+
Aa
-
like
comment

Cần đánh thức những chiếc “chìa khóa vàng” trong tay Quốc hội

Hải Yến - 30/05/2021 14:06

Sự việc NSƯT Hoài Linh giữ hơn 13 tỉ đồng tiền quyên góp cứu trợ ủng hộ đồng bào lũ lụt miền Trung suốt hơn 6 tháng qua một lần nữa đặt ra vấn đề về cơ sở pháp lý. Cơ sở pháp lý, luật pháp hiện nay không có quy định nào cấm hay truy cứu trách nhiệm với cá nhân, tổ chức vận động quyên góp cứu trợ khẩn cấp hay làm từ thiện, giúp đỡ người khác. Để giải quyết vấn đề này, chiếc chìa khóa vàng đang ở trong tay Quốc hội.  

Bão lũ đi qua 6 tháng nhưng số tiền nghệ si Hoài Linh vận động hơn 13 tỷ ” lúc ngặt nghèo” vẫn nằm ở “nhà bank” – điều này liệu có ai chấp nhận được?

Từ chuyện khẩn trương xây dựng nghị định thay thế, nhưng 6 tháng chưa hoàn thành 

Việc lợi dụng danh nghĩa, uy tín cá nhân để kêu gọi đóng góp cứu trợ và từ thiện, trong đó tiềm ẩn hành vi về sự lừa đảo tài sản, không phải là chuyện mới, chỉ có vụ việc liên quan đến hơn 13 tỷ Hoài Linh như đã nêu, mà trước đó đã có MC Phan Anh, ca sĩ Thủy Tiên lùm xùm chuyện minh bạch với số tiền kêu gọi quyên góp.

Nhức nhói và đỉnh điểm từ vụ ca sĩ Thủy Tiên bị những người đóng góp vào tài khoản của cô, tố không minh bạch, tháng 10-2020, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Công văn, yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương xây dựng Nghị định mới, bổ sung ngay những quy định còn thiếu sót về quyên góp, từ thiện, để việc tổ chức vận động, tiếp nhận tài sản, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện kịp thời, nhanh chóng hỗ trợ, nhằm ổn định cuộc sống, khôi phục và phát triển sản xuất, sinh hoạt của người dân. Nhưng đáng tiếc, dù có gắn hai từ “khẩn trương” nhưng đến mãi 6 tháng sau, thời điểm này là tháng 5-2021 vẫn chưa hoàn thành. Ông Võ Thành Hưng, Vụ trưởng Ngân sách Nhà nước cho biết Bộ Tài chính đang hoàn thiện và chuẩn bị trình Chính phủ.

Đến việc tạo cơ hội cho hàng loạt các đối tượng lợi dụng từ thiện trục lợi 

Trong khi Bộ Tài chính còn đang loay hoay hoàn thiện, thì vấn đề quyên góp cứu trợ, từ thiện đã đạt đến mức “báo động đỏ”, đe dọa an ninh trật tự xã hội nguy cấp khi xuất hiện nhiều nhóm đối tượng lấy từ thiện làm công cụ để nuôi thân rủng mỡ, chấn động có Trần Văn Lâm cầm đầu đã lập ra nhiều trang, nhóm trên mạng xã hội kêu gọi lòng hảo tâm hỗ trợ trẻ em, đã lừa đảo, chiếm đoạt số tiền lên tới 6,6 tỷ đồng. Thậm chí có hiện tượng hội nhóm mượn danh cơ quan nhà nước, như vừa mới đây CLB Tình người do Hội chữ thập đỏ Hà Nội quản lý bị phanh phui khi thời gian qua đã để thành viên CLB vận động hàng chục tỷ đồng không minh bạch, lại là “ổ” chứa chấp các tệ nạn xã hội và cơ quan chức năng đang tiến hành điều tra. Dư luận bức xúc, tổn thương và mất niềm tin rất nhiều chính vì những “hiện tượng” nhiễu nhương như thế này.

Điều này đặt ra câu hỏi rất lớn về lỗ hổng trong công tác quản lý, và cũng nói lên thực tế về việc các cơ quan chịu trách nhiệm đã quá chậm chạp, nói đúng hơn là tắc trách, dẫn đến việc đang “chạy phía sau” các đối tượng trên, trong việc hình thành cơ chế, hành lang pháp lý, quản lý xã hội.

Dưới góc độ của người quan sát, ai cũng có thể nhìn thấy được, từ thiện nói chung và cứu trợ khẩn cấp nói riêng, ngày hôm nay không còn đơn thuần là giúp đỡ, là “của cho”, mà một số cá nhân đã xem đây là “cái nghề” để mua danh, mưu sinh kiếm sống. Và ai cũng thấy, việc cá nhân kêu gọi quyên góp, minh bạch trong thu chi và trao tặng đến tay người được thụ hưởng là điều “xa xỉ”, có chăng là người đóng góp yêu cầu cá nhân vận động công khai. Còn công khai chỉ là “cho có” – số tiền hàng trăm tỷ chỉ được trưng bày qua 1 tờ giấy A4, thậm chí có nghệ sĩ đứng ra kêu gọi quyên góp nhưng khi được yêu cầu minh bạch liền thẳng thừng cao ngạo tuyên bố “Giải trình tiền không phải là nhiệm vụ”. Số tiền vận động dưới danh nghĩa cho người nghèo khó, ngặt nghèo đi đâu, về đâu, chảy vào túi ai – chỉ có người trong cuộc là chủ tài khoản cầm số tiền mới biết, cơ quan chức năng cũng không thể yêu cầu minh bạch hay yêu cầu nhanh chóng giải ngân tiền từ thiện đang nằm trong túi của cá nhân vận động – vụ việc hơn 13 tỷ của nghệ sĩ Hoài Linh càng cho thấy rõ điều đó!

Hoạt động từ thiện xã hội luôn được nhiều người quan tâm, góp phần tích cực vào việc an sinh xã hội. Và, để nuôi dưỡng tinh thần nhân văn của người dân Việt Nam, rất cần một bộ Luật quy định cụ thể về hoạt động từ thiện

Chìa khóa bịt các lỗ hổng: Trong tay Quốc hội 

Người dân đang rất cần hành động của đương kiêm Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các ĐBQH sẽ trúng cử tới đây, đơn đặt hàng đầu tiên để bịt lỗ hổng công tác quyên góp cứu trợ, từ thiện; Rất cần hành động cấp bách cho ra đời bộ Luật về Từ thiện xã hội, để có cơ sở pháp lý giải quyết cho những vấn đề cấp thiết. Vấn đề về quyên góp, từ thiện ngày càng nóng, nhiều kẻ hở để con người ta trục lợi, nhưng lại chỉ mới được quản lý thông qua một văn bản dưới luật – Nghị định 64 có tuổi đời tận 13 năm là điều không ổn. Một Nghị định đã quá lỗi thời, không thể quản lý chặt chẽ vấn đề liên quan đến hoạt động công tác từ thiện xã hội, thì càng phải có Luật Từ thiện xã hộidành riêng – nhất là khi xã hội ngày hôm nay không chỉ cá nhân, người nổi tiếng muốn làm từ thiện, mà các tổ chức xã hội khác, các hội nhóm bộc phát, hoặc được sự hậu thuẫn từ nguồn tiền của các tổ chức nước ngoài, dưới danh nghĩa “phi lợi nhuận” tiếp cận Việt Nam thông qua từ thiện ngày càng nhiều.

Người Việt Nam có những triết lý sống rất nhân văn, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc như khẩu hiệu: “Lá lành đùm lá rách”, “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, hay thậm chí là: “Dù xây chín bậc phù đồ, không bằng làm phúc cứu cho một người”. Tinh thần tương thân tương ái của dân tộc Việt Nam là rất cao, rất cần được phát huy. Và để những giá trị nhân văn, văn hóa truyền thống được giữ vững, không bị biến chất hay trở thành cơ hội cho những kẻ tham lam, có dã tâm đen tối trục lợi, hay để các cá nhân biến từ thiện trở thành “cái nghề” để kiếm sống, rất cần Bộ Luật Từ thiện xã hội, quy định chặt chẽ: (1) Yêu cầu cá nhân vận động quyên góp phải bảo đảm công khai, minh bạch các khoản đã quyên góp; (2) Cá nhân đó còn phải có trách nhiệm báo cáo, công khai về hoạt động vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện khi được yêu cầu; (3) Cần phải phối hợp với địa phương khi thực hiện công tác giải ngân và có kế hoạch cụ thể, rõ ràng; (4) Phải quy định rõ, thời gian bao nhiêu ngày sau khi vận động cứu trợ, từ thiện thì phải giải ngân; (5) Quy định rõ số tiền huy động cộng đồng đóng góp cho cứu trợ, từ thiện chỉ sử dụng đúng mục đích, cá nhân không được sử dụng “nguồn tiền” đứng tên để làm “bàn đạp” hợp thức hóa cho các giao dịch vay tiền tại các ngân hàng, phục vụ lợi ích bản thân.

Bên cạnh đó, Luật Từ thiện xã hội cũng cần đưa ra biện pháp chế tài và khung hình phạt tương ứng, xử lý kèm theo nếu cá nhân, tổ chức làm trái quy định, trục lợi và bất hợp tác với các cơ quan chức năng.

Với Bộ luật Từ thiện này, sự kỳ vọng không chỉ thiết lập trật tự xã hội, quan trọng hơn hết là bảo vệ niềm tin của mạnh thường quân, nhà hảo tâm, nhân rộng tinh thần thiện nguyện minh bạch, để mọi cá nhân đều có thể chung tay giúp cộng đồng, đồng bào khó khăn, góp phần thực hiện tốt hơn công tác an sinh. Hoạt động từ thiện không chỉ là sự thể hiện tinh thần từ bi, cứu khổ cứu nạn, giúp đỡ nhau giữa người và người, mà trên hết, còn là một biểu hiện quan trọng của chức năng hỗ trợ sự phát triển cho xã hội.

Hải Yến 

Bài mới
Đọc nhiều