Cần sớm có những “hướng dẫn làm từ thiện” để tránh những lùm xùm không đáng có
Như chúng ta đã biết mới đây trên các trang mạng xã hội dư luận dậy sóng về chuyện danh hài Võ Hoài Linh quyên góp được gần 14 tỷ từ người hâm mộ nhưng đã gần 6 tháng trôi qua số tiền này vẫn chưa được giải ngân gây bức xúc trong dư luận và người hâm mộ. Vậy vấn đề thực hư ra sao và giải pháp nào có thể giúp các cá nhân hoạt động từ thiện một cách hợp pháp và không phạm luật.
Được biết hiện nay trong hệ thống Luật pháp của nước ta hiện mới có Luật dân sự, Nghị định 64 (2008) và Nghị định 93 (2019) liên quan đến công tác quyên góp cứu trợ, và hoạt động của quỹ xã hội, từ thiện, nhưng không được thiết kế để khuyến khích các tổ chức từ thiện chuyên nghiệp.
Chúng ta đều biết khi xảy ra thiên tai, bão lũ, những người dân trong vùng vùng bị ảnh hưởng rất cần đến sự giúp đỡ nhanh chóng và cấp bách của cá nhân và các tổ chức xã hội. Trong khi xã hội chúng ta luôn có một lực lượng lớn những người luôn sẵn sàng sẻ chia vật chất, tinh thần nhằm giúp đồng bào vượt qua những thời khắc khó khăn để tiếp tục vượt lên xây dựng cuộc sống. Tuy nhiên, do họ là những cá nhân bé nhỏ và không đủ uy tín để đứng ra quyên góp ủng hộ đồng bảo. Vì vậy để làm được những việc thiện nguyện, những người dân lương thiện và tốt bụng thường tìm đến những cá nhân, tổ chức đủ uy tín để gửi gắm sự giúp đỡ đến đồng bào gặp khó khăn nhằm giúp họ vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống. Các tổ chức đó là Mặt trận tổ quốc Việt Nam các cấp, những tổ chức thiện nguyện do Nhà nước thành lập, những nghệ sĩ, diễn viên nổi tiếng, những doanh nhân biết sử dụng uy tín và tầm ảnh hưởng của mình để đứng ra quyên góp ủng hộ đồng bào gặp khó khăn, hoạn nạn.
Việc tuân thủ trình tự là nhằm bảo đảm việc thu, chi sao cho đúng các quy định của Nhà nước và đúng với kì vọng của những người ủng hộ. Thế nhưng, trong một số trường hợp, điều này sẽ khiến việc đưa hàng hóa cứu trợ đến tay đồng bào đang gặp khó khăn không đáp ứng được tính chất về thời gian, vì vậy sẽ mất đi tính thời sự, tính cấp bách của việc cứu trợ. Đối với những người làm công tác thiện nguyện thì thời gian và thời điểm cứu trợ có tính chất quyết định, vì nếu cứu trợ kịp thời sẽ cứu giúp được rất nhiều người và mang lại cho họ cơ hội. Nên họ luôn mong muốn làm thật nhanh và càng nhanh thì càng tốt.Làm được như vậy sự cứu trợ mới thực sự có ý nghĩa, và mang lại hiệu quả. Các cụ nhà ta có câu rằng “ Một miếng khi đói bằng một gói khi no” quả thật không sai và luôn đúng. Người ta chỉ ăn thấy ngon và rất trân trọng miếng ăn khi đói, thấy ấm lòng khi rét được ai cho áo ấm, khi đau ốm cần được người chăm sóc cho thuốc men. Những lúc như thế người ta mới thấy quý tấm chân tình của đồng loại và nhận ra rằng trong xã hội còn có nhiều người tốt.
Để làm ấm lòng những người đang lâm vào hoàn cảnh khó khăn những cá nhân làm thiện nguyện thường làm với cả tấm lòng với mong muốn giúp đỡ người gặp nạn mà không hề toan tính thiệt hơn. Tuy nhiên vì tính cấp bách mà những thủ tục cân thiết nhằm hợp thức hóa những gì đã chi tiêu chi tiêu thường là không kịp thời. Ví dụ mùa bão lũ năm 2020 để cứu trợ đồng bào miền trung người hâm mộ đã gửi gắm ca sĩ Thủy Tiên hơn 200 tỷ đồng để giúp đỡ đồng bào. Được sử tin yêu và ủy thác của người hâm mộ, ca sĩ Thủy Tiên đã không ngại khó khăn, gian khổ, hy sinh bang qua bão lũ để đến với đồng bào càng nhanh càng tốt, mang theo tiền và hàng trăm tấn hàng hóa cứu giúp đồng bào đang bị đói rét tại các vùng lũ. Hành động của ca sĩ Thủy Tiên ngồi xuồng máy, lội nước chia sẻ đồng bào mang lại sự cảm phục và xúc động nhân dân cả nước, của hàng triệu người hâm mộ. Người ủng hộ cả nước tin tưởng vào những hành động rất dũng cảm và kịp thời của ca sĩ Thủy Tiên mà không đòi hỏi hay phê phán những gì cô ca sĩ này đã làm. Tôi cho rằng mặc dù hành động của Thủy Tiên và nhiều người khác là rất kịp thời, rất đáng được biểu dương nhưng không thể nào đủ để tránh khỏi những khuất tất khiên không ít người đặt những câu hỏi nghi vấn về liên quan đến những vấn đề chi tiêu trong quá trình làm từ thiện.
Còn nếu để thực hiện đầy đủ và minh bạch các thủ tục thì lại làm mất đi tính thời sự và tính kịp thời khi tính mạng của hàng trăm thậm chí hàng ngàn đang bị đe dọa. Chúng ta ai cũng biết là trong cuộc sống này tính mạng của con người mới là quan trọng. nhiều khi cứu sinh mạng một con người thì dù có tốn kém bao nhiêu chúng ta cũng sẽ làm mà bỏ qua các thủ tục hành chính trong những trường hợp cấp bách.
Vấn đê đặt ra là những nhà chức trách phải có trách nhiệm xây dựng những quy định pháp luật sao cho chặt chẽ nhằm tạo điều kiện cho những cá nhân phát huy khả năng và uy tín của mình làm từ thiện trong những trường hợp cần thiết mà không sợ vướng vào những lùm xùm không đáng có.
Những quy định pháp luật cũng sẽ giúp cho những cá nhân hiểu được việc mình đang làm và làm như thế nào mới được cho là đúng, thế nào là sai và vi phạm pháp luật. Những văn bản pháp luật cũng sẽ giúp cho những người dân ủy thác làm từ thiện yên tâm và giám sát những người mà họ ủy thác theo một quy trình nhất định. Có những quy định như thế chắc chắn sẽ tránh được những trường hợp quyên tiền đã quá 6 tháng mà không được giải ngân 14 tỷ như của danh hài Hoài Linh.
Ai cũng hiểu cứu trợ là phải cứu trợ kịp thời, đúng người, đúng thời điểm thì mới được gọi là cứu trợ. Còn quyên góp tiền cứu trợ mà để đấy dù không tham không sử dụng với mục đích cá nhân thì những người ủy thác chắc chắn cũng sẽ không hài lòng.
Vì vậy theo tôi các cơ quan có trách nhiệm của Nhà nước cần phải sớm ban hành những quy định để làm sao công tác từ thiện ngày càng được hoàn thiện, để khuyến khích ngày càng nhiều những người có tấm lòng được tham gia làm công tác từ thiện mà không lăn tăn về việc làm từ thiện dễ vướng vào vòng lao lý.
Muốn làm được như vậy Nhà nước cần có thêm những quy định về việc quản lý công khai các tài khoản cá nhân và tổ chức làm từ thiện. Biến động trong tài khoản cần phải được giải trình một cách minh bạch với các cơ quan có trách nhiệm. Ai làm được, làm tốt cần được biểu dương, khuyên khích, người lạm dụng công tác từ thiện cần phải bị xử lý theo đúng luật pháp và chịu sự nghiêm trị của pháp luật.
Xã hội nào cũng vậy dù là xã hội phát triển hay xã hội còn đang phát triển luôn có những hoàn cảnh khó khăn cần được giúp đỡ. Vì vậy việc sớm có những quy định để khuyến khích người người làm từ thiện, nhà nhà làm từ thiện là điều nên làm. Việc làm tốt công tác từ thiện sẽ giúp xã hội thương yêu nhau hơn, con người sống với nhau tình cảm hơn, chân ái với nhau hơn.
Nhà nước cần có quy định những trường hợp cá nhân làm từ thiện, khi đến địa phương nào cá nhân đó, phải thông báo và phối hợp với chính quyền địa phương – nơi tiếp nhận hỗ trợ – để được hướng dẫn, phân phối, sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện.
Cá nhân phải có trách nhiệm công khai nguồn đóng góp tự nguyện như qua facebook, email… cho người tài trợ, tùy theo thỏa thuận giữa hai bên. Và người đứng ra vận động cũng sẽ phải cam kết với nhà tài trợ về thời gian triển khai công tác cứu trợ.Địa phương tiếp nhận tài trợ cũng phải có quy định thời gian tiếp nhận khoản tài trợ đến khi nào.
Làm được như thế thì xã hội mới tạo được sự gắn kết gạt bỏ sự hoài nghi không cần thiết để người làm từ thiện được yên tâm làm việc thiện làm cho xã hội ngày càng tốt đẹp, cuộc sống nhân dân sẽ mãi hạnh phúc, ấm no.
Đỗ Mạnh
* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả.