+
Aa
-
like
comment

Cần mạnh tay bằng các biện pháp hình sự để ngăn chặn đa cấp biến tướng

27/12/2020 10:16

Trong thời gian qua, cơ quan chức năng đã liên tục cảnh báo về vấn đề bán hàng đa cấp biến tướng. Tuy nhiên, các hình thức bán hàng đa cấp biến tướng dựa trên nền tảng công nghệ số, mạng xã hội vẫn đang gia tăng với số lượng người tham gia rất lớn. Nhiều người đã sập bẫy và nhiều mạng lưới đa cấp bị sập đã ảnh hưởng rất lớn tới quyền lợi của khách hàng, người tiêu dùng và xã hội.

PV đã có cuộc trao đổi với ông Trịnh Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) để có thông tin rõ hơn về sự biến tướng này và đưa ra những thông tin cảnh báo giúp người tiêu dùng nhận biết để tự bảo vệ mình.

PV:  Thời gian qua, hoạt động đa cấp tự phát diễn ra phức tạp, nhiều người đã sập bẫy và mất tiền, ảnh hưởng xấu tới xã hội điển hình như vụ việc Liên Kết Việt vừa được toà án xét xử. Ông đánh giá thế nào về sự phát triển của kinh doanh đa cấp hiện nay?

Ông Trịnh Anh Tuấn: Kinh doanh theo phương thức đa cấp là hình thức kinh doanh hợp pháp đã được pháp luật Việt Nam thừa nhận từ năm 2004 và đã có khuôn khổ pháp lý cụ thể để điều chỉnh. Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn xảy ra hiện tượng các đối tượng bất chính lợi dụng phương thức kinh doanh đa cấp để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản như vụ việc liên quan đến Công ty Liên Kết Việt. Do đó, người dân cần cẩn trọng để nhận diện, phân biệt giữa kinh doanh đa cấp hợp pháp và kinh doanh đa cấp biến tướng để tránh các rủi ro khi tham gia vào các hệ thống đa cấp biến tướng và không phép.

Ông Trịnh Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương).

Trong giai đoạn 2015-2016, bán hàng đa cấp rất diễn biến rất phức tạp. Đặc biệt đã có Công ty Liên Kết Việt bị khởi tố và hàng loạt vụ vi phạm diễn ra sau đó. Sau những vụ việc trên, Bộ Công Thương đã chỉ đạo quyết liệt, trong đó tăng cường thanh kiểm tra, lập nhiều đoàn liên ngành để kiểm tra, xử lý. Ngoài ra, theo chỉ đạo Chính phủ, đã hoàn thiện lại hệ thống pháp luật về quản lý bán hàng đa cấp, đặc biệt là ban hành Nghị định 40/2018 về quản lý hoạt động bán hàng theo phương thức đa cấp.

Đến nay, nhiều doanh nghiệp (DN) đã bị xử phạt, thu hồi giấy phép. Từ năm 2015 đến nay, có 49 DN đã bị xử lý, thu hồi giấy chứng nhận, chấm dứt hoạt động. Hiện chỉ có 21 DN được cấp giấy chức nhận hoạt động trong lĩnh vực bán hàng đa cấp. Rất nhiều DN bị xử lý, đã chuyển cơ quan điều tra, như Công ty Liên Kết Việt, Công ty nhượng quyền Thăng Long…

Hiện số lượng người tham gia bán hàng đa cấp giảm nhiều, còn gần 645.000 người, giảm 42% năm 2019, và giảm 70% so với giai đoạn 2015-2016. Thực tế, hiện chỉ có khoảng 311.000 người thực chất tham gia bán hàng đa cấp, hưởng hoa hồng tiền thưởng, còn lại là người mua hàng tiêu dùng. Đến nay, số lượng DN được cấp chứng nhận bán hàng đa cấp đã giảm 1/3 so với năm 2015-2016.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, với việc các DN hoạt động bán hàng đa cấp được cấp Giấy chứng nhận bị kiểm soát chặt chẽ, các hình thức biến tướng, lợi dụng mô hình kinh doanh đa cấp để trục lợi để lừa đảo có xu hướng gia tăng rất nhanh, vừa phức tạp và đa dạng về hình thức hoạt động.

