Khi sách giáo khoa làm “náo loạn” xã hội
Thời gian qua, dư luận bàn tán xôn xao chuyện tăng giá và lãng phí sách giáo khoa. Ngay sau đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ra Chỉ thị 643 về việc sử dụng giáo khoa và sách tham khảo trong các cơ sở giáo dục phổ thông.
Nguy cơ lạm phát có xu hướng đi lên khi giá nguyên vật liệu và nhiên liệu ngày càng tăng cao. Trước tình hình này, việc bình ổn giá hàng hoá, trong đó có lĩnh vực giáo dục là sách giáo khoa cũng vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, để hiện thực hoá không hề dễ dàng vì một số vấn đề liên quan đã tồn đọng từ lâu và cần phải xử lý triệt để từ gốc rễ.
Sở dĩ, xuất hiện tình trạng tăng giá và lãng phí trong sử dụng sách giáo khoa là do lượng sách được in mới mỗi học kỳ tăng cao; khổ giấy in lớn hơn, chất lượng giấy tốt hơn. Đồng thời do nhu cầu của học sinh và cả sự thay đổi chương trình học quá nhanh của Bộ GD&ĐT. Trong khi đó, nếu duy trì một chương trình học lâu dài thì không cần phải tái bản sách giáo khoa và học sinh hoàn toàn có thể dùng lại sách cũ của các thế hệ đi trước.
Để giải quyết thực trạng trên, Chỉ thị 643 đã yêu cầu các cơ sở giáo dục bố trí nguồn kinh phí hợp lý để mua sách giáo khoa cho các thư viện trường học, tổ chức cho học sinh mượn sách giáo khoa để học tập. Thêm vào đó là khuyến khích, vận động học sinh quyên góp, ủng hộ sách giáo khoa cũ để học sinh các lớp sau tiếp tục được mượn và sử dụng, hạn chế việc xuất bản quá nhiều. Bộ GD&ĐT cũng đã yêu cầu học sinh phải có ý thức giữ gìn sách vở sạch đẹp, không viết vẽ bậy lên sách để tạo cơ hội tái sử dụng cho thế hệ sau. Phải kết hợp thêm giáo dục cho học sinh ý thức được tầm quan trọng của việc tái sử dụng sách cũ trong việc bảo vệ môi trường và giúp ích cho kinh tế đất nước. Các em tuổi còn nhỏ, chưa ý thức được sự lãng phí nên hay có hành vi đòi hỏi sách và dụng cụ học tập mới, là giáo viên, phụ huynh cần phải có trách nhiệm giải thích cho trẻ hiểu ý nghĩa.
Liên quan đến việc xuất bản sách giáo khoa, đã từng có ý kiến cho rằng đơn vị biên soạn sách giáo khoa không nên là các nhà xuất bản mà phải là một đơn vị độc lập, sau khi sách được duyệt thì mới đưa sang các nhà xuất bản để thực hiện khâu in ấn. Nhưng hiện nay các nhà xuất bản vừa tổ chức viết biên soạn, vừa in ấn xuất bản, có trường hợp lại còn tự ý đưa ra nhiều sách nên rất dễ độc quyền về giá, kiểu vừa đá bóng vừa thổi còi.
Theo chuyên gia kinh tế tiến sĩ Nguyễn Minh Phong: “Khi thị trường chỉ có 1 doanh nghiệp làm sách giáo khoa thì Nhà nước phải kiểm soát giá để tránh độc quyền. Còn khi thị trường đã có nhiều doanh nghiệp, nhiều nhà xuất bản tham gia, nếu doanh nghiệp định giá quá cao so với thực tế thì sản phẩm sẽ không thể cạnh tranh được với các doanh nghiệp khác”. Thế nên, Bộ GD&ĐT phải quản lý làm sao để giám sát, hạn chế được tình trạng doanh nghiệp cùng bắt tay để tăng giá bán một cách vô tội vạ, đẩy giá bán cao hơn so với giá thành. Bên cạnh đó, có những giải pháp khuyến khích xã hội hóa để thu hút thêm các nhà xuất bản, các tổ chức tham gia biên soạn, tạo cơ chế cạnh tranh lành mạnh, tránh nguy cơ độc quyền, tăng giá, tạo áp lực kinh tế cho phụ huynh học sinh, đặc biệt là những gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
Đồng thời, cần có quy chuẩn rõ ràng về các phương diện của sách giáo khoa như kích cỡ sách, số lượng trang, màu in, chất lượng giấy, số lượng cuốn trong 1 bộ sách,… Bởi đây là tiêu chí quan trọng hàng đầu trước khi biên soạn sách giáo khoa, góp phần tránh tình trạng nâng khống giá sách.
Giá thành sách giáo khoa tăng cao đã là vấn đề gây tranh cãi trong dư luận từ lâu nhưng không có hướng giải quyết cụ thể. Cho đến khi, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ GD&ĐT chủ trì, rà soát, nghiên cứu giải pháp phù hợp với các vấn đề liên quan sách giáo khoa theo hướng tạo thuận lợi, tiết kiệm, giảm chi phí, bảo đảm lợi ích chính đáng của học sinh, phụ huynh. Tin rằng, với việc dám nhìn thẳng vào thực tế để xử lý bất cập tồn đọng thì phần nào bức xúc và nỗi lo lắng của phụ huynh, học sinh sẽ được giải tỏa.
LS Lê