+
Aa
-
like
comment

Can thiệp hay thả nổi, đâu mới là giải pháp tốt nhất ghìm cương giá xăng dầu?

Huy Hoàng - 16/06/2022 16:55

Tại phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội vừa qua, liên quan đến giá xăng dầu, có ý kiến đề nghị Chính phủ cần sớm can thiệp để hạ nhiệt giá xăng dầu. Tuy nhiên có một đại biểu khác lại muốn giá xăng dầu lên xuống theo thế giới, tức thả nổi và không nên nỗ lực tìm mức giá rẻ nhất so với các nước xung quanh. Vì sao các đại biểu quốc hội lại có hai luồng ý kiến trái chiều như vậy tại cuộc họp vừa qua?

Điều chỉnh giá xăng

Can thiệp, có hệ lụy

Hiện nay, phần đông doanh nghiệp cho tới người dân đều đồng tình nếu giảm thuế phí. Lợi ích của việc can thiệp bằng cách giảm thuế giờ đã trở nên quá rõ ràng. Đầu tiên là xoa dịu được tâm lý người dân, bình ổn lại các hoạt động sản xuất, từ đó ghìm cương được lạm phát và thúc đẩy nền kinh tế còn đang phục hồi sau đại dịch.

Nhưng hệ lụy đáng lo nhất của việc can thiệp chính là giá xăng trong nước sẽ xuất hiện tình trạng chênh lệch lớn về giá cả so với giá xăng thế giới. Từ đó sẽ tạo động lực cho các hoạt động buôn lậu trái phép xăng dầu trên biển diễn ra ngày một sôi nổi hơn. Vấn nạn buôn lậu xăng dầu là một thách thức lớn với Việt Nam. Hễ khi giá cả trong nước thấp hơn các nước trong khu vực và thế giới, thì các đối tượng sẽ dùng tàu ngư dân, hầm chứa cá, nước đá, … để ngụy trang, qua mặt các cơ quan chức năng. Và vận chuyển một lượng lớn xăng dầu được trợ giá trong nước sang các nước khác để tiêu thụ, ăn giá chênh lệch.

Trong năm 2020, bất chấp dịch bệnh và giao thông trên biển lẫn trên bộ bị hạn chế, thì số lượng các tàu thuyền buôn lậu xăng dầu vẫn không có dấu hiệu giảm. Nay khi việc giao thương đã trở lại bình thường, vấn nạn buôn lậu thực sự sẽ là một mối lo lớn về thất thu ngân sách. Công tác quản lý các đối tượng này là không hề dễ dàng, bởi khi các đối tượng mua bán xăng dầu trên biển, thì đều có móc nối giao nhận hàng và tiền thông qua trung gian, hoạt động theo mô hình khép kín, rất khó để truy ra đối tượng phạm tội cuối cùng. Do đó khi bắt giữ, việc xác định chủ buôn lậu dầu, chứng minh yếu tố buôn lậu, xử lý gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, rất tốn thời gian.

Buôn lậu xăng dầu trên biển ngày càng phức tạp và nghiêm trọng

Thả nổi có phải là giải pháp tốt?

Có ý kiến cho rằng Việt Nam đi theo hướng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Cho nên, Chính phủ không nên can thiệp mà hãy để cho thị trường tự quyết định giá cả theo cung cầu. Ý kiến này hoàn toàn có lý, chứ không hề cực đoan là cho thả nổi mặc kệ giá cả “nhảy múa tự do” trên thị trường. Vì lúc nào cũng vậy, cực đoan chưa bao giờ là tốt, can thiệp quá sâu như cách trợ giá đến rẻ mạt ở Malaysia sẽ gây hệ lụy như làm gia tăng nạn buôn lậu xăng dầu như trên.

Còn nếu thả nổi để mặc giá cả nhảy múa theo thị trường lại càng nguy hiểm hơn. Xăng dầu là mặt hàng cơ bản của nền kinh tế, trong khi Việt Nam lại chưa hoàn toàn kiểm soát được nguồn cung mặt hàng này. Do đó, nếu cứ cho thả nổi, để giá xăng leo thang như giá thế giới thì nền kinh tế đang phát triển của Việt Nam sẽ phải hứng chịu những tác động nặng nề. Thả nổi luôn cần một giới hạn, đến một lúc nào đó nếu vượt quá tầm kiểm soát thì phải can thiệp, nhất là trong bối cảnh hiện nay, nếu thả nổi thì không biết bao giờ xăng mới ngừng tăng.

Các lỗ hổng trong chính sách thường rất dễ xảy ra dù ở bất kỳ nền kinh tế nào. Và thường không chỉ có một, bởi đôi khi lỗ hổng này sẽ dẫn đến nhiều lỗ hổng khác. Đó cũng là lý do vì sao mà một số nước ít khi can thiệp quá nhiều vào thị trường. Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng đến một lúc nào đó, Nhà nước cũng sẽ phải can thiệp vào để giảm giá xăng dầu, nhưng phải theo một cách đồng bộ, tức có tính toán kỹ càng mọi rủi ro cho nền kinh tế.

Cho nên việc can thiệp hay thả nổi đều không có gì là xấu, tất cả đều chỉ là công cụ, nếu các giải pháp đề ra đúng đắn phù hợp thì nền kinh tế Việt Nam sẽ vượt qua được giai đoạn thách thức này. Miễn là đạt được những mục tiêu có lợi chung cho toàn nhân dân, có lợi chung cho nền kinh tế, chứ không cần phải chạy đua theo các nước về giá cả mặt hàng xăng dầu. Tuy nhiên, cũng không nên cứng nhắc thả nổi theo một nguyên tắc lý thuyết cố định nào đó. Vì đặc thù nền kinh tế mỗi nơi mỗi khác, mỗi giai đoạn phát triển lại càng cần có một chính sách khác cho phù hợp hơn.

Huy Hoàng

Bài mới
Đọc nhiều