Có thể nói đến vô vàn các hình thức biến tướng hiện nay: từ kêu gọi đầu tư thông qua việc mua cổ phần, mua phân quyền kinh doanh, rồi huy động đầu tư tài chính, tiền ảo, ngoại hối, quyền chọn nhị phân, đầu tư dự án vùng nguyên liệu… đến những hình thức lợi dụng thương mại điện tử như mua sắm hoàn tiền, bán khóa học online… Cách thức hoạt động, trước đây là thuê địa điểm, khách sạn kêu gọi người tham gia. Hiện với sự phát triển của mạng xã hội như Zalo, Facebook… họ đã chuyển sang họp online.

Thậm chí lập nhóm kín để hoạt động, rất khó phát hiện. Hoạt động đa cấp biến tướng gây nguy cơ rất xấu cho xã hội. Việc xử lý ngoài lực lượng chức năng của Bộ Công Thương, cần có sự tham gia của các cơ quan chức năng khác, nhất là Bộ Công an.

PV: Vậy thưa ông thế nào là hoạt động kinh doanh đa cấp hợp pháp và thế nào là đa cấp biến tướng?

Ông Trịnh Anh Tuấn: Kinh doanh theo phương thức đa cấp về bản chất là hoạt động phân phối bán lẻ hàng hóa, nhà sản xuất thông qua mạng lưới các nhà phân phối là cá nhân để đưa hàng hóa đến tay người tiêu dùng mà không thông qua các điểm bán hàng cố định. Những cá nhân này được hưởng hoa hồng từ kết quả bán hàng của mình và của những người phía dưới trong mạng lưới của mình.

Kinh doanh đa cấp biến tướng về bản chất chính là hình thức lừa đảo, phương thức kinh doanh đa cấp chỉ là công cụ cho đối tượng lừa đảo thực hiện hành vi vì phương thức này có khả năng kêu gọi nhiều người tham gia, huy động được nhiều tiền.

Đối với hoạt động kinh doanh đa cấp biến tướng tiểm ẩn nhiều nguy cơ xấu cho xã hội: đa cấp biến tướng chủ yếu diễn ra ở các hình thức biến tướng, lợi dụng mô hình kinh doanh đa cấp để lừa đảo, trục lợi thì việc xử lý các đối tượng này không chỉ là trách nhiệm của Bộ Công Thương mà cần có sự tham gia phối hợp của nhiều bộ, ngành liên quan, không chỉ sử dụng biện pháp hành chính mà cần mạnh tay với các biện pháp hình sự thì mới đảm bảo tính răn đe.

PV: Ông có thể nêu một số vụ vi phạm đa cấp điển hình?

Ông Trịnh Anh Tuấn: Thời gian vừa qua, Bộ Công Thương đã đưa ra rất nhiều cảnh báo công khai về các trường hợp có dấu hiệu hoạt động kinh doanh đa cấp không phép, biến tướng để người dân biết và phòng tránh liên quan đến các đối tượng như Greenleaf, Dự án Hoàng Gia, Vital4u, FutureNet, Vision, Owifi, Riway… các trang thương mại điện tử có dấu hiệu kinh doanh đa cấp không phép như: một số ứng dụng mua sắm hoàn tiền biến tướng (MyAladdinz, Silling, BBI, bigbuy 24…), các website bán khóa học online, website huy động đầu tư cổ phần (Onelinknetwork; ChiliMall; Vitae; Crowd1; Tcapital; Winvest…). Đồng thời, Bộ Công Thương cũng chuyển thông tin và đề nghị các lực lượng chức năng ở địa phương cùng giám sát, xử lý.

Điển hình trong năm 2020, trên cơ sở phối hợp và trao đổi thông tin, tài liệu với Bộ Công Thương, Bộ Công an đã tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can liên quan đến hoạt động Công ty cổ phần Thương mại Dịch vụ Đầu tư Thời gian vàng (Goldtime) với tội danh Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản theo Điều 290 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 (Điểm d Khoản 1 về Lừa đảo trong thương mại điện tử, thanh toán điện tử, kinh doanh tiền tệ, huy động vốn, kinh doanh đa cấp)…

Gần đây, chúng tôi thu thập một số thông tin về các hình thức đầu tư tài chính nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người dân là Thị trường ngoại hối (Foreign Exchange hay Forex) và Đầu tư quyền chọn nhị phân (Binary Options hay BO) ví dụ như sàn Forex Liber, AFGold, Bitomo…, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã đăng tin cảnh báo cho người dân đồng thời cũng đã thu thập các thông tin, dấu hiệu của hành vi vi phạm để chuyển Bộ Công an xử lý theo thẩm quyền.

