+
Aa
-
like
comment

Cần khách quan về tình hình tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam

05/07/2019 18:14

“Báo cáo Tự do Tôn giáo quốc tế” của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vẫn còn một số đánh giá không khách quan dựa trên những thông tin sai lệch về Việt Nam. Việt Nam sẵn sàng hợp tác và đối thoại với Hoa Kỳ để thu hẹp khác biệt trong vấn đề này. 

Đó là những gì người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đã khẳng định về chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam trong việc tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và tự do không tín ngưỡng, tôn giáo của công dân ngày 4/7, tại họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao.

Sự thực về nhân quyền, tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam rõ như ban ngày. Nhưng Mỹ và một số nước phương Tây, cùng với các thế lực thù địch cứ hát bài ca “nhai lại” một cách từ năm này qua năm khác để chống phá Việt Nam.

Trong khi đó Việt Nam là quốc gia đa tín ngưỡng, tôn giáo, trong đó một số tôn giáo du nhập từ bên ngoài, như: Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Hồi giáo… và một số tôn giáo ra đời trong nước, như: Cao Ðài, Hòa Hảo… Việt Nam có tới 95% dân số có đời sống tín ngưỡng, trong đó trên 24,3 triệu người là tín đồ của các tôn giáo khác nhau, chiếm 27% dân số; gần 53.000 chức sắc, 134.000 chức việc, 28.000 cơ sở thờ tự, mà ở nơi xa kia của bán cầu trong “con mắt” của nước Mỹ thì Việt Nam vẫn vi phạm tự do tôn giáo, tín ngưỡng là sao?

Hằng năm ở Việt Nam cũng có tới hơn 8.500 lễ hội tôn giáo hoặc tín ngưỡng cấp quốc gia và địa phương được tổ chức. Phải khẳng định luôn một điều đó là đời sống tín ngưỡng, tôn giáo của Việt Nam luôn luôn sôi động.

Văn kiện Hội nghị Trung ương 7 của Đảng Cộng sản Việt Nam xác định: “Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Đồng bào các tôn giáo là bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc”

Hơn nữa, từ Hiến pháp 1946, 1959, 1980, 1992 cho đến Hiến pháp 2013, không có điều khoản nào quy định cấm tôn giáo, ưu tiên duy nhất một loại hình tôn giáo. Mà các quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân Việt Nam đều được Nhà nước tôn trọng và bảo đảm. Đặc biệt, trong Hiến pháp 2013 quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được nâng cao thành quy định gắn với quyền con người, do đó được bảo đảm tốt hơn.

Từ Hiến pháp, Quốc hội đã thể chế hóa và đã thông qua Luật Tín ngưỡng tôn giáo. So với các quy định của pháp luật trước đây, Luật Tín ngưỡng tôn giáo 2016 có nhiều điểm mới bảo đảm tốt hơn quyền của công dân và của mọi người.

“Quyền con người”, “quyền của mọi con người” được tự do tôn giáo, tín ngưỡng chứ khong phải chỉ là quyền riêng của công dân Việt Nam. Nói dễ hiểu thì người nước ngoài khi đến Việt Nam sinh sống và làm việc có theo loại hình tín ngưỡng, tôn giáo nào thì cũng được pháp luật Nhà nước Việt Nam bảo hộ.

Nhưng Luật tín ngưỡng, tôn giáo 2016 cũng quy định rõ: : “Người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam được Nhà nước Việt Nam tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; nghiêm cấm hành vi phân biệt đối xử, kỳ thị vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo; ép buộc, mua chuộc hoặc cản trở người khác theo hoặc không theo tín ngưỡng, tôn giáo;…”.

Thậm chí, trong quy định của Luật Tín ngưỡng tôn giáo 2016 còn có các điều khoản quy định “Người bị tạm giữ, người bị tạm giam, người đang chấp hành hình phạt tù; người đang chấp hành biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc được sử dụng kinh sách, bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo”.

Đại lễ Vesak năm 2019 được tổ chức tại Việt Nam

Có thể khẳng định một điều rằng các quy định về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Việt Nam hoàn toàn tương thích với Luật quốc tế về quyền con người. Bởi Việt Nam là quốc gia đã tham gia ký kết, thực hiện nghiêm túc, công khai được cộng đồng quốc tế và Liên Hợp Quốc tin tưởng, bảo đảm.

Bản Phúc trình, báo cáo thường niên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ trong các năm qua về tín ngưỡng, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền về Việt Nam, hay các quốc gia khác trong các năm qua đều đã bị tố cáo về việc Hoa Kỳ luôn tìm mọi cách để can thiệp vào công việc nội bộ của mình.

Đây là những báo cáo dựa trên việc thu thập của những tổ chức có thông tin vô căn cứ, có hành vi chống phá chính quyền, nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong suốt những năm vừa qua. Hơn nữa, đó là những tổ chức phản động lưu vong ở nước ngoài, không có thông tin chính xác, xác thực tại Việt Nam, không có cơ sở pháp lý, thông tin cụ thể. Có thể khẳng định luôn rằng đây là những tài liệu vô căn cứ, được bịa đặt, mang tính quy chụp, xuyên tạc.

Việc một số cá nhân hoặc một số nhóm tôn giáo bị các cơ quan chức năng xử lý hình sự, trấn áp như bắt Hoàng Đức Bình, hoặc nhắc nhở linh mục Đặng Hữu Nam, Nguyễn Đình Thục trong một vài năm qua với lý do bảo vệ môi trường biển là hành vi vi phạm pháp luật, chứ không phải là việc Việt Nam can thiệp vào tôn giáo, quyền tự do theo đạo, theo loại hình tôn giáo. Những hành vi vi phạm pháp luật, đi ngược lại với lợi ích chung của xã hội đều cần phải loại bỏ khỏi xã hội.

Bản thân nước Mỹ là quốc gia tự cho mình luôn đảm bảo tự do tôn giáo thì cũng là nơi bị lên án vi phạm quyền này. Thậm chí, Cựu Ngoại trưởng John Kerry thì cho rằng, vụ việc tại Charlottesville phải gọi là “thù hận, tội ác, phân biệt chủng tộc và cực đoan nội địa”.

Nước Mỹ hiện nay cũng đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ xã hội từ việc thiếu tôn trọng và bảo đảm quyền con người, đặc biệt là quyền bình đẳng của người da màu, người nhập cư và người theo đạo Hồi. Hội đồng Giám mục Mỹ cũng đã nhiều lần tố giác đạo luật tại một số bang ở Mỹ đe dọa hoặc kỳ thị các tín đồ Ki-tô, theo đạo Công giáo, chẳng hạn như luật buộc các tổ chức Công giáo phải trả bảo hiểm ngừa thai cho các nhân viên.

Nước Mỹ còn vi phạm nghiêm trọng về tự do tôn giáo của người dân, thì hà cớ gì mà Bộ Ngoại giao nước này có quyền đi phán xét vấn đề tôn giáo của các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam?

Tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam đã ngày càng phát triển, được cộng đồng thế giới và các tổ chức quốc tế, cũng như các chính khách Hoa Kỳ và đại diện USCIRF đã tới thăm, làm việc tại Việt Nam. Hầu hết đều nhìn nhận, đánh giá khách quan về tình hình tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam, điều này đã cho thấy Bộ Ngoại giao Mỹ đang có những đánh giá sai lệch, xuyên tạc vấn đề này ở Việt Nam trong các bản báo cáo thường niên.

(Theo Bút Danh)

Bài mới
Đọc nhiều