+
Aa
-
like
comment

Căn cước công dân, bằng lái xe, thẻ ATM cũng bị rao bán

Bích Ngân - 22/10/2024 11:45

Nhiều loại giấy tờ như căn cước công dân, bằng lái xe, thẻ ATM ngân hàng… cho đến dữ liệu cá nhân đang bị một số người vô tư chào bán như món hàng.

Ông Lộc báo giá mỗi thẻ CCCD gắn chip là 400.000 đồng

Chiều 14-10, trên đường Võ Trường Toản (phường Linh Trung, TP Thủ Đức, TP.HCM), ông Lộc lấy ra 13 thẻ căn cước công dân gắn chip và nói đây đều của nam giới thế hệ 8X – 9X, giá bán 400.000 đồng/thẻ. Ông này khẳng định đây là hàng thật “bao soi”.

Ông Lộc lấy điện thoại quét mã QR trên một căn cước công dân hiện ra thông tin của người đứng tên trên thẻ. “Hiện ra vậy mới được. Tui đi gom phải quét ra vậy mới lấy. Hàng thật mới mua bán lâu dài được chứ” – ông này nói.

Ông Lộc lý giải “gom” được số thẻ căn cước công dân trên do khách cầm đồ bỏ, quá hạn thì bên cầm đồ bán ra. Khi giao dịch với ông Lộc, người mua thẻ sẽ kiểm tra “hàng” tại chỗ và trả tiền. “Người ta mua làm gì mình cũng đâu có biết” – ông Lộc nói.

Khi được biết căn cước công dân của mình bị ông Lộc chào bán, anh H. (quận Phú Nhuận) rất lo lắng. Anh khẳng định chưa từng cầm thẻ căn cước công dân ở tiệm cầm đồ. Anh H. làm tài xế cho một công ty vận chuyển, khi vào cổng các công ty anh sẽ để lại căn cước công dân để đổi thẻ ra vào.

Khoảng 5-6 tháng trước, căn cước công dân thất lạc không rõ ở đâu, anh cho rằng có thể anh quên ở công ty nào đó. Do bận việc nên anh chưa có thời gian đi làm lại, mấy tháng qua anh dùng bằng lái xe đổi thẻ ra vào công ty. Anh H. nói sẽ trình báo công an và đi làm lại căn cước. “Tôi chỉ lo thông tin của mình bị bán cho người khác hoặc sử dụng thông tin của tôi để làm chuyện gì đó” – anh H. nói.

Trưa 12-10 tại hẻm nhỏ ở quận Bình Tân, người đàn ông dùng tài khoản Facebook tên “Cầm đồ” đem ra khoảng chục thẻ căn cước công dân gắn chip giới thiệu số thẻ trên “còn mới” và “hạn sử dụng còn nhiều”.

Giá bán lẻ 500.000 đồng/thẻ, mua 10 thẻ trở lên là 450.000 đồng/thẻ. “Lấy nhiều bớt giá hữu nghị cho, hầu như khách của anh mua 4-5 cái họ làm trước. Khi nào OK người ta mới lấy số lượng nhiều” – người này mời mọc.

Ông này khẳng định số thẻ căn cước công dân trên là hàng thật, “giấy zin” do người cầm đồ bỏ nên đem bán thu hồi vốn. Người mua có thể kiểm tra bằng cách quét mã QR trên thẻ và soi đèn. “Em phát hiện giấy giả anh đền 10 cái” – ông ta nói.

Ông này cho hay có nhiều người mua căn cước công dân từ ông, ông không biết mục đích cụ thể của người mua. “Công việc của họ anh không có biết, anh chỉ biết bán thôi” – ông nói.

Ngày 14-10 tại đường Kinh Dương Vương (quận Bình Tân), nam thanh niên tên Quang báo giá 600.000 đồng đối với bộ giấy tờ gồm: căn cước công dân gắn chip, giấy phép lái xe cùng tên L.Đ.C. (sinh năm 1983, ngụ tỉnh Bình Thuận) và hai thẻ ATM ngân hàng cũng tên L.Đ.C.. Quang bảo do đánh bài ăn tiền thua nên chủ nhân bộ giấy đem cầm chỗ Quang.

Quang cũng khẳng định người cầm bộ giấy tờ trên sẽ không đòi lại. “Em gọi điện bảo chuộc người ta không bắt máy, giống như số điện thoại người ta chặn… Em cầm năm ngày mà nay 15 – 20 ngày rồi, em có quyền mà (!?)” – Quang phân bua.

Không chỉ căn cước công dân cùng nhiều giấy tờ tùy thân mà nhiều dữ liệu cá nhân (như ảnh chụp căn cước công dân, hộ chiếu, bằng lái xe…) cũng đang bị rao bán tràn lan trên mạng.

Nam thanh niên dùng tài khoản tên H.P.Đ. báo giá 500 bộ ảnh (mỗi bộ gồm ảnh hai mặt căn cước công dân kèm ảnh chân dung người có tên trên thẻ) là 1 triệu đồng, nếu mua 1.000 bộ thì giá giảm còn 1,6 triệu đồng.

Nếu đồng ý giao dịch, thanh niên này sẽ lần lượt gửi trước một số bộ ảnh thông qua một ứng dụng, bên mua sẽ chuyển tiền sau. Thanh niên này cũng báo giá 2 triệu đồng đối với 100 bộ ảnh gồm ảnh hai mặt căn cước công dân kèm chân dung, bằng lái xe. “Nếu bạn lấy thường xuyên mới bớt, giao dịch lần đầu giá như thế là rẻ nhất rồi” – thanh niên này bảo.

Trao đổi với phóng viên báo Tuổi Trẻ, lãnh đạo Phòng cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC06) Công an TP.HCM cho biết việc mua bán thẻ căn cước, căn cước công dân, giấy tờ tùy thân là hành vi vi phạm pháp luật.

Theo nghị định 144/2021/NĐ-CP, người vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 4 – 6 triệu đồng. Bên cạnh đó, người vi phạm còn bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

Hành vi mua bán thẻ căn cước, căn cước công dân gắn chip tiềm ẩn nguy cơ lộ lọt thông tin cá nhân quan trọng và có thể bị các đối tượng lợi dụng để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật như sử dụng vay tiền online, đăng ký thuê bao điện thoại, đăng ký mã số thuế ảo, tài khoản ngân hàng…

Do đó, để thực hiện tốt công tác phòng ngừa các loại tội phạm như trên cũng như bảo vệ tốt các loại giấy tờ tùy thân trong đó có thẻ căn cước, căn cước công dân, cơ quan công an khuyến cáo người dân cần phải bảo vệ tốt thông tin cá nhân.

Cụ thể là bảo quản tốt các giấy tờ cá nhân; không được tiết lộ thông tin quan trọng như số căn cước, căn cước công dân, số CMND, số tài khoản ngân hàng hoặc mật khẩu; tuyệt đối không cho người lạ mượn, chụp, cầm cố thẻ căn cước, căn cước công dân; không được cho thuê, mua bán căn cước, căn cước công dân; không đăng tải, chia sẻ hình ảnh thẻ căