Cần Giờ và Thanh Đa đón tin vui
Người dân thể hiện niềm vui khi 3 trong trong 4 cây cầu mà TP HCM lên kế hoạch hoàn thành trong 5 năm tới là cho bán đảo Thanh Đa và huyện Cần Giờ.
Đã thành thói quen, mỗi ngày 2 lượt, ông Đặng Ngọc Anh (92 tuổi) đón phà Bình Khánh di chuyển từ huyện Cần Giờ đến quận 1 (TP HCM) để cùng chiếc xe máy đậu ở trạm xe buýt Bến Thành, chờ vài khách quen.
“Chờ lâu lắm rồi”
Hôm 4-10 cũng vậy, mới hơn 8 giờ sáng, ông Ngọc Anh đã có mặt ở địa điểm quen thuộc – trạm xe buýt Bến Thành. Ông nói đã gắn bó với trạm xe buýt này gần 60 năm, đây cũng là ngần ấy thời gian, ngày 2 lượt ông đi về trên chuyến phà bắc qua sông Soài Rạp. Lúc đầu thì tốn tiền phà nhưng hơn 10 năm nay, do là người cao tuổi nên ông Ngọc Anh được miễn phí đi phà. “Hơn ai hết, người dân huyện Cần Giờ mong chờ cây cầu nối đôi bờ để việc đi lại thuận tiện hơn, khi đó chỉ mất 1 giờ chạy xe máy thay vì 1 giờ 30 phút vừa đi phà vừa chạy xe. Đi lại dễ dàng thì bà con tăng cơ hội việc làm, tăng thu nhập, cuộc sống phấn khởi hơn” – ông Ngọc Anh chia sẻ khi hay tin việc xây dựng và hoàn thành cầu Cần Giờ đã được TP HCM chốt thời gian.
Nóng lòng không kém ông Ngọc Anh, trò chuyện với chúng tôi qua điện thoại, chị Hoàng Thị Hà (ngụ xã Long Hòa, huyện Cần Giờ) nói đã nghe dự án xây cầu Cần Giờ cả chục năm qua nhưng chưa thấy đâu. “Nay hay tin đã có kế hoạch cụ thể cho dự án, không chỉ riêng tôi mà 2 đứa nhỏ trước dịch bệnh trọ học trên quận 3 cũng mừng không kém” – chị Hà bộc bạch. Theo chị, cầu Cần Giờ hoàn thành sẽ vực dậy đường Rừng Sác gần như “ngủ yên” sau cả chục năm đưa vào sử dụng. “Lượng xe đi lại qua tuyến đường này thưa thớt là do phải lụy phà. Từ khi thông xe đường Rừng Sác đến nay, thứ mà người dân nơi đây mong chờ nhất là có cây cầu đánh thức những tiềm năng về kinh tế – du lịch để cuộc sống khá hơn. Nay hay tin thành phố đưa dự án cầu Cần Giờ và kế hoạch dự án giao thông trọng điểm hoàn thành trong giai đoạn 2021-2026, đối với người dân nơi đây thì điều này còn quý như vàng. Mọi người đã chờ lâu lắm rồi!” – anh Bùi Văn Châu (chồng chị Hà – PV) nói chen vào cuộc điện thoại.
Niềm vui cũng đang nhen nhóm ở bán đảo Thanh Đa (quận Bình Thạnh), khi theo kế hoạch, bán đảo này sẽ có thêm 2 cây cầu là Bình Quới và Bình Quới – Rạch Chiếc nối với TP Thủ Đức, dự kiến hoàn thành trong 5 năm tới. Qua điện thoại, không đợi chúng tôi hỏi, anh Nguyễn Văn Bình (ngụ Thanh Đa) nói luôn: Bạn hỏi cảm nghĩ việc sắp có thêm cầu chứ gì? “Nói thật, ngoài việc mong ngóng khu đô thị Bình Quới – Thanh Đa sớm được triển khai xây dựng, thì với người dân ở bán đảo bị quy hoạch treo suốt hơn 20 năm này, mong ước lớn nhất là có thêm cầu để phá thế độc đạo của cầu Kinh Thanh Đa” – anh Bình mở đầu câu chuyện.
Theo anh Bình, từ hồi đầu năm năm 2015 – thời điểm Trung tâm Nghiên cứu kiến trúc thuộc Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP HCM, đơn vị tư vấn, trình bày và lấy ý kiến của người dân phường 28, quận Bình Thạnh về đồ án quy hoạch phân khu 1/2.000 bán đảo Thanh Đa, đã có phương án xây dựng 5 cây cầu nối với TP Thủ Đức. Sau đó, nghe đâu có 2 cầu là khả thi nhưng do còn “mông lung” nên người dân chờ hoài không thấy. “Nay nghe bán đảo có đến 2 cây cầu được “nằm” trong kế hoạch các dự án giao thông trọng điểm phải hoàn thành – tức hết “mông lung”, hỏi ai mà không mừng” – anh Bình nói. Theo anh, không cần phải nói ra thì ai cũng có thể thấy lợi ích của cầu đường mang lại đối với mọi mặt đời sống của người dân cũng như sự phát triển của địa phương. “Riêng ở Bình Quới – Thanh Đa, theo tôi, ngoài ý nghĩa trên, 2 cây cầu còn góp phần đẩy nhanh việc xây dựng khu đô thị mới vốn bị treo 20 năm qua” – anh Bình phân tích.
Gấp rút thu xếp thủ tục, vốn
Theo Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM, nhận thấy tính cấp thiết của các dự án cầu Cần Giờ, cầu Thủ Thiêm 4, cầu Bình Quới, cầu Bình Quới – Rạch Chiếc nếu được xây dựng, vận hành trong 5 năm tới, không chỉ giúp kết nối trung tâm thành phố với TP Thủ Đức mà còn tạo đà phát triển kinh tế – xã hội, du lịch cho khu vực. Vì vậy, sở này đã đề xuất UBND thành phố ưu tiên xây dựng trong giai đoạn 2021-2026. Việc đầu tư theo phương thức đối tác công – tư (PPP) với tổng số vốn khoảng 22.000 tỉ đồng. Cụ thể, dự án cầu Cần Giờ dự kiến xây dựng với chiều dài 3,9 km với 4 làn xe, tĩnh không thông thuyền 55 m, sẽ thay thế phà Bình Khánh, tổng mức đầu tư khoảng 10.000 tỉ đồng, được xây dựng theo kiến trúc dây văng một trụ tháp với phác họa hình tượng cây đước; dự án cầu Bình Quới và cầu Bình Quới – Rạch Chiếc có tổng mức đầu tư lần lượt là 3.400 tỉ đồng và 3.390 tỉ đồng; còn lại là tổng mức đầu tư dự án cầu Thủ Thiêm 4.
Sở GTVT thành phố cho rằng vấn đề hiện nay là tìm nguồn vốn cho các dự án trọng điểm rất khó, bởi dịch bệnh kéo dài, dự kiến nguồn thu ngân sách thành phố trong thời gian tới sẽ bị ảnh hưởng. Theo đó, thành phố cần đẩy mạnh thực hiện các giải pháp huy động nguồn lực đầu tư từ các thành phần kinh tế trong và ngoài nước tham gia phát triển kết cấu hạ tầng giao thông để thúc đẩy các dự án trọng điểm về đích như dự kiến. Do đó, để thúc đẩy tiến độ các dự án trên, Sở GTVT vừa kiến nghị UBND thành phố giao nhiệm vụ cho đơn vị liên quan bố trí kế hoạch vốn để lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và báo cáo chủ trương đầu tư công để làm cơ sở mời gọi, lựa chọn nhà đầu tư cho dự án. “Sở GTVT kiến nghị UBND thành phố chỉ đạo các Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính sớm có cơ chế, chính sách và kế hoạch huy động vốn, ưu tiên mời gọi, lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức PPP, nguồn vốn ODA, xã hội hóa các nguồn lực phù hợp quy định pháp luật” – đại diện Sở GTVT thành phố cho hay. Nói riêng về dự án cầu Cần Giờ, vị đại diện thông tin nếu mọi thủ tục về vốn, mặt bằng suôn sẻ, dự kiến đầu năm 2022 sẽ tổ chức đấu thầu dự án để triển khai thi công.
Ủng hộ việc xúc tiến nhanh dự án cầu Cần Giờ, kiến trúc sư Khương Văn Mười (nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP HCM) nhấn mạnh dự án xây dựng 4 cây cầu trên mang tính cấp thiết, bởi không chỉ giải bài toán ùn tắc giao thông mà còn giảm ô nhiễm môi trường, nâng cao chất lượng sống cho người dân quanh khu vực. Trong đó, dự án cầu Cần Giờ mang ý nghĩa rất lớn, không chỉ kết nối huyện Cần Giờ với trung tâm thành phố mà cây cầu sẽ đánh thức tiềm năng của khu du lịch sinh thái biển Cần Giờ đã được định hướng, ngoài ra còn thúc đẩy phát triển kinh tế, kết nối logistics với Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương, kích thích hình thành các khu công nghiệp và khu đô thị mới. “Vì vậy, trong điều kiện nguồn vốn khó khăn, để dự án sớm triển khai, phát huy hiệu quả thì các Sở Quy hoạch và Kiến trúc, Sở Tài nguyên và Môi trường, các địa phương cần rà soát, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung để quản lý, phát triển quỹ đất, kết hợp chỉnh trang và phát triển đô thị dọc hai bên các tuyến giao thông mới, tạo nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông” – kiến trúc sư Khương Văn Mười nêu ý kiến.
TS Phạm Viết Thuận, Viện trưởng Viện Kinh tế Tài nguyên và Môi trường, cũng cho rằng các dự án cầu trên giúp phát huy nguồn lực phát triển bền vững kinh tế thành phố và các vùng phụ cận, nhất là giai đoạn hậu Covid-19. Để ưu tiên các dự án cấp bách, ngoài kêu gọi đầu tư PPP, TP HCM cần xem xét tập trung vốn ngân sách để đầu tư, trong đó có dự án cầu Cần Giờ.
Khai Tâm