+
Aa
-
like
comment

Cần làm rõ trách nhiệm của trại giam để Triệu Quân Sự bỏ trốn

19/06/2020 15:48

Theo luật sư Mai Quốc Việt, cần làm rõ nội dung sự việc, những sai phạm của các cán bộ trực tiếp quản lý khi để phạm nhân Triệu Quân Sự bỏ trốn.

Cần làm rõ trách nhiệm của trại giam để Triệu Quân Sự bỏ trốn - Ảnh 1.
Lực lượng chức năng áp giải Triệu Quân Sự ra xe bàn giao cho Quân khu 5 trưa 19-6 – Ảnh: LÊ TRUNG

Luật sư Mai Quốc Việt – Công ty Luật FDVN (Đà Nẵng) – cho biết hành vi trốn trại giam của Triệu Quân Sự đã cấu thành tội danh trốn khỏi nơi giam, giữ hoặc trốn khi đang bị áp giải, đang bị xét xử theo quy định tại Điều 386 Bộ luật hình sự 2015.

Theo đó, người nào đang bị tạm giữ, tạm giam, áp giải, xét xử hoặc chấp hành án phạt tù mà bỏ trốn thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Tuy nhiên, theo thông tin từ cơ quan chức năng, đây là lần thứ hai Sự trốn khỏi trại giam khi đang thụ án, do vậy có thể nhận thấy Sự rất manh động và nguy hiểm.

Theo luật sư Việt, hiện cũng chưa rõ Sự có người giúp sức để trốn khỏi trại hay không cũng như khi trốn chạy Sự có dùng vũ lực với người canh gác tại trại giam hay không. Bởi nếu thuộc những trường hợp này thì Sự có thể bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm.

Hành vi trốn trại sẽ bị khởi tố một tội danh độc lập do Sự đang phải chấp hành một bản án mà lại thực hiện hành vi phạm tội mới, khi xét xử tòa án sẽ quyết định hình phạt đối với tội danh mới. Sau đó tổng hợp với phần hình phạt chưa chấp hành của bản án trước rồi quyết định hình phạt chung (theo quy định tại khoản 2, Điều 56 Bộ luật hình sự 2015).

Luật sư Việt nói: “Đối với các hành vi như cướp giật điện thoại, trộm xe máy của Sự (nếu có) khi trốn chạy thì cơ quan chức năng sẽ làm rõ Sự có thực hiện những hành vi này không, nếu có Sự có thể sẽ bị xử lý với các tội danh tương ứng như tội cướp giật tài sản – Điều 171 Bộ luật hình sự 2015; tội trộm cắp tài sản – Điều 173 Bộ luật hình sự 2015”.

Theo luật sư Việt, về trách nhiệm của cán bộ quản giáo, giám thị trại giam quân sự khu vực miền Trung – Quân khu V khi để phạm nhân bỏ trốn, cơ quan điều tra cần làm rõ nội dung sự việc, những sai phạm của các cán bộ trực tiếp quản lý.

Tùy theo tính chất, mức độ sai phạm mà các cán bộ quản lý có thể bị xử lý kỷ luật theo quy định hoặc có thể bị xử lý về hình sự đối với tội danh “Thiếu trách nhiệm để người bị bắt, người bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành án phạt tù trốn” theo quy định tại Điều 376 Bộ luật hình sự 2015.

Ông Việt nói qua sự việc này, cơ quan chức năng cần xem xét lại quy trình giám sát, canh giữ phạm nhân, cũng như cơ sở vật chất, hạ tầng cho việc quản lý, canh giữ phạm nhân.

HỮU KHÁ/TTO

Bài mới
Đọc nhiều