+
Aa
-
like
comment

Cẩn thận với trend “đi tìm kho báu của bà Trương Mỹ Lan”

Thành An - 16/04/2024 14:56

Những ngày gần đây, MXH nổi lên trend “Truy tìm kho báu của bà Trương Mỹ Lan”. Với hàng loạt các video được đăng tải chủ yếu trên nền tảng Tik Tok với hình ảnh các tàu thuyền ra khơi kèm chú thích “tham gia đại hải trình”, “truy tìm kho báu”…

Trend “Truy tìm kho báu của bà Trương Mỹ Lan” là gì?

Câu chuyện này mở đầu bằng khoảnh khắc bà Trương Mỹ Lan bị tuyên án ở mức án cao nhất. Khi được tòa hỏi “giấu 673 nghìn tỷ đồng ở đâu?”. Bà Trương Mỹ Lan trả lời rằng: “Các ngươi muốn của cải của ta ư? Ta giấu ngoài biển khơi ấy, ngươi muốn thì ra đó mà tìm! Và từ đó xã hội mở ra một thời đại mới, thời đại của những hải tặc…”

Những ngày gần đây, MXH nổi lên trend “Truy tìm kho báu của bà Trương Mỹ Lan”.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu, câu chuyện hải tặc chỉ là những tình tiết được cư dân mạng tự nghĩ ra, dựa trên bộ truyện “One Piece” nổi tiếng. Bà Trương Mỹ Lan không hề nói bất cứ điều gì về nơi cất giấu 673 nghìn tỷ trước tòa. Con số trên thực chất là số tiền mà bà Trương Mỹ Lan phải đền bù thiệt hại cho ngân hàng SCB.

Dù vậy, trend “Truy tìm kho báu của bà Trương Mỹ Lan” vẫn thu hút đông đảo người tham gia. Nhiều “băng hải tặc” được thành lập như “băng mũ rơm”, “băng keo”, “băng đĩa”… Ai nấy cũng khoe các kỹ năng của mình để được “thuyền trưởng chiêu mộ”.

Một vài cư dân mạng đã để lại bình luận hài hước: “Tôi biết sử dụng Google Map và Atlat, xin ứng tuyển vị trí hoa tiêu”, “Em bị người yêu cũ đồn đào mỏ, cho em làm nhà khảo cổ được không?”, “Mình bị overthinking nặng, mạnh dạn xin làm đội trưởng đội quản lý rủi ro cho team”…

Hiện tại, trend “Truy tìm kho báu của bà Trương Mỹ Lan” được nhận xét là thiếu tôn trọng bà Trương Mỹ Lan nhưng mang lại nhiều tiếng cười trên MXH.

Cẩn trọng với hành vi vi phạm pháp luật

Trước hết, cần xác định những thông tin được sử dụng để xây dựng nên trend này xuất phát từ những “thông tin không có thật”. Thực tế bà Trương Mỹ Lan không hề có bất cứ tuyên bố nào tương tự.

Phiên tòa xét xử vụ án Trương Mỹ Lan – Vạn Thịnh Phát thể hiện sự uy nghiêm của pháp luật. Để đảm bảo phiên xét xử được diễn ra một cách nghiêm trang, an toàn cần sự nỗ lực của cả hệ thống tư pháp cùng hàng trăm chiến sĩ.

Vì lẽ đó, việc lan truyền các thông tin không có thật trên MXH sẽ khiến những người tham gia trend trên vô tình vi phạm vào các quy định của pháp luật về hành vi “tán phát các thông tin giả mạo”.

Hơn nữa, việc trend “Truy tìm kho báu của bà Trương Mỹ Lan” được nhiều cư dân mạng tham gia còn tiềm ẩn nhiều nguy hại hơn về mặt tư tưởng.

