+
Aa
-
like
comment

Cần một “nhát dao” chặt đứt bảo hiểm nhân thọ “trói cổ” khách hàng

La Hoàng - 13/07/2022 15:12

Một vấn đề rất nhức nhối đang diễn ra hiện nay là việc các ngân hàng ép nhân viên phải chạy chỉ tiêu bảo hiểm nhân thọ đối với khách hàng vay tín dụng. Điều này đã khiến những thứ tốt đẹp trở nên xa rời với bản chất tốt đẹp của nó. Cũng như khiến cả nhân viên và khách hàng phải chịu uất ức mà không biết kêu cứu ở đâu?

Khi xã hội dần phát triển nhanh chóng, người ta quan tâm nhiều hơn đến khái niệm bảo hiểm nhân thọ – loại bảo hiểm được thiết kế để đảm bảo cả sức khỏe và an toàn về tài chính trong lâu dài. Tuy nhiên, hiện nay, việc mua bán bảo hiểm lại không giữ được ý nghĩa thực sự của nó khi bảo hiểm dần trở thành đối tượng kiếm lời trong môi trường thương mại. Bảo hiểm nhân thọ vô tình để lại cái nhìn không mấy thiện cảm trong mắt người tiêu dùng và những người có nhiệm vụ bán bảo hiểm. Đặc biệt, ánh nhìn tiêu cực ấy ngày một nhiều hơn khi bảo hiểm nhân thọ dần trở thành đối tượng mua bán bắt buộc trong lĩnh vực ngân hàng.

Hình thức bảo hiểm nhân thọ được bán thông qua các ngân hàng thương mại cổ phần được gọi là Bancassurance (phân phối bảo hiểm qua kênh ngân hàng). Đây là sự hợp tác của ngân hàng và các công ty bảo hiểm, với mục đích là tận dụng hệ thống, các nguồn khách hàng sẵn có của các ngân hàng để phân phối sản phẩm liên quan đến bảo hiểm. Đây được xem như là một giải pháp giảm bớt gánh nặng cho khách hàng và ngân hàng khi khách hàng không may gặp phải rủi ro tài chính. Từ đó, khách hàng có thể an tâm về độ an toàn của kênh phân phối bảo hiểm nhân thọ qua ngân hàng bởi tính uy tín của ngân hàng, cũng như được đảm bảo chi trả quyền lợi ngay khi họ gặp phải rủi ro. Tuy nhiên, ý nghĩa tốt đẹp của Bancassurance đang dần biến mất và bị biến chất trầm trọng khi việc mua bán bảo hiểm nhân thọ trở thành mục tiêu doanh thu của các ngân hàng thương mại cổ phần.

Doanh thu bảo hiểm nhân thọ các công ty năm 2020. Nguồn: Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam.

Về phía khách hàng, việc mua bảo hiểm nhân thọ một cách khiên cưỡng khi có nhu cầu vay vốn ngân hàng bị phản ánh với tần suất ngày một nhiều hơn. Muốn vay vốn với thủ tục không phức tạp như công tác vay truyền thống và lãi suất tốt, người đi vay cần phải mua thêm một hợp đồng bảo hiểm nhân thọ đi kèm – kể cả khi họ không có nhu cầu cũng như đủ tài chính để mua. Thậm chí, tại một số ngân hàng, khách hàng sẽ không được giải ngân nếu như không mua gói bảo hiểm. Đối với những khách hàng không có nhu cầu cũng như khả năng tài chính tham gia thêm bảo hiểm, họ buộc phải chạy vạy làm thủ tục để mượn thêm tiền mua được gói bảo hiểm rồi hủy ngay sau năm đầu tiên mua bảo hiểm để được vay ngân hàng một cách nhanh chóng. Qua đó có thể thấy, việc mua bán bảo hiểm không còn mang lại quyền lợi thực sự về an sinh của người tiêu dùng nữa khi nó dần trở thành một rào cản làm gia tăng tính phức tạp cho quá trình kiểm soát vay nợ mà không hề mang lại ý nghĩa vốn có của bảo hiểm đến với quyền lợi của khách hàng. Rào cản bảo hiểm này cũng làm gia tăng sự tiêu cực trong tỉ lệ nợ xấu của ngân hàng, vì những khách hàng dưới mức tiêu chuẩn được phép vay vẫn được giải ngân nếu như họ mua gói bảo hiểm có giá trị cao. Điều này mang lại nguồn lợi lớn cho ngân hàng từ doanh thu được thông qua việc bán bảo hiểm, nhưng đồng thời làm giảm đi mục tiêu ban đầu trong chỉ tiêu nợ xấu của ngân hàng. Có thể thấy rằng, chỉ tiêu doanh số từ việc bán bảo hiểm nhân thọ đã dần tạo nên cái nhìn tiêu cực của người tiêu dùng về ngân hàng và làm khách hàng khó có thể tiếp cận và duy trì lòng trung thành đối với các dịch vụ của ngân hàng.

Về phía ngân hàng, tình trạng ép chỉ tiêu doanh số bảo hiểm tác động tiêu cực một cách trực tiếp đến những người làm nhân viên ngân hàng. Lợi nhuận khổng lồ từ những hợp đồng bảo hiểm đã khiến bảo hiểm nhân thọ trở thành mục tiêu chính mà các nhân viên ngân hàng buộc phải bán được cho khách hàng theo chỉ tiêu được giao từ cấp trên. Bên cạnh những nghiệp vụ phức tạp đòi hỏi tính tập trung và mức độ chính xác cao vốn có ở ngân hàng, họ bất khả kháng phải kiêm luôn cả chức năng của một nhân viên tư vấn bảo hiểm. Tuy nhiên, nhân viên ngân hàng thường hiểu rõ hoàn cảnh và lí do của những người đi vay, không phải ai đi vay tiền cũng kinh doanh, mà có rất nhiều người đi vay để sửa chữa nhà cửa, chữa bệnh, hoặc những hoàn cảnh hiểm nghèo thực sự cần thông cảm. Điều này còn tạo thêm một áp lực lớn hơn cho nhân viên ngân hàng khi họ vừa phải hoàn thành mục tiêu khuyến khích khách hàng gia tăng khoản vay, vừa phải đau đầu vì mục tiêu bán được hợp đồng bảo hiểm. Thậm chí, tại một số ngân hàng thương mại cổ phần, việc không bán được hợp đồng bảo hiểm sẽ đồng nghĩa với áp lực bị thôi việc. Sự biến chất trong kinh doanh bảo hiểm ngân hàng đã và đang khiến người ta e dè hơn đối với cơ hội nghề nghiệp của ngành ngân hàng. Điều này báo hiệu sự biến động tiêu cực về nhân sự lĩnh vực ngân hàng trong tương lai.

Từ hai góc nhìn này, có thể nhận thấy rằng, việc ép chỉ tiêu mua bán bảo hiểm tại ngân hàng đang làm biến chất khái niệm về bảo hiểm và bản chất nghiệp vụ của nhân viên ngân hàng một cách trầm trọng. Điều này cũng thể hiện, ngành ngân hàng càng được quan tâm nhiều hơn và cần có những chính sách đảm bảo quyền lợi của khách hàng cũng như những người làm việc trong lĩnh vực ngân hàng hơn. Tình trạng ép chỉ tiêu doanh số bán bảo hiểm để chạy theo lợi nhuận từ cấp trên của các doanh nghiệp tín dụng cần được kiểm soát chặt chẽ hơn nữa để giữ được bản chất tốt đẹp của bảo hiểm. Cũng như củng cố được cái nhìn thiện cảm từ người tiêu dùng về ngân hàng – tổ chức song hành cùng người dân trong công tác đảm bảo phúc lợi và cải thiện đời sống con người.

La Hoàng

Bài mới
Đọc nhiều