề dịch bệnh chưa nắm chắc, muốn gây sự chú ý, muốn tăng lượng tương tác với trang cá nhân, muốn chạy theo một trào lưu,… Không ít những cá nhân khi có mặt tại cơ quan chức năng theo yêu cầu của cơ quan nhà nước đã có thái độ ân hận, cam kết không đăng tin giả gây hoang mang, lo lắng cho dư luận.

Phải khẳng định rằng hành vi thiếu ý thức trách nhiệm, ý thức công dân, vì lợi ích cá nhân của không ít cá nhân đăng tin tức giả mạo, sai lệch, đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống xã hội, đặc biệt là những người đang quan tâm vấn đề dịch bệnh này. Thậm chí, có những bài viết, tin tức giả mạo còn đã gây ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế của cả một doanh nghiệp sản xuất, đến công tác phòng chống dịch bệnh của Chính phủ, Bộ Y tế; đến an ninh trật tự rất lớn.

Điều đáng nói là hành vi đăng tải tin tức giả mạo còn được “tát nước theo mưa” bởi một số những cá nhân là nghệ sĩ, ca sĩ, người tác động trực tiếp tới công chúng, phần lớn người sử dụng mạng xã hội.

Điển hình như việc Đàm Vĩnh Hưng, Ngô Thanh Vân, Cát Phượng đã có những bài viết chia sẻ thông tin về dịch COVID-19 sai sự thật, gây hoang mang và tạo nên sự phản đối của không ít khán giả. Những cá nhân này đều đã phải làm việc với cơ quan chức năng và xoá bỏ thông tin sai lệch, cũng như đăng tải thông tin đính chính, xin lỗi dư luận.

Cùng với tin tức giả mạo được đăng tải bởi các cá nhân thiếu hiểu biết, câu like, thì thế lực phản động, chống phá Đảng, Nhà nước cũng lấy đề tài này nhằm chống phá đất nước. Nhưng những kẻ phản quốc sau đó đã không có cơ hội để xuyên tạc, khi mà 16 ca nhiễm COVID-19 được Việt Nam chữa khỏi; Việt Nam là nước chế tạo thành công Kit test thử việc nhiễm bệnh; sự chung tay của Đảng, Nhà nước đã tạo được niềm tin và ủng hộ của nhân dân cả nước, thậm chí là các ca bệnh dương tính ở Việt Nam là người người nước ngoài.

Khi mà cả nước đang phải chung tay chống dịch bệnh COVID-19, thì ở mạng xã hội công tác tư tưởng cũng phải được thực hiện một cách nghiêm túc. Chúng ta không thể để người dân có tâm lý chung là sự lo lắng về dịch bệnh, đối mặt với thông tin thất thiệt từ chính người thân, bạn bè, đồng nghiệp đăng tải mỗi ngày.

Dịch bệnh COVID-19 quả là đáng sợ, nhưng chưa chắc đã đáng sợ bằng những nội dung, tin tức không có thật, những thứ vẫn cố tình đang gieo rắc lên mạng xã hội. Chính những thông tin sai lệch, xuyên tạc, giả mạo mà có thể vô hình tiếp tay cho dịch bệnh, khi mà một cá nhân nhiễm bệnh chạy đổ xô vào cộng đồng để mua khẩu trang, nước rửa tay, gom thức ăn,… tạo điều kiện cho việc tăng giá, gom hàng, và hơn hết là lây lan dịch bệnh. Chính vì thế, sau mỗi cái gõ Enter đăng tải, phải là trách nhiệm, lương tâm và tin tức đúng sự thật theo sự chỉ dẫn, chung tay của Chính phủ, Bộ Y tế và nhân dân cả nước.

Đinh Lực

Bài mới
Đọc nhiều