+
Aa
-
like
comment

Cần tin tưởng doanh nghiệp tư nhân trong nước

24/07/2019 17:45

Việt Nam đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Quá trình đó đòi hỏi nguồn vốn rất lớn để xây dựng cơ sở hạ tầng cho phát triển. Tuy nhiên, thực tế một số dự án lớn sử dụng nguồn vốn ODA, nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước do các cơ quan, doanh nghiệp Nhà nước làm chủ đầu tư chưa đúng cách, gây lãng phí, thất thoát thậm chí là thua lỗ, tạo dư luận xấu trong nhân dân. Có lẽ đã đến lúc tin tưởng hơn vào các doanh nghiệp tư nhân trong nước. 

Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn do Sun group làm chủ đầu tư

Tại sao lại là doanh nghiệp tư nhân nội?

“Đồng tiền đi liền khúc ruột”, tiền do tư nhân bỏ ra sẽ gắn với trách nhiệm của họ, sao cho sử dụng hiệu quả. Không thể phủ nhận, rất nhiều dự án vốn ODA, ngân sách Nhà nước kém hiệu quả, đội vốn, thua lỗ, chậm tiến độ có thể kể đến như Dự án đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông, Metro Bến Thành – Suối Tiên, 12 Dự án thua lỗ của ngành Công thương, một loạt các dự án sai phạm tại Vinashin, Vinalines… Theo quan điểm của người viết, ngoài những nguyên nhân như: Tham ô tài sản; trình độ kỹ thuật, năng lực hạn chế; dự án sử dụng vốn ODA kèm điều kiện cho nhà thầu nước viện trợ ODA thi công nên khó quản lý, giám sát… thì một nguyên nhân quan trọng là một bộ phận những người có quyền hành, trách nhiệm mang tư tưởng nếu thiệt hại xảy ra thì Nhà nước bị thiệt hại, bản thân họ không mất mát tài sản, lợi ích gì. Doanh nghiệp tư nhân thì khác, họ bỏ vốn đầu tư sẽ đưa ra các phương án hiệu quả nhất, thực hiện với trách nhiệm cao nhất. Hiệu quả ở đây có nghĩa tiết kiệm, đảm bảo chất lượng, đáp ứng tiến độ. Bởi lẽ, nếu thực hiện không tốt không chỉ dự án đó không có lợi nhuận mà còn ảnh hưởng đến thương hiệu, uy tín doanh nghiệp. Chậm tiến độ đồng nghĩa phát sinh thêm chi phí cho công nhân viên thực hiện dự án, còn chưa kể đến lạm phát, thời gian khai thác dự án bị đẩy lùi. Tất nhiên, không ai muốn vung phí đồng tiền do mình bỏ ra, vì vậy doanh nghiệp tư nhân luôn cố gắng hoàn thành dự án sớm, đáp ứng các yêu cầu đặt ra.

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp tư nhân trong nước đã lớn mạnh nhanh chóng, đầu tư hiệu quả, đóng góp vào sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Đặc biệt có những công trình hạ tầng giao thông đòi hỏi nguồn vốn lớn, thi công phức tạp đã được doanh nghiệp tư nhân nội hoàn thành xuất sắc. Sungroup với cao tốc Hạ Long – Vân Đồn, Cảng tàu khách du lịch quốc tế Hạ Long và không thể không nhắc đến Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn hoàn thành trong vỏn vẹn 2 năm rưỡi. Điều đáng nói, chỉ với vốn đầu tư 7500 tỷ đồng, ta đã có một sân bay không những đáp ứng tiến độ mà còn có thiết kế đẹp, đảm bảo tính đồng bộ, hiện đại với nhiều công nghệ lần đầu được áp dụng tại Việt Nam. Vingroup đang đầu tư Dự án xây dựng đường Vành đai 2 đoạn Vĩnh Tuy – Ngã tư Sở (gồm tuyến đường bộ trên cao đoạn từ Vĩnh Tuy đến Ngã tư Sở và mở rộng phần đường phía dưới đoạn Vĩnh Tuy – Ngã tư Vọng) được nhiều người đánh giá là tiến độ thần tốc. Tập đoàn Sơn Hải thi công Quốc lộ 1A cắm biển bảo hành 5 năm thay vì chỉ bảo hành 2 năm như các nhà thầu khác, một điều chưa từng có tiền lệ. Ngoài ra, còn rất nhiều doanh nghiệp tư nhân Việt Nam hoàn thiện các dự án có quy mô, tính phức tạp một cách xuất sắc.

Các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đủ tâm và đủ tầm hoàn thành tốt các dự án hạ tầng giao thông, công nghiệp, công trình phúc lợi xã hội… Không ít doanh nghiệp có tiềm lực tài chính dồi dào, cơ chế chính sách minh bạch, hợp lý, họ ngoài mục đích lợi nhuận còn mang trong mình khát vọng về một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng. Nói như Phạm Nhật Vượng – ông chủ Vingroup: “Tôi muốn để lại thứ gì đó cho thế hệ sau, còn tiền thì dù sao cũng chẳng thể mang theo khi đã chết”.

Cần thay đổi suy nghĩ

Doanh nghiệp tư nhân nội đang đầu tư trên mọi lĩnh vực, tuy nhiên với các dự án hạ tầng mang tầm quốc gia, có ý nghĩa quan trọng trong sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước thì tham gia còn hạn chế. Đó là sự lãng phí lớn về tài nguyên vốn, nhân lực… Có những ý kiến cho rằng với các dự án hạ tầng lớn như đường cao tốc Bắc – Nam, Metro ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, Cảng hàng không quốc tế Long Thành… các doanh nghiệp trong nước chưa đủ năng lực, trình độ kỹ thuật thực hiện dự án. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, với các dự án tương tự họ đã thực hiện rất tốt dù quy mô các dự án này nhỏ hơn. Đó là khâu tật dượt quan trọng để thực hiện các siêu dự án sau này. Đừng nghĩ các doanh nghiệp tư nhân trong nước không có chuyên gia, thiết bị máy móc hiện đại, họ hoàn toàn có thể thuê các chuyên gia hàng đầu tư vấn, quản lý, giám sát hay đối tác của họ là các nhà thầu uy tín, nổi tiếng. Cái quan trọng là phải thay đổi từ suy nghĩ. Ít ai có thể ngờ Conteccons có thể thi công tòa nhà cao 461m xuất sắc đến vậy hay câu chuyện doanh nghiệp Việt sản xuất ô tô với tốc độ thần kỳ. Vẫn biết mỗi dự án có cái khó riêng nhưng tôi không cho rằng sản xuất ô tô đơn giản hơn các siêu dự án hạ tầng như trên.

Đã đến lúc tin tưởng và huy động nhiều hơn các doanh nghiệp tư nhân trong nước tham gia vào các dự án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với sự phát triển của kinh tế – xã hội đất nước. Điều quan trọng là cơ quan Nhà nước cần có cơ chế chính sách phù hợp sao cho vừa đảm bảo năng lực chủ đầu tư vừa tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tư nhân nội có thể tham gia thực hiện dự án.

(Theo Bút Danh)

Bài mới
Đọc nhiều