+
Aa
-
like
comment

Cần thay đổi tư duy “kinh tế tỉnh” mới xây dựng thành công vùng TP HCM

19/06/2021 08:18

Cần có sự đổi mới mang tính đột phá về tư duy “phát triển kinh tế vùng” thay cho tư duy “kinh tế tỉnh” mới mong xây dựng thành công vùng TP HCM

Từ tháng 12-2017, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng TP HCM đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, với mục tiêu phát triển vùng TP HCM trở thành một vùng đô thị lớn phát triển năng động và bền vững; có vai trò, vị thế quan trọng trong khu vực Đông Nam Á và hướng tới quốc tế. Phạm vi vùng TP HCM bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính TP HCM và 7 tỉnh lân cận là Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Tây Ninh, Bình Phước, Long An, Tiền Giang với tổng diện tích khoảng 30.404 km2. Vùng TP HCM được phân ra thành 4 tiểu vùng và 5 trục hành lang phát triển kinh tế.

Theo TS Trần Du Lịch, dù từ lâu đã có chủ trương liên kết phát triển kinh tế vùng nhưng thực tế chỉ dừng lại ở chủ trương, chưa đi vào thực tiễn, chưa có cả quy định những vấn đề nào phải xử lý ở cấp vùng. Ngoài ra, bản thân các địa phương nhận thức về lợi ích kết nối hạ tầng giao thông vẫn chủ yếu xoay quanh trong ranh giới địa phương.

“Trong khi đó, chúng ta phải thấy khi hạ tầng giao thông vùng kết nối tốt, cơ cấu kinh tế sẽ chuyển dịch theo hướng phát huy lợi thế của từng địa phương là rất rõ” – TS Trần Du Lịch nhấn mạnh. Ông cho rằng để khắc phục hạn chế này, TP HCM cần xác lập vai trò hạt nhân để thúc đẩy phát triển vùng TP HCM.

Để thúc đẩy phát triển vùng TP HCM, tạo đà phát triển bền vững, việc đầu tiên là TP HCM cần đột phá phát triển giao thông liên vùng Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Cần sớm thành lập quỹ phát triển vùng TP HCM để huy động vốn cho các dự án có tính chất liên vùng”.

Cần sớm thành lập quỹ phát triển vùng TP HCM để huy động vốn cho các dự án có tính chất liên vùng”.

Ông PHẠM VĂN TRỌNG, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang

Để làm được điều đó, việc đầu tiên là TP HCM cần đột phá phát triển giao thông liên vùng. Tiếp theo, phải triển khai hiệu quả quy hoạch vùng TP HCM. Bởi lẽ, trong vài thập niên tới, một “siêu đô thị” của vùng TP HCM sẽ hình thành. Do đó, các quy hoạch, định hướng phát triển của TP HCM phải gắn kết chặt chẽ với toàn vùng.

“Cần có sự đổi mới mang tính đột phá về tư duy “phát triển kinh tế vùng” thay cho tư duy “kinh tế tỉnh” thông qua cơ chế điều hành kinh tế, phân bố ngân sách của Chính phủ và chính quyền địa phương. Khi lập quy hoạch vùng theo Luật Quy hoạch, cần lồng ghép chính sách phát triển vùng trong nội dung thực hiện quy hoạch” – TS Trần Du Lịch phân tích.

Từ nhận định trong thể chế hành chính của nước ta không có chính quyền cấp vùng nhưng điều đó không có nghĩa là không thể quy định những nội dung cụ thể cần phải thực hiện theo quy mô vùng, TS Trần Du Lịch đưa ra 4 nội dung cần liên kết phát triển đối với một vùng kinh tế trọng điểm. Đó là quy hoạch phân bố các ngành kinh tế, các lĩnh vực và địa bàn phát triển (vấn đề này được chế định trong Luật Quy hoạch hiện hành); liên kết xây dựng kết cấu hạ tầng chung của vùng, nhất là giao thông; liên kết giải quyết vấn đề môi trường chung và bảo vệ môi trường; liên kết phát triển nguồn nhân lực và thị trường lao động chung. Do đó, ông cho rằng với vai trò hạt nhân của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và vùng TP HCM, cần định hình cơ cấu kinh tế TP HCM trên phạm vi vùng và xây dựng thể chế kinh tế vùng.

Ông Lê Quang Hùng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, cũng góp ý trong quá trình tổ chức lập quy hoạch, TP HCM cần chú ý quy hoạch chung phải phù hợp với quy hoạch tổng thể, đặt trong mối liên kết quan hệ vùng kinh tế trọng điểm.

Đồng Nai là một trong những địa phương gắn kết chặt chẽ với TP HCM. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Hoàng cho biết hiện nay, có 3 trục đường chính kết nối TP HCM và tỉnh này: xa lộ Hà Nội, cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây và Quốc lộ 1K. Tuy nhiên, các tuyến giao thông này đang quá tải, tình trạng kẹt xe thường xuyên xảy ra.