Thứ nhất, việc sử dụng “án tử hình” của một đối tượng phạm tội để dùng làm “trò đùa trên mạng” sẽ vô tình gây ra tâm lý “trêu đùa mọi thứ” không chỉ trên không gian mạng mà còn cả đời thật. Việc này cũng trái với nguyên tắc nhân đạo, kể cả đối với tội phạm tử hình của pháp luật Việt Nam, từ đó đi ngược lại với truyền thống văn hóa của cả dân tộc.

Thứ hai, việc sử dụng một đại án với mức thiệt hại lên đến hàng trăm nghìn tỷ đồng, các hậu quả của các sai phạm còn phải xử lý và khắc phục trong thời gian rất dài, cần sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị… lại bị mang ra làm trò đùa, vô hình chung sẽ làm lệch lạc về tư tưởng của một bộ phận người dân, đặc biệt là các bạn trẻ chưa hiểu rõ về tính chất nghiêm trọng của các sai phạm từ vụ án.

Thứ ba, việc “đi tìm kho báu”, “tham gia băng hải tặc” sâu xa hơn có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý của giới trẻ, gây ra sự lệch lạc về tư duy trong việc lao động và kiếm tiền của một bộ phận người trẻ. Trong bối cảnh một số nhóm tội phạm cưỡng đoạt tài sản, hoạt động theo hình thức băng nhóm vẫn còn tiềm ẩn và tồn tại, sẽ gây ra nhiều khó khăn cho các cơ quan đảm bảo trật tự xã hội.

Vì lẽ đó, các cơ quan chức năng cần nghiêm túc xem xét, đánh giá mức độ tác hại của trend “Truy tìm kho báu của bà Trương Mỹ Lan”, từ đó có những can thiệp cụ thể từ việc tuyên truyền, giáo dục cũng như tác động đến các nền tảng MXH nhằm ngăn chặn việc tán phát, phát triển của những xu hướng độc hại này.

Thành An

Chiều 11/4, TAND TPHCM tuyên bà Trương Mỹ Lan (68 tuổi, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) mức án tử hình về các tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, Tham ô tài sản và Đưa hối lộ.

Theo HĐXX, trong suốt 10 năm thâu tóm SCB, bà Lan đã chỉ đạo đồng phạm giải ngân cho nhóm công ty trong Hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát tổng cộng hơn 2.500 khoản vay. Đến tháng 10/2022, nhóm bà Lan và Vạn Thịnh Phát còn 1.284 khoản vay với dư nợ 677.000 tỷ đồng gốc và lãi. Do đó, bà Lan và các bị cáo phải chịu trách nhiệm về khoản thiệt hại này.

Bà Trương Mỹ Lan trước giờ tuyên án, chiều 11/4.

Theo báo cáo của SCB, từ ngày khởi tố vụ án đến hết ngày 1/4 có một số khoản vay trong 1.284 khoản vay của bà Lan đã được tất toán cả gốc và lãi với số tiền hơn 2.000 tỷ đồng; tài sản thế chấp đã được xuất khỏi SCB. Do đó, số khoản vay của bà Lan giảm xuống còn 1.243 khoản, tương ứng với 1.122 mã tài sản đảm bảo. Số tiền thiệt hại mà bà Lan có trách nhiệm bồi thường cũng giảm xuống còn 673.800 tỷ đồng, bao gồm đã cấn trừ số tiền Dương Tấn Trước (Tổng giám đốc Công ty Tường Việt) và một số bị cáo khác khắc phục hậu quả.

Từ đó, tòa tuyên giao cho SCB tiếp tục quản lý, xử lý đối với 1.122 mã tài sản đang được thế chấp. Quá trình xử lý các tài sản để thu hồi nợ, nếu dư thì phối hợp với Cục Cảnh sát Kinh tế (C03, Bộ Công an) để xác định tài sản nào thuộc sở hữu của Trương Mỹ Lan thì dùng đảm bảo nghĩa vụ bồi hoàn khác của bị cáo trong vụ án.

Bài mới
Đọc nhiều