+
Aa
-
like
comment

Cần làm gì để triệt để loại bỏ bệnh thành tích trong giáo dục

Đỗ Mạnh - 19/07/2020 17:51

Đến nay nếu ai có hỏi tôi điều gì mà ngành giáo dục để lại ấn tượng mạnh nhất trong những năm gần đây thì tôi sẽ trả lời ngay không cần suy nghĩ đó là bệnh thành tích. Bệnh thành tích len lỏi đến tất cả các trường, đến mọi địa phương và đến với tất cả các cấp học. Nó bắt đầu ngay từ giáo viên, ban giám hiệu và lây sang cả các em học sinh. Điểm 10 cho một học sinh hồi chúng tôi còn đi học trong những năm 60-70 của thế kỉ trước nó luôn là của hiếm và là mơ ước của các em thời đó, còn giờ đây nó như những thứ mỹ phẩm trang trí cho thành tích học tập của các em.

Ngày xưa một lớp học, tỷ lệ học sinh giỏi và khá chỉ cần đạt tỷ lệ 30% học sinh khá giỏi trong lớp 50 học sinh đã là lớp có thành tích tốt. Số còn lại chiếm đa số là học sinh trung bình và yếu kém. Không phải các em thời trước là yếu kém và không có điều kiện mà là hồi đó các thầy cô giáo chấm điểm đúng lực học của các em. Trường cấp 3 của chúng tôi năm 1973, mỗi kì thi học kì đều có một bảng vàng danh dự dựng ngay cổng trường để ghi tên những ai đạt điểm 10 các môn thi. Hiếm lắm, mỗi học kì cả trường chỉ  độ 9-10 em được ghi tên cho các môn thi. Và khi đó các bạn được ghi tên lên đó luôn là niềm tự hào và là mục tiêu phấn đấu của mỗi học sinh chúng tôi.

Còn bây giờ thì sao, đi họp phụ huynh cho các con, nghe cô giao tuyên bố lớp của các em đạt đến hơn 90% học sinh khá giỏi. Mới nghe thì thấy mừng nhưng ngẫm lại thì thấy đây là một vấn nạn, một vấn nạn nhức nhối trong ngành giáo dục nước nhà mà chưa nhìn thấy có dấu hiệu nào của sự dừng lại. Nhìn những tấm giấy khen mà các con nhận về dán đầy tường không làm cho tôi thấy vui mà cảm thấy hơi buồn. Điều tệ hại hơn là có những lớp có đến hơn 90 % các em nhận giấy khen của nhà trường, còn số rất ít thì không có. Những tấm giấy khen kiểu này từ chỗ là biểu tượng của sự khích lệ thi đua nay biến thành thứ vũ khí sỉ nhục các em còn lại.

Vậy với nền giáo dục như thế này thì hỏi chúng lấy gì làm trung tâm? Giáo dục con người hay thành tích? Điều tệ hại hơn là bệnh thành tích nay đã ăn sâu vào các tầng lớp giáo viên và phát sinh ở tất cả các địa phương, thầy cô chủ nhiệm nào cũng muốn lớp mình là lớp có thành tích tốt nhất, trường nào cũng muốn trường mình là trường có thành tích tốt nhất. Với tư duy như vậy các thầy cô bất chấp việc các em tiếp thu ra sao, phóng tay cho điểm để đạt được những gì mà thầy cô kì vọng. Và trong trường nếu giáo viên nào cho điểm theo lực học của các em đồng nghĩa với việc kéo thành tích của lớp, của trường xuống, sẽ bị nhà trường và đồng nghiệp chỉ trích. Việc phóng khoáng ban tặng cho các em điểm vô tình đã triệt tiêu động lực học tập của các em, bởi các em tự cảm thấy thỏa mãn với thành tích của bản thân.

Chắc hẳn mọi người còn nhớ kì thi đại học năm 2018- 2019 tại Hà Giang, Hòa Bình và Sơn La, những người được giao trách nhiệm còn liều lĩnh bất chấp luật pháp để sửa điểm để cho các em để có đủ điểm vào đại học. Những điểm 2, điểm 3 được nâng lên thành 7, 8 điểm. Một sự trộm cắp kiến thức đều có nguyên nhân xuất phát từ bệnh thành tích, một căn bệnh đã ăn sâu vào những người có trách nhiệm dưỡng dục mầm non cho đất nước. Ngày nay trong khi thế giới loài người đã bước sang nền kinh tế tri thức mà ở đó sự sáng tạo cá nhân trở thành động lực dẫn dắt. Đó là lý do giáo dục phải tiến sang giai đoạn phát triển cá nhân, thúc đẩy con người cá nhân phát triển toàn diện, để mỗi người là riêng, là khác biệt. Trong khi đó ở Việt Nam thì nền giáo dục đang nằm ở đâu? Hay nó chỉ là những nơi sản xuất những khuôn đúc sẵn đề tạo ra những con gà công nghiệp và tư duy thành tích không hơn không kém.

Trong khi đó, theo ý kiến của các nhà tuyển dụng, học sinh, sinh viên ra trường đều có chung những nhận xét là các em quá chú trọng các kỳ thi để lấy điểm số cao mà không chú tâm tới kiến thức mình thu nạp được. Vì vậy, nhiều học sinh không có những hiểu biết xã hội, thiếu kỹ năng sống, còn sinh viên ra trường thiếu kiến thức thực tế, không đáp ứng được nhu cầu của nhà tuyển dụng. Đã có rất nhiều các cuộc tọa đàm diễn ra về chủ đề bệnh thành tích, người ta đã chỉ ra rằng biểu hiện bệnh thành tích ngày nay trong đội ngũ giáo viên là rất đáng báo động. Có rất nhiều giáo viên dung túng bao che lỗi của học  sinh do sợ ảnh hưởng thi đua hàng tuần của lớp. Giáo viên có những biểu hiện đối phó như sát đến ngày kiểm tra, cho HS làm trước những bài gần giống đề kiểm tra để đạt điểm cao hơn, sẵn sàng nâng điểm cao hơn thực tế, làm đẹp học bạ để lớp mình được đánh giá cao. Ngoài ra khi có các đoàn thanh tra kiểm tra, các nhà trường đều được báo trước để chuẩn bị, từ khâu vệ sinh đến cách ăn mặc và chuẩn bị phát biểu khi đoàn kiểm tra dự khán các giờ giảng. Tóm lại là tất cả đều được báo trước. Chính vì bệnh thành tích mà các khiếm khuyết của nhà trường, của giáo viên, của học sinh đều được che đậy một cách kĩ lưỡng trước các thành viên của đoàn kiểm tra.

Rõ ràng là trong thời gian qua, giáo dục nước nhà đã có những bước thụt lùi, căn bệnh thành tích vô tình đã trở thành những rào cản kéo chất lượng giáo dục nước nhà đi xuống. Nhìn danh sách và điểm thi các em học sinh dự tuyển vào trường chuyên Hà Nội năm 2019, những ai dù bĩnh tĩnh đến đâu cũng phải thấy choáng với thành tích trong hồ sơ của các em dự tuyển. Toàn điểm 10, môn nào cũng 10, các em đạt thành tích quá cao. Nhiều người bi quan thì nghĩ rằng chắc trong các năm học từ tiểu học đến lớp 6 chắc chắn các phụ huynh học sinh của các em đã phải bỏ ra không ít sức lực và tiền bạc để trang trí bảng điểm cho các em và lo cho các em đủ tiêu chuẩn để vào được nhưng ngôi trường có môi trường giáo dục tốt nhất. Lo cho tương lai con em chúng ta là cái lo chính đáng nhưng lo không có nghĩa là chạy điểm, là gian dối dùng các mánh khóe để tô vẽ cho các em.

Dư luận cho rằng bệnh thành tích trong giáo dục chỉ dừng lại khi chính những nhà làm công tác giáo dục phải thay đổi. Sự thay đổi đó là biết chấp nhận một thực tế còn thiếu hụt trong giáo dục. Dám thay đổi phương pháp và cách tiếp cận học sinh để biết trình độ các em đang nằm ở đâu làm cơ sở thay đổi phương pháp giúp các em tiến bộ trong học tập và lao động.

Thi đua là khích lệ ý chí vươn lên của các em, nhằm giúp người giỏi phải cố gắng giỏi hơn nữa, người kém phải cố gắng nhiều hơn nữa để đạt trình độ giỏi. Thành tích của các em, của lớp học, của nhà trường, của địa phương phải do công sức của các em, của các thầy cô giáo dày công ngày đêm bỏ ra mới có được chứ không phải bằng những điểm số do thầy cô phóng túng ban cho mà có.

Người viết bài này hi vọng không những trong giáo dục và trong mọi ngành mọi nghề ở Việt Nam, hãy coi trọng thực chất đừng chỉ vì những con số, hay vì bệnh thành tích mà làm méo mó sự cố găng của mỗi cá nhân trong xã hội. Bệnh thành tích không những kéo lùi sự phát triển của xã hội và nó còn là nỗi sỉ nhục không đáng có đối với những con người mà họ có quyền được sống, quyền được học tập và quyền hưởng thụ hạnh phúc do cuộc sống mang lại.

Đỗ Mạnh

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Bài mới
Đọc nhiều