+
Aa
-
like
comment

Cần lên án và xử phạt nghiêm những kẻ làm xáo trộn lòng dân

sông trà - 10/03/2020 18:25

Hơn lúc nào hết, chúng ta cần bình tĩnh, tỉnh táo và một lần nữa đặt niềm tin vào Chính phủ, tin vào sự quyết liệt của cả hệ thống chính trị trước mọi khó khăn, thách thức, kể cả là dịch bệnh lần này. Đồng thời, cần phải lên án mạnh mẽ những trường hợp, giấu bệnh, trốn cách lý và đưa tin sai sự thật gây nhiễu loạn thông tin, xáo trộn lòng dân, hoang mang cho cộng đồng.

Chuyện thật mà cứ như đùa

Những ngày qua, nhiều người dùng mạng xã hội đã chia sẻ bản đồ lưu ý dịch COVID-19   tại Hà Nội. Đáng chú ý, theo bản đồ này, các địa điểm được đánh dấu rất nhiều, lên tới vài chục địa điểm trải rộng ra nhiều quận, huyện như: Ba Đình, Tây Hồ, Long Biên, Gia Lâm, Đống Đa, Hoàng Mai, Ứng Hoà…

Nội dung mô tả trên bản đồ như sau: “STUDIO 3G CỘNG lưu ý các địa chỉ cần thận trọng, không nên đến (trừ trường hợp thật cần thiết) – Đó là nơi ở/làm việc của những người chịu ảnh hưởng từ ca bệnh của N.H.N (bệnh nhân thứ 17 đã nhiễm Covid-19). Hiện nay, các địa điểm này đã và đang được cơ quan hữu trách xác định, khoanh vùng để tiến hành khử khuẩn”.

Liên quan đến câu chuyện “bản đồ lưu ý dịch” này, ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm đào tạo quản trị và an ninh mạng Athena, cho biết đây là tính năng tự khai báo thông tin của người dùng mà Google maps cho phép (tính năng Google my maps), độ chính xác không cao.

“Người dùng mạng xã hội cần tỉnh táo, nếu chia sẻ những thông tin không chính xác và chưa được kiểm chứng là tiếp tay cho hành vi phát tán thông tin xấu độc, có nguy cơ bị phạt theo luật An ninh mạng. Để cập nhật các thông tin chính xác về dịch COVID-19  người dân nên truy cập các trang thông tin chính thống, trong đó có trang web của Bộ Y tế tại địa chỉ: https://moh.gov.vn/.”-  ông Võ Đỗ Thắng nói.

Trước đó, dư luận thấy bức xúc về một lãnh đạo Công ty điện gió đi cùng chuyến bay VN1547 (có người nhiễm COVID-19) nhưng đưa nhân viên đi cách ly thay. Người đó được xác định là ông ông Lê Thanh Hà – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư xây dựng và Thương mại Phú Điền, doanh nghiệp này đang đầu tư một dự án điện gió trên địa bàn huyện Hướng Hóa. Phải đến khi cơ quan chức năng sử dụng các biện pháp quyết liệt thì vị Chủ tịch HĐQT nói trên tự nguyện ra trình diện và thực hiện cách ly.

Liên quan đến sự việc này, ông Nguyễn Văn Hùng – Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị cho biết, đêm qua ông mới nhận được báo cáo đầy đủ về sự việc đánh tráo người nằm trong diện cách ly. Tỉnh Quảng Trị đang làm rốt ráo, nghiêm túc trong công tác phòng chống dịch.

Ông Hùng khẳng định: “Sẽ xử lý nghiêm những người trốn cách ly, dù người đó là ai vì đây là vụ việc nghiêm trọng… Việc xử lý chắc chắn có, nhưng phải đợi khi có có kết quả xét nghiệm và hoàn thành việc cách ly”.

Hoặc, nhiều trường hợp đi từ “tâm dịch” về nhưng trốn khai báo y tế,  “trốn cách ly” đang nhận được sự phẫn nộ từ dư luận, cộng đồng. Cô gái bệnh nhân số 17, vì sự thiếu trách nhiệm, và có lẽ cả sự ích kỷ đã khiến cho tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp hơn rất nhiều với nhiều ca nhiễm mới và cả trăm người phải cách ly ở các địa phương..v..v.

Dù sao đi nữa, từ những chuyện thật mà cứ tưởng như đùa đó, nó chẳng khác gì là những mầm họa cho cộng đồng khi mà dịch COVID-19 đang trực chờ. Song song, cơ quan chức năng cũng cần nhanh chóng công bố lộ trình, thời điểm của các bệnh nhân COVID-19 và các ca nghi nhiễm F1, F2 đã từng đến để người dân chủ động phòng tránh các địa điểm này, tránh những thông tin không chính thống trên mạng lây lan làm hoang mang cộng đồng.

Đã có chế tài xử phạt

Cách ly y tế là biện pháp áp dụng với những người nghi nhiễm hoặc mắc bệnh truyền nhiễm để hạn chế làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng. Thứ trưởng Bộ Tư Pháp Đặng Hoàng Oanh cho biết Bộ Tư pháp đã rà soát quy định của luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Cụ thể, Luật Hình sự năm 2015 quy định về “tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người”:

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.

2. a) Đưa ra hoặc cho phép đưa ra khỏi vùng có dịch bệnh động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật phẩm khác có khả năng lây truyền dịch bệnh nguy hiểm cho người, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

3. b) Đưa vào hoặc cho phép đưa vào lãnh thổ Việt Nam động vật, thực vật hoặc sản phẩm động vật, thực vật bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh nguy hiểm có khả năng lây truyền cho người.

4. c) Hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người.

5. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

6. a) Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc Bộ trưởng Bộ Y tế;

7. b) Làm chết người.

8. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 12 năm:

9. a) Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ;

10. b) Làm chết 02 người trở lên.

11. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Theo đó, cần phải xử lý hình sự với những người có biểu hiện không thành thật, chủ quan, duy ý chí trong phòng, chống COVID-19 mới đủ sức răn đe và làm gương cho những người khác.

Nhưng cần lên án mạnh mẽ!

Mới đây, đích thân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo phải xử lý nghiêm trường hợp giấu bệnh, nhằm ngăn chặn việc lây lan bệnh tật. Hành vi của vị lãnh đạo doanh nghiệp nói trên chưa thuộc diện này nhưng một biện pháp xử lý có tính răn đe là điều có thể hình dung.

Mặt khác, những hành vi giấu bệnh, trốn cách ly này tức là họ đang bỏ qua “cơ hội vàng” để các cơ quan y tế lo cho sức khoẻ của mình khi bản thân mình đi từ “tâm dịch” hoặc tiếp xúc với người bị nhiễm dịch. “Cơ hội vàng” ở đây là được cơ quan y tế sàng lọc, đưa vào khu cách ly, nếu như bị mắc bệnh, sẽ được khám và điều trị sớm. Tính mạng của vị là đây chứ đâu, các vị chẳng cần bỏ ra đồng nào cả, nhà nước lo cho các vị đấy.

Bài học về sự lây lan COVID-19 theo cấp số nhân ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Italia, Iran… và nhiều nước khác vẫn còn đó. Sự chủ quan ở một khâu, một bộ phận, thậm chí chỉ là 1 người, 1 mắt xích trong hệ thống đã và sẽ có thể khiến cho thế trận bị vỡ. Nỗ lực dập dịch thành công sẽ khó hơn rất, rất, rất nhiều.

Trong cuộc chiến “chống giặc” lần này, khó khăn là không thể định lượng được. Sức người, sức của để nỗ lực dập dịch càng không đong, đo, đếm được. Những trường hợp trốn cách ly, trốn khai báo y tế khi đi từ “tâm dịch” về kia đã nhân danh cái gì để cho mình quyền tự do đi ngược lại với những quy định nghiêm ngặt được thực hiện ở mọi nơi, mọi cấp, mọi ngành với tất cả mọi người những ngày qua?

Có thể nói, COVID-19 đang bước vào giai đoạn 2, giai đoạn 2 khó hơn giai đoạn đầu khi dịch đã lan ra hơn 100 nước. Chúng ta phải ngăn chặn dịch bệnh từ trăm ngả thay vì một vài ngả như trước đây.

Vì vậy, hơn lúc nào hết, chúng ta cần bình tĩnh, tỉnh táo và một lần nữa đặt niềm tin vào Chính phủ, tin vào sự quyết liệt của cả hệ thống chính trị trước mọi khó khăn, thách thức, kể cả là dịch bệnh lần này. Đồng thời, cần phải lên án mạnh mẽ những trường hợp, giấu bệnh, trốn cách lý và đưa tin sai sự thật gây nhiễu loạn thông tin, xáo trộn lòng dân, hoang mang cho cộng đồng.

Xin mượn lời của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, rằng: “Nếu toàn dân đồng lòng chống dịch nhất định chúng ta sẽ chiến thắng dịch bệnh COVID-19 như dân tộc Việt Nam đã nhiều lần chiến thắng”.

Sông Trà

Bài mới
Đọc nhiều