Trong thời gian tới, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng sẽ tiếp tục thực hiện các nhóm giải pháp tổng thể nhằm quản lý hiệu quả hoạt động bán hàng đa cấp, đặc biệt là các hành vi kinh doanh đa cấp không phép: thông qua trang web, facebook…

Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, cảnh báo để người dân sớm nhận diện và phòng tránh trước các hoạt động này. Đặc biệt, năm 2020, trong kế hoạch công tác, Bộ Công Thương đã ký quy chế phối hợp với Bộ Công an, trong đó có việc phối hợp trao đổi thông tin quản lý hoạt động bán hàng đa cấp. Ở địa phương, Bộ Công Thương cũng chỉ đạo các Sở Công Thương xây dựng quy chế phối hợp với cơ quan liên quan ở địa phương như Thuế, Hải quản, Quản lý thị trường, Công an… trình UBND phê duyệt. Hiện hầu hết các địa phương đã ban hành quy chế này. Nếu có phát hiện về những hoạt động bán hàng đa cấp biến tướng sẽ xử lý rất nhanh.

Mới đây, Bộ Công Thương đã ban hành Đề án Nâng cao hiệu quả công tác quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp giai đoạn 2021-2025, trong đó có hoạt động tuyên truyền phổ biến nội dung này đến những đối tượng dễ bị lôi kéo, như sinh viên, người già…

Chúng tôi sẽ phối hợp với Đoàn thanh niên ở các trường đại học để tổ chức các hội thảo, tuyên truyền nhận diện bán hàng đa cấp biến tướng… Tiếp nữa, tăng cường phối hợp với các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Công an, trong việc phát hiện, xử lý các đối tượng hoạt động kinh doanh đa cấp không phép, biến tướng, lợi dụng mô hình kinh doanh đa cấp để thu hút tài chính trái phép.

PV: Từ vụ Liên Kết Việt, cơ quan quản lý đã nhìn nhận ra những lỗ hổng trong quản lý ra sao? Giải pháp để lấp lỗ hổng pháp lý trong kinh doanh đa cấp này như thế nào, thưa ông?

Ông Trịnh Anh Tuấn: Tình trạng lộn lộn, gây nhiều bức xúc cho dư luận xã hội của các DN bán hàng đa cấp như đã nêu từng là vấn đề nổi cộm của 4-5 năm về trước. Các DN lợi dụng kinh doanh đa cấp để lừa đảo, điển hình như Công ty Liên Kết Việt. Trong những năm gần đây, Bộ Công Thương đã tích cực, toàn diện và quyết liệt triển khai nhiều biện pháp quản lý để chấn chỉnh hoạt động bán hàng đa cấp. Theo đó, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý từ các quy định quản lý đến các quy định về chế tài xử lý hành chính, chế tài xử lý hình sự.

Về chế tài hình sự, Điều 217a Bộ luật Hình sự, quy định một tội danh riêng về vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp. Đây là cơ sở quan trọng để phát hiện và xử lý sớm tội phạm trong hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, không cần phải đợi đến khi có đơn tố cáo mới có thể xử lý theo tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đây là cơ sở pháp lý để xử lý sớm các vụ việc biến tướng trong hoạt động kinh doanh đa cấp.

Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm đã được thực hiện hiệu quả. Nhiều DN vi phạm đã bị kiểm tra, xử phạt và thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp. Nhiều cá nhân đã bị truy tố hình sự về tội danh lừa đảo thông qua việc lợi dụng mô hình kinh doanh đa cấp. Hoạt động của các DN kinh doanh đa cấp bị giám sát chặt chẽ tại từng địa phương.

Công tác cảnh báo, tuyên truyền, phổ biến, pháp luật đã đạt được hiệu quả đáng kể. Hoạt động cảnh báo, tuyên truyền, phổ biến được thực hiện thường xuyên, đa dạng về phương thức thực hiện để thông tin đến được đông đảo người dân (đăng tải trên website của Bộ Công Thương, tuyên truyền qua các kênh truyền thanh, truyền hình quốc gia, các diễn đàn báo chí…). Bộ Công Thương cũng thường xuyên thu thập và chuyển thông tin về nhiều trường hợp có dấu hiệu vi phạm hình sự để các cơ quan Công an xem xét, xử lý theo quy định.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Lưu Hiệp/CAND

Bài mới
Đọc nhiều