+
Aa
-
like
comment

Căn cước công dân có gắn chíp và luận điệu xuyên tạc của những kẻ nhân danh “đấu tranh dân chủ”

Diệu Hương - 16/09/2020 18:06

Sau khi Dự án sản xuất, cấp, quản lý căn cước công dân của Bộ Công an đã được Thủ tướng ký quyết định phê duyệt và sẽ được triển khai đồng bộ, song hành cùng dự án dữ liệu quốc gia dân cư dự kiến vận hành cùng thời điểm đầu năm 2021. Ngay lập lức trên mạng xã hội, các đối tượng phản động, cơ hội chính trị đã đưa ra các luận điệu công kích, những suy đoán vô căn cứ nhằm gieo rắc hoài nghi trong dư luận.

Điển hình có thể kể đến những kẻ nhân danh “đấu tranh dân chủ” như Nguyễn Vũ Bình; Nguyễn Thông; Lê Dư Phước; Nguyễn Duy Tân… Chúng lớn tiếng cho rằng: “Chỉ có một vài quốc gia “kém dân chủ” mới sử dụng”; “Gắn chíp điện tử vào thẻ căn cước là vi phạm nhân quyền của công dân”; “Việc gắn chíp thẻ căn cước công dân khác nào gắn chíp điện tử cho chính người mang thẻ! Muốn biết người này đi những đâu? Vào lúc nào? Cùng với những ai? Chỉ cần ngồi tra định vị là biết ngay chi tiết”; “Gắn chip điện tử vào thẻ căn cước là biến công dân là bầy cừu và vi phạm hiến pháp”; “Nếu thẻ căn cước có gắn chip thì mọi công dân Việt Nam giống tội phạm bị quản thúc như ở nước ngoài”. Với cách lập luận theo kiểu “thuyết âm mưu”, chúng còn quy chụp các camera giao thông lắp trên đường là camera có chức năng “nhận diện khuôn mặt” để theo dõi công dân… Thậm chí có kẻ còn lên internet hướng dẫn cách phá hoại chip trên thẻ căn cước.

Tuy nhiên không rõ là các đối tượng phản động, cơ hội chính trị không biết hay cố tình không biết, căn cước công dân điện tử đã áp dụng trên thế giới từ thập niên 90 và đến nay đã có khoảng 70 quốc gia sử dụng. Hoàn toàn không giống như giọng điệu xuyên tạc cho rằng, chỉ có một vài quốc gia “kém dân chủ” mới sử dụng!

Điều 21 Hiến pháp năm 2013 cũng đã quy định: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn…”. Khoản 2 Điều 38 Bộ Luật Dân sự năm 2015 nêu rõ: “Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác”. Nêu ra như vậy để thấy việc sử dụng căn cước công dân có gắn chíp là hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam về quyền con người. Ngoài ra quá trình triển khai, cơ quan chức năng thông báo để tham khảo ý kiến của nhân dân, như vậy chứng tỏ chính quyền bảo đảm tinh thần dân chủ, tôn trọng nhân quyền.

Thử hỏi hàng ngày, hàng giờ, chính bản thân các nhà mang danh “đấu tranh dân chủ” kể trên vẫn đang sử dụng thẻ ngân hàng có gắn chíp điện tử, điện thoại thông minh có phần mềm định vị… sao không nghĩ tới là mình sẽ bị theo dõi, bị mất quyền riêng tư? Nay lợi dụng chủ trương áp dụng khoa học kỹ thuật gắn chíp điện tử vào căn cước công dân phục vụ tiện ích của người dân và xã hội thì lại thổi phồng, xuyên tạc, vu khống?

Thực ra, những kẻ nhân danh “đấu tranh dân chủ” như Nguyễn Vũ Bình; Nguyễn Thông; Lê Dư Phước; Nguyễn Duy Tân không quan tâm đến đúng, sai khi đưa thông tin lên mạng xã hội bởi mục đích cuối cùng của các đối tượng này là tìm mọi cách để chống phá các chủ trương, chính sách của Nhà nước. Xin nhắc lại rằng, cũng bằng cách này, một số đối tượng tự xưng là “đấu tranh cho dân chủ” đã mạnh mồm gào thét trên mạng xã hội, vận động tẩy chay khuyến cáo cài đặt phần mềm Bluezone vì cho rằng phần mềm này cũng là phần mềm viết ra để theo dõi công dân… Việc làm của họ đã đi ngược lại nỗ lực của ngành y tế và nhân dân khi tình hình dịch bệnh lúc đó đang có những diễn biến mới phức tạp.

Phải khẳng định rằng, gắn chíp điện tử thay vì mã vạch vào thẻ căn cước công dân là áp dụng thành tựu của khoa học kỹ thuật vào thực tế đời sống xã hội. Trước đây chúng ta chưa triển khai bởi chưa có điều kiện, nay các doanh nghiệp trong nước đã làm chủ được công nghệ với giá thành rẻ, là thời điểm thích hợp để triển khai. Thẻ căn cước công dân sử dụng chíp điện tử có nhiều ưu điểm hơn so với mã vạch. Trước hết độ bảo mật cao hơn, có thể lưu trữ được nhiều trường thông tin hơn, có thể tích hợp thêm các thông tin của các bộ, ngành khác về bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bằng lái xe… và nó phù hợp với xu thế công nghệ số như hiện nay so với việc sử dụng thẻ mã vạch căn cước công dân. Ngoài ra thẻ căn cước công dân có gắn chíp điện tử có lượng thông tin lưu trữ lớn hơn nhiều lần so với thẻ căn cước công dân mã vạch, có thể lưu trữ nhiều loại giấy tờ có giá trị khác… Qua đó, có thể phòng tránh được việc các loại giấy tờ bị giả mạo cũng như chi phí cho việc công chứng giấy tờ truyền thống, tạo sự thuận lợi cho công dân khi thực hiện các giao dịch vụ trực tuyến của Chính phủ điện tử. Đáng chú ý, khi thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử có tích hợp đầy đủ các thông tin, lúc đó người dân đi giao dịch và làm các thủ tục sẽ không phải mang nhiều loại giấy tờ, mà chỉ cần dùng thẻ căn cước công dân có gắn chíp thì sẽ thực hiện được các giao dịch. Đặc biệt, mức độ bảo mật của chíp rất cao nên thông tin định danh của công dân được lưu trên căn cước công dân gắn chíp là không thể thay đổi và không thể giả mạo và việc đối sánh sinh trắc học có thể được thực hiện ngay trên chíp, hạn chế tối đa giả mạo danh tính. Ngoài ra, việc xác thực danh tính có thể thực hiện offline mà không cần đường truyền Internet.

Chúng tôi cho rằng, bất cứ một chủ trương, chính sách mới được ban hành rất cần sự góp ý, phản biện của xã hội, của người dân, của các cơ quan, tổ chức nhằm làm sáng tỏ sự cần thiết và làm minh bạch hơn một số vấn đề mà người dân quan tâm… Song việc góp ý, phản biện phải trên tinh thần xây dựng chứ không phải lợi dụng việc góp ý, phản biện để phá hoại, “chụp mũ” bằng những suy diễn thiếu cơ sở khoa học.

Diệu Hương

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều