+
Aa
-
like
comment

Cần quyết liệt, hết việc, không hết giờ

An Diễm - 30/09/2022 15:02

Nước ta vừa trải qua đại dịch Covid-19 với nhiều hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt là nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề khiến cho các doanh nghiệp khó khăn, người lao động thiếu việc làm. Trong bối cảnh chung đó, vốn đầu tư công từ Nhà nước là một cứu cánh có vai trò cực kỳ quan trọng. Thế nhưng, trong khi Trung ương đã hết sức cố gắng để bố trí được ngân sách đầu tư lớn hơn năm trước, thì công tác giải ngân lại gặp nhiều khó khăn và chưa đáp ứng được tiến độ.

Đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công để phục hồi và phát triển kinh tế

Năm 2022, tổng vốn đầu tư công khoảng 580.000 tỷ đồng, lớn hơn khoảng 100.000 tỷ so với năm 2021. Đây rõ ràng là một cố gắng lớn của Chính phủ trong bối cảnh ngân sách vừa phải chi tiêu rất tốn kém để khắc phục đại dịch. Vốn đầu tư công được kỳ vọng sẽ góp phần phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân, tạo không gian phát triển mới … nhất là trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Để nguồn vốn này đi được vào nền kinh tế thì phải qua công tác giải ngân, bao gồm việc tổ chức thực hiện, hoàn tất các thủ tục để đảm bảo các dự án đáp ứng yêu cầu, chi tiêu tiền đúng mục đích và hiệu quả.

Chính phủ đã rất quyết liệt, khẩn trương chỉ đạo sát sao công tác giải ngân vốn đầu tư công, ban hành 10 nghị quyết, 4 công điện, 7 văn bản chỉ đạo; tổ chức 2 hội nghị trực tuyến với các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương; thành lập 6 tổ công tác, tiến hành 3 đợt kiểm tra vào tháng 5/2022, tháng 7/2022 và tháng 8/2022. Nhờ đó, công tác giải ngân vốn đầu tư công đã được triển khai đồng bộ và đạt được một số kết quả tích cực. Các bộ, ngành, địa phương đã giao vốn chi tiết cho các dự án đủ điều kiện 505.000 tỷ đồng. Ước giải ngân đến cuối tháng 9/2022 đạt trên 253.000 tỷ đồng, tăng hơn 34.000 tỷ đồng so với cùng kỳ. Tuy nhiên về tỷ lệ mới đạt 46,7% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn 0,7% so với cùng kỳ 2021.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tổng kết những khó khăn chính khi giải ngân bao gồm: thể chế, cơ chế, chính sách, cách làm; triển khai, lập kế hoạch đầu tư chưa tốt và do các biến động về giá nguyên liệu của thị trường. Nhưng có thể thấy việc vốn đầu tư công giải ngân chậm cũng có nghĩa là các cơ chế kiểm soát vốn đang hoạt động rất tốt và chặt chẽ, đảm bảo hạn chế tiêu cực, lãng phí. Làm sao để vượt qua khó khăn nhưng vẫn đáp ứng đúng quy trình thủ tục pháp luật là điều làm nên năng lực và bản lĩnh của những cán bộ thực thi. Làm sao để đáp ứng sự mong mỏi của nhân dân, làm sao để các chính sách của Nhà nước nhanh chóng đi vào đời sống là điều mà mỗi người cán bộ phải luôn trăn trở.

“Nếu để có tiền mà không giải ngân được là có lỗi với nhân dân”, và để làm được điều đó thì cần phải quyết liệt, “làm hết việc, không hết giờ”. Không thể để tình trạng có tiền mà không tiêu được, làm bỏ lỡ thời cơ của đất nước, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, doanh nghiệp và người dân chờ đợi từng giờ từng phút.

An Diễm

Bài mới
Đọc nhiều