Cần lắm những “quả đấm thép” để xoá sổ nạn xe dù
Chắc có lẽ, ai đã từng một lần đi xe khách thì sẽ hiểu được “cuộc đua” bắt khách trên các tuyến xe khách đặc biệt là các tuyến xe đường dài là như thế nào. Vì lợi trước mắt mà lái xe đôi khi quên đi cả tính mạng của hàng chục người, họ phóng nhanh, phanh gấp và thậm chí là lạng lách để bắt khách.
Tôi đã có dịp được chứng kiến, trải nghiệm cảm giác sợ hãi và ám ảnh đó trên chuyến xe Hà Nội – Quảng Ninh.
Phóng nhanh, vượt ẩu “cướp” khách
Thay vì mua vé xe như mọi lần, lần này tôi cố tình lựa chọn một chỗ đứng đối diện bến xe Mỹ Đình ngay đường Phạm Hùng – con đường quen thuộc để “vợt khách” của những chiếc xe dù. Lúc này, có một chiếc xe Hà Nội – Quảng Ninh sắp chạy tới chỗ tôi và nhiều người cùng đứng để bắt khách thì bỗng nhiên xe khách cùng tuyến Phúc Xuyên khác lao nhanh vượt trước phanh ngay trước mặt chúng tôi bất kể là thời gian cao điểm nhiều phương tiện đi lại để “cướp” khách.
Tôi lên xe và “bắt đầu cuộc đua” với các xe khác cùng tuyến
Tới Đông Yên (Bắc Ninh), tài xế bắt đầu đạp chân ga, tăng tốc, vì lơ xe phát hiện đang chạy ngay sau xe là “đối thủ” kumho Việt Thanh. Giữ nguyên tốc độ, nhà xe vừa bóp còi inh ỏi, vừa điều khiển xe chạy vượt cắt mặt nhiều xe cùng chiều. Phát hiện xe ngay trước mặt, chủ xe ngồi bên ghế thu tiền vé hối tài xế lập tức nhấn ga bám sát rạt, để chiếc xe khách chạy cùng tuyến này không còn cơ hội “vợt khách” dọc đường. Hành khách trên xe nhiều lần thót tim khi tài xế phải đạp thắng gấp, mũi xe nhiều lúc cách xe đằng trước chừng nửa mét.
Những chuyến xe “chất lượng cao” này đều chạy theo kiểu xe dù, đón mắt khách dọc đường vô tội vạ. Đến nửa đường, khi khách bắt dọc đường hầu như không còn chiếc xe bắt đầu lao đi với vận tốc 90 rồi 100 và thường trực ở con số 110 km/giờ. Không chịu giảm tốc độ dù hành khách liên tiếp nài nỉ chạy chậm, tài xế xe này còn tham gia một cuộc đua với 3 xe khách chạy cùng tuyến với tốc độ có lúc lên đến 120 km/giờ. Hầu hết hành khách ai cũng mặt xanh như tàu lá.
Cuối cùng khi xe về bến cuối, hành khách xuống xe ai ai cũng thở phào nhẹ nhõm như vừa trải qua một nỗi sợ. Có lẽ, đi xe khách giờ đây là một nỗi ám ảnh với nhiều người đặc biệt là người già và trẻ nhỏ, họ ám ảnh khi nhớ lại những pha rượt đuổi kinh hoàng, họ ám ảnh mỗi lúc nghĩ về tốc độ kinh hoàng mỗi lần xe chạy.
Nhưng tất cả lại đâu vào đấy, họ cần đến những chuyến xe để về nhà, để tìm đến một vùng đất mới với nhiều mục đích riêng, họ đâu có sự lựa chọn nào khác ngoài những chuyến xe này? Còn những chiếc xe khách, họ vì miếng cơm manh áo mà quên đi sự sống, quên đi những nỗi sợ của người ngồi sau. Và bỗng nhiên tôi nhớ đến câu nói mà tôi luôn luôn đặt trong đầu: “Nhanh một phút, chậm cả đời”
Minh chứng của sự “bất lực”
Theo quy định mà tôi tìm hiểu, thông thường nhà xe đã ký hợp đồng ủy thác cho bến bán vé, khi xe xuất bến phải được kiểm soát số lượng hành khách, khách trên xe có vé chưa, được xếp chỗ ngồi đúng quy định không, có chở quá tải không… Thế nhưng với tình trạng xe dù tranh nhau bắt khách dọc đường như thế thì liệu quy định ấy có còn hiệu lực?
Anh Trần Hồng Phúc tài xế xe ôm lâu năm ở khu vực đường Phạm Văn Đồng bức xúc: “Hằng ngày, xe khách các tuyến như Hà Nội – Thái Nguyên, Hà Nội – Quảng Ninh, Hà Nội – Hải Phòng, Hà Nội – Lào Cai, … thường đi rất chậm và thường dừng đỗ giữa đường để đón trả khách gây ra tình trạng ùn tắc giao thông, có nhiều xe khách còn đi lấn sang làn của xe máy, phóng nhanh vượt ẩu để bắt khách, đang đi rồi phanh đột ngột, gây nguy hiểm cho người đi xe máy”.
“Hiểm hoạ” chết người từ tình trạng “xe dù”
Tuy rằng, nhiều người dân có thói quen bắt xe khách dọc đường vì tiện lợi, không phải vào bến xe làm thủ tục mua vé, tuy rằng chủ xe không phải đóng thuế và phí ra vào bến, giá vé linh hoạt, … nhưng tình trạng này lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông. Thực tế đã xảy ra nhiều vụ va chạm, tai nạn giao thông khi các phương tiện vận tải phanh đột ngột hay khi đánh lái vào làn trong cùng để bắt khách.
“Tôi làm xe ôm khu vực này nên tôi biết, hầu hết các vụ tai nạn, va chạm xảy ra trên đoạn đường này đều xuất phát từ việc các nhà xe dừng xe đột ngột bên đường để đón trả khách khiến các phương tiện đi phía sau không kịp xử lý. Nặng thì mất mạng còn nhẹ thì cũng nằm viện dài ngày.” Bác Thắng tài xế xe ôm khu vực bến xe Mỹ Đình nói.
Hơn nữa, nhiều xe khách “trá hình” đội lốt xe hợp đồng nhưng hoạt động như xe khách liên tỉnh, có thể vào sâu trong trung tâm để đón khách. Theo các nhà xe, nạn xe “dù” hoành hành đã cướp đi gần hết lượng hành khách của họ dẫn đến thời gian gần đây, mỗi xe xuất bến chỉ có từ 1-2 khách, thậm chí không có cách nào.
Cần lắm những “quả đấm thép” để xoá sổ nạn xe dù
Để giải quyết triệt để nạn xe dù tranh nhau bắt khách dọc đường, ông Bùi Danh Liên – nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng: “Trước hết, phải phòng chống tham nhũng, ngăn ngừa hành vi bảo kê đến từ những cá nhân hoặc nhóm lợi ích đằng sau những hãng xe này” (Theo báo Pháp Luật VN ngày 29/09/2016).
“Bên cạnh đó, cơ quan chức năng phải tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát tình hình tại những khu vực nóng; có hình thức xử lý thật nghiêm đối với các hãng xe vi phạm, xử phạt phải mang tính răn đe để ngăn ngừa tình trạng tái diễn”.
Tuy nhiên, muốn giải quyết triệt để vấn nạn trên, cần phải có những quả đấm thép thật mạnh vào công tác quản lý cũng như đối tượng vi phạm là các nhà xe để câu chuyện xe dù sớm có hồi kết. Hy vọng nay mai, hình ảnh những chiếc xe dù sà vào long đường bắt khách, phóng nhanh vượt ẩu sẽ không còn nữa, trả lại cho giao thông Thủ đô nói riêng và giao thông cả nước nói chung một diện mạo mới – lành mạnh và văn minh hơn.
Quỳnh Quỳnh