Cần sửa luật về kỳ thi tốt nghiệp THPT
Luật Giáo dục từ trước đến nay đều quy định thi tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, quy định này rất cứng nhắc, không linh hoạt với những tình trạng khẩn cấp quốc gia như thiên tai, dịch bệnh hay chiến tranh và không tiến bộ trong đánh giá học sinh.
Dịch Covid-19 xảy ra đã khiến cuộc sống có nhiều xáo trộn, thay đổi cho phù hợp. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để xem xét lại nhiều vấn đề, sự tồn tại của kỳ thi tốt nghiệp THPT là một trong số đó.
Để linh hoạt trong mọi tình huống của đất nước và phù hợp với tiến bộ trong kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục mà ngành giáo dục đang từng bước triển khai cùng với việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông mới, cần xem xét điều chỉnh, bổ sung luật Giáo dục theo hướng có thể thi hoặc xét tốt nghiệp, do Chính phủ xác định hằng năm.
Trên cơ sở này, có thể đề xuất 3 phương án thi/xét tốt nghiệp cho những năm sau.
Thi tốt nghiệp 4 môn/bài thi
Phương án này có 3 môn bắt buộc và một bài thi tự chọn theo tổ hợp là khoa học tự nhiên hay khoa học xã hội.
Hiện nay chủ yếu bài thi thực hiện trên giấy, về lâu dài có thể chuyển thành một bài thi đánh giá năng lực, tổ hợp nhiều môn học và có thể thực hiện thông qua máy tính. Phương án này có ý nghĩa rất lớn, trước khi hoàn thành cấp THPT, học sinh được trải qua kỳ thi đánh giá chất lượng trên diện rộng. Kỳ thi này nhắm đến một số mục tiêu như: kiểm tra mức độ đáp ứng chuẩn đầu ra so với yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông; dựa vào kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT; làm cơ sở đánh giá chất lượng dạy, học của các nhà trường, công tác chỉ đạo của các cơ quan quản lý giáo dục.
Thi cũng là cơ hội cho người học nỗ lực học tập, nâng cao kiến thức, kỹ năng chuẩn bị cho giai đoạn sau trung học có chất lượng hơn. Với kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT, cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp có thể sử dụng để tuyển sinh.
Tuy nhiên, phương án này cũng bộc lộ những hạn chế như tạo áp lực cho học sinh, phụ huynh, nhà trường, dẫn đến dạy thêm, học thêm hoặc có thể xảy ra tiêu cực nếu giao hoàn toàn cho địa phương chủ trì, như vụ gian lận thi cử năm 2018 xảy ra ở 3 tỉnh Sơn La, Hòa Bình và Hà Giang.
Vừa thi vừa xét
Theo phương án này sẽ thi bắt buộc 3 môn toán, văn và ngoại ngữ. Ngoài ra, để xét tốt nghiệp, còn tính thêm điểm trung bình cả năm của 3 năm học cấp THPT. Như vậy, để tính bình quân điểm tốt nghiệp, lấy tổng điểm 3 môn thi và 3 năm học chia cho 6.
Phương án này có ưu điểm là giảm môn thi đáng kể và có kết hợp giữa đánh giá tổng kết và đánh giá quá trình. Tuy nhiên, nó vẫn có hạn chế là có thể xảy ra tiêu cực trong quá trình đánh giá của giáo viên.
Không thi, chỉ xét tốt nghiệp
Thay vì thi, chỉ xét tốt nghiệp dựa trên kết quả điểm của 3 môn toán, văn, ngoại ngữ lớp 12 và điểm trung bình cả năm của 3 năm học THPT.
Phương án này phù hợp với các tình huống khẩn cấp như thiên tai, dịch bệnh hay chiến tranh xung đột một vùng hay toàn quốc. Mặt khác, phương án này giảm đáng kể áp lực thi cử, chuyển hoàn toàn việc đánh giá học sinh cho nhà trường, giáo viên và tự đánh giá của học sinh. Nếu đi theo phương án này, chắc chắn ngành giáo dục sẽ có các cách thức đánh giá học sinh một cách khoa học, thực hiện đánh giá cấp quốc gia thường xuyên hay tham gia các đánh giá quốc tế như một số nước đã thực hiện. Phương án này đi theo hướng các nước có nền giáo dục tiên tiến như Mỹ, Đức, Canada, New Zealand, Nhật Bản…
Trong tình hình dịch bệnh Covid-19 phức tạp và khó lường như hiện nay, với 3 phương án tốt nghiệp THPT như trên, chúng tôi kiến nghị Quốc hội xem xét điều chỉnh bổ sung khoản 3, điều 34, luật Giáo dục 2019 như sau: “Học sinh học hết chương trình THPT đủ điều kiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT thì được dự thi hoặc xét tốt nghiệp, đạt yêu cầu thì được người đứng đầu cơ quan chuyên môn về giáo dục thuộc UBND cấp tỉnh cấp bằng tốt nghiệp THPT”; hoặc trong khi chưa sửa được luật, Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết cho phép thực hiện các phương án tốt nghiệp THPT như trên.
Thi và xét tốt nghiệp ở các nước trên thế giới
Ở các nước trên thế giới hầu hết bỏ thi tốt nghiệp đối với giáo dục cơ bản (tiểu học và THCS). Nhiều nước, vùng lãnh thổ rất coi trọng kỳ thi THPT quốc gia, không chỉ để xét tốt nghiệp mà còn cung cấp dữ liệu cho tuyển sinh đại học và giáo dục nghề nghiệp như Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Nga, Hungary, Ukraine, Belarus… Vương quốc Anh tổ chức kỳ thi A-Level, Pháp có kỳ thi tú tài duy trì hàng trăm năm nay.
Bên cạnh đó, vẫn có nước không có kỳ thi chung, mà do các địa phương/bang tổ chức thi hoặc xét tốt nghiệp riêng như: Mỹ, Nhật Bản, Úc, New Zealand, Canada, Đức. Những nước này thực hiện xét tốt nghiệp trên cơ sở kết quả học tập trong năm của học sinh và kết hợp với một bài kiểm tra hay thi cuối cùng để lấy điểm xét tốt nghiệp. Nhật Bản có kỳ thi tuyển sinh vào đại học tổ chức vào tháng 1 hoặc 2 hằng năm. Mặc dù không thi nhưng bằng tốt nghiệp THPT của những nước này có giá trị rất cao: bằng tốt nghiệp THPT của Đức có giá trị trên toàn châu Âu.
Hồ Sỹ Anh/TN