+
Aa
-
like
comment

Cần phải có những người như ông Hồ Ngọc Đại!

14/09/2019 06:00

Bộ sách giáo khoa lớp 1 của Giáo sư Hồ Ngọc Đại gồm Tiếng Việt, Toán vừa bị Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa loại từ vòng 1 là thông tin “dậy sóng” trong ít ngày trở lại đây.

Cần phải có những người như ông Hồ Ngọc Đại! - 1

Nhiều địa phương hiện đã áp dụng phương pháp giáo dục của ông Hồ Ngọc Đại. Thậm chí tại Hà Nam, Tiền Giang…, 100% trường tiểu học tại các tỉnh này đã dạy theo sách Công nghệ giáo dục. Gần 1 triệu học sinh theo học công nghệ giáo dục và có phản hồi tích cực, đó là một con số không nhỏ.

Tuy nhiên, vì sao bộ sách này vẫn bị loại, vẫn chưa thể áp dụng đại trà? Sách giáo khoa Tiếng Việt 1 – Công nghệ giáo dục bị 15/15 thành viên hội đồng xếp loại “không đạt” với gần 300 nội dung, chi tiết cần sửa, cần bỏ, phần lớn là những nội dung mà hội đồng cho rằng sách “vượt chương trình”, “quá khó với học sinh lớp 1”, một số vấn đề kỹ thuật, trình bày.

Còn sách Toán 1 – Công nghệ giáo dục cũng bị hội đồng thẩm định cho rằng có nhiều nội dung “không nằm trong yêu cầu của chương trình”, “vượt yêu cầu của chương trình”.

Điều đáng nói là theo quy định, hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa sẽ có ba mức xếp loại “Đạt”, “Đạt nhưng cần sửa chữa” và “Không đạt” thì trong đợt thẩm định này, sách giáo khoa Công nghệ giáo dục bị xếp “Không đạt”.

Nói cách khác, bộ sách này đã bị xếp loại tệ nhất trong các mức xếp loại mà hội đồng thẩm định đưa ra và thậm chí, sách Tiếng Việt còn chẳng được thành viên nào trong hội đồng ủng hộ.

Thật khó tưởng tượng, một chương trình thực nghiệm kéo dài suốt sự nghiệp một con người và những học sinh đầu tiên của chương trình ấy giờ đã là phụ huynh có con đã lớn, ấy thế mà qua biết bao lần thẩm định vẫn “rớt”!

Chia sẻ về sách công nghệ môn Toán của GS Hồ Ngọc Đại, PGS Trần Kiều – Chủ tịch Hội đồng thẩm định môn Toán cho biết, sách của GS Hồ Ngọc Đại có những nội dung rất hay, nhưng không phải tất cả đều thế và đặc biệt là không bám theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Ông Kiều mong muốn GS Hồ Ngọc Đại sẽ bám theo chương trình giáo dục phổ thông mới để sửa, viết lại.

Còn về phần tác giả, ông Đại vẫn khẳng định với báo chí rằng: “Tôi không sửa vì công trình ấy tôi đã làm cả đời người. Tôi đã điều chỉnh nhiều lần trong mấy chục năm, đã dạy mấy chục năm. Muốn sửa phải có đường lối, tư tưởng.

Nếu nói có điều chỉnh, nghĩa là chúng tôi không cẩn thận nhưng chúng tôi đã làm trong mấy chục năm và với tiêu chuẩn vì lợi ích đất nước, vì trẻ con nên tôi sẽ không sửa. Bảo tôi thụt lùi để phù hợp với thay đổi thì không thể được”.

Người viết bài này không phải là một chuyên gia thẩm định về giáo dục nên không thể đưa ra đánh giá, kết luận đối với chất lượng sách giáo khoa của GS Đại, cũng không thể nói “liệu ông bảo thủ hay quá tự tin không”, song với tư cách một người mẹ, một phụ huynh, tôi vẫn rất cảm ơn ông.

Xã hội phải có những người như ông Đại, ngành giáo dục cần phải có những nhà khoa học tư duy độc lập như ông Đại, cần nhiều hơn những người như ông Đại, để phát triển, để tốt lên.

Dẫu sách giáo khoa của nhà khoa học 83 tuổi này đã bị “đánh rớt từ vòng gửi xe” thì những triết lý mà ông đã dành cả cuộc đời theo đuổi vẫn cần được trân trọng và lưu tâm. Phương thức giáo dục có thể muôn hình muôn vẻ, nhưng việc giáo dục xin hãy làm sao để trẻ thấy rằng “mỗi ngày đến trường là một ngày vui, đi học là hạnh phúc”.

Bích Diệp/Dân Trí

Bài mới
Đọc nhiều