Cần một cuộc cách mạng trong cải cách hành chính, xóa bỏ 4 Ệ, 5C…
Hi vọng rằng nhiệm kỳ tới, sẽ có cuộc cách mạng trong lĩnh vực này để tương ứng, đồng bộ với cải cách kinh tế cũng như đòi hỏi từ thực tế. Nhất là xóa bỏ được hiện tượng 5C, , 4 Ệ….
Một thông tin gây chú ý dư luận những ngày qua, đó là chủ trương cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 theo hướng tinh gọn, giảm một số cơ quan cấp bộ.
Việc này một mặt cho thấy, bộ máy đã và đang rất cồng kềnh “dân nào nuôi nổi”. Tình trạng chồng chéo chức năng, nhiệm vụ và hiện tượng “sáng cắp ô đi, tối cắp về”, “có cũng được mà không cũng được” hiện hữu. Cùng với đó là quyết tâm cải cách hành chính của Đảng, Nhà nước và cũng là tiền đề giải quyết cơ bản bài toán tham nhũng.
Cụ thể, theo đề xuất của Bộ Nội vụ, Chính phủ nhiệm kỳ tới sẽ chỉ còn 20 bộ, cơ quan ngang bộ và 8 cơ quan thuộc Chính phủ. Giảm hai bộ bằng cách sáp nhập Bộ Tài chính với Bộ Kế hoạch – Đầu tư thành Bộ Tài chính – Kế hoạch đầu tư, Bộ Giao thông vận tải và Bộ Xây dựng thành Bộ Giao thông và Xây dựng.
Theo phóng viên báo Dân trí cho biết, Bộ Nội vụ còn đề xuất điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ giữa một số bộ, cơ quan ngang bộ như giữa Bộ Khoa học và Công nghệ với Bộ Giáo dục và Đào tạo; giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương, Bộ Nội vụ.
Đề xuất thành lập lại Bộ Giáo dục và chuyển nhiệm vụ đào tạo về Bộ Khoa học & Công nghệ, đổi tên Bộ Khoa học và Công nghệ thành Bộ Khoa học – Công nghệ và Đào tạo. Điều chuyển việc đào tạo nghề từ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về Bộ Khoa học – Công nghệ và Đào tạo. Thành lập Bộ Công Thương và Du lịch; Bộ Văn hóa – Thể thao và Thanh niên.
Về cơ cấu nhân sự của Chính phủ sẽ gồm Thủ tướng Chính phủ, 4 Phó Thủ tướng Chính phủ. Tại phiên thảo luận, các đại biểu đều cho rằng, Phó Thủ tướng Chính phủ chỉ nên có từ 1 – 2 người.
Về quan điểm cá nhân, tôi hoàn toàn đồng tình với việc tinh giản bộ máy bởi lấy thực tế từ việc tinh giản bộ máy, sắp xếp lại cơ cấu tổ chức của Bộ Công an là một minh chứng thuyết phục.
Việc tinh giản hàng chục cơ quan của Bộ này đã dẫn tới giảm hàng chục ngàn nhân sự. Song, công việc vẫn trôi chảy và thậm chí, có nhiều mặt tốt hơn.
Việc tinh giản bộ máy còn là tiền đề để cải cách tiền lương, góp phần giải tỏa “nút tắc” trong công cuộc phòng chống tham nhũng.
Một khi thu nhập của một cán bộ, công chức trong bộ máy quản lý Nhà nước không bằng thu nhập của một công nhân trong các khu công nghiệp, thậm chí thua xa một người giúp việc gia đình thì việc tham nhũng, tiêu cực là khó tránh khỏi và bởi thế, công cuộc phòng chống tham nhũng khó có kết quả cao.
Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả là việc cơ cấu tinh gọn phải thực chất, tránh tình trạng trở thành một “bộ con” trong cái “bộ to” với đầy đủ ban bệ và rốt cuộc chẳng giảm được ai, thậm chí có khi còn phình to hơn.
Về cơ cấu, tôi đề nghị xem lại chức năng, nhiệm vụ để phù hợp và tránh chồng chéo đối với cả các cơ quan Đảng và Nhà nước như Bộ Nội vụ và Ban Tổ chức Trung ương hay Thanh tra Chính phủ với Ủy ban Kiểm tra Trung ương chẳng hạn?
Nhìn ra thế giới, ở các quốc gia càng phát triển thì bộ máy càng gọn nhẹ. Ví dụ như Pháp có 18 bộ, Singapore có 16 bộ, Hoa Kỳ có 15 bộ, Đức có 14 bộ… Trong khi ngược lại, các quốc gia kém phát triển, bộ máy rất cồng kềnh.
Hi vọng rằng nhiệm kỳ tới, sẽ có cuộc cách mạng trong lĩnh vực này để tương ứng, đồng bộ với cải cách kinh tế cũng như đòi hỏi từ thực tế. Nhất là xóa bỏ được hiện tượng 4 Ệ, 5C với “con cháu các cụ” và “hậu duệ, quan hệ, đồ đệ, tiền tệ” cuối cùng mới là “trí tuệ”.
Xin một lần nữa nhắc lại lời của Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan cách đây 7 năm (10.2013), khi bà còn là Phó Chủ tịch nước: “Bộ máy cồng kềnh thế này dân è cổ nuôi, làm việc không hiệu quả thì có lỗi với dân. Cái gì giờ cắt được thì mạnh dạn cắt”.
Và lời của của Đức vua Trần Nhân Tông cách đây 700 năm: “Quan nhiều như thế, dân làm sao sống nổi”(!).
Bùi Hoàng Tám/DT