“Dịp lễ 30-4 vừa rồi, hầu như các cửa ngõ kết nối giao thông với TP HCM đều bị kẹt cứng, gây ảnh hưởng việc phát triển kinh tế – xã hội TP cũng như các tỉnh, thành lân cận” – bà Nguyễn Thị Hoàng nói. Theo bà, nguồn lực của trung ương dành cho các địa phương chỉ chiếm 18,5% tổng vốn đầu tư cả nước là trở ngại cho các địa phương.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai mong muốn TP HCM sẽ là “anh cả” để đẩy nhanh các dự án giao thông có tính chất liên vùng như cầu Cát Lái; mở rộng đường cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây lên 10-12 làn xe; đẩy nhanh tiến độ làm đường vành đai 3, vành đai 4, tuyến đường sắt nhẹ từ sân bay Tân Sơn Nhất tới sân bay Long Thành.

“Mong rằng với vai trò “anh cả”, TP HCM sẽ tiếp tục ưu tiên quy hoạch đầu tư các tuyến giao thông liên kết vùng, nhất là trong bối cảnh chưa có thể chế vùng, chưa có cơ chế đặc thù cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam” – bà Nguyễn Thị Hoàng bày tỏ.

Đồng quan điểm, ông Mai Bá Trước, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương, góp ý thêm trong trục hành lang kinh tế phía Bắc vùng TP HCM thì Quốc lộ 13 nối với tỉnh Bình Dương có tiềm năng và lợi thế phát triển công nghiệp, trung tâm thương mại dịch vụ, giáo dục – đào tạo, y tế cấp vùng. Tuy nhiên, trục hành lang kinh tế này thời gian qua còn nhiều khó khăn về nguồn vốn nên nhiều tuyến đường huyết mạch như vành đai 2, 3, 4 chưa được kết nối. Ngoài ra, TP HCM – Bình Dương còn nhiều lợi thế về kết nối đường thông qua sông Sài Gòn nhưng giao thông đường thủy chưa phát triển tương xứng do cơ sở hạ tầng phần lớn được xây dựng từ thời kỳ trước với tĩnh không và khẩu độ không đáp ứng nhu cầu lưu thông đường thủy hiện nay, ảnh hưởng giao thông liên kết vùng.

“Những điểm nghẽn hạ tầng giao thông đã ảnh hưởng đến liên kết vùng, phát triển bền vững của TP HCM và địa phương lân cận” – ông Mai Bá Trước nhận xét. Lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương cho rằng với vai trò “anh cả”, TP HCM cần ưu tiên các công trình có tính lan tỏa như vành đai 2, 3, 4 và tuyến cao tốc TP HCM – Thủ Dầu Một – Tân Thành; các nút giao thông như Tân Vạn…

Không phải ngẫu nhiên mà năm 2021 được TP HCM xác định là “Năm xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư”. Cũng không phải ngẫu nhiên mà nhiều chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế nhấn mạnh TP HCM phải mạnh mẽ hơn nữa trong việc cải thiện môi trường đầu tư.

Điều đó xuất phát từ việc những năm trước, dù TP HCM đã đề ra nhiều giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư nhưng chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) ngày càng giảm. Nếu năm 2016, chỉ số PCI của TP HCM hạng 8 thì đến năm 2019 tụt còn hạng 14. Bình quân mỗi dự án có nguồn vốn đầu tư nước ngoài ở TP chỉ thu hút được khoảng 500.000 USD, trong khi giai đoạn 2018-2019 là khoảng 2 triệu USD.

Có rất nhiều nguyên nhân, trong đó không thể phủ nhận nguyên nhân khách quan là do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng rất lớn đến nguồn vốn đầu tư từ các dự án. Tuy nhiên, nguyên nhân chủ quan cũng không ít. Bằng chứng là đâu đó chúng ta vẫn còn nghe doanh nghiệp (DN) than thủ tục nhiêu khê; đâu đó vẫn nghe những thông tin đồn đoán về dự án này, dự án kia sao cứ mãi “xí đất” để rồi chây ì không thực hiện… Vì sao như vậy? Nếu chúng ta chịu khó tìm hiểu sẽ thấy dù TP đã đề ra nhiều giải pháp trong cải cách thủ tục hành chính nhưng kết quả vẫn chưa được như mong đợi, bởi vẫn còn đó tình trạng “quy định này chỏi quy định kia”, vẫn còn “ngành này níu chân ngành kia”… Qua đó, tạo kẽ hở để những kẻ cơ hội trục lợi, gây mất niềm tin trong cộng đồng DN, nhất là các DN đang tìm hiểu đầu tư vào TP HCM.

Thực trạng trên một lần nữa cho thấy công cuộc cải cách thủ tục hành chính là việc sống còn mà TP HCM phải làm và làm một cách triệt để nhằm công khai, minh bạch tất cả mọi việc. Ở đây, dễ thấy nhất là phải công khai, minh bạch quy trình xử lý công việc ở tất cả cơ quan, đơn vị thông qua việc triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Kế đến, phải nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các cơ quan thông qua việc ban hành các cơ chế phối hợp trong lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án theo quy định của Luật Đầu tư, quy chế phối hợp giải quyết thủ tục đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư đối với các dự án có sử dụng đất. Đặc biệt, cần công khai, minh bạch quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quỹ đất chưa sử dụng trên địa bàn TP…

Khi đã minh bạch hóa hoàn toàn những vấn đề trên, cộng với việc tăng cường tổ chức các buổi gặp gỡ giữa chính quyền TP HCM với DN cũng như nâng cao trách nhiệm người đứng đầu các cấp, sở – ngành trong tháo gỡ khó khăn cho DN, thì tin rằng niềm tin sẽ quay lại.Minh Anh

PHAN ANH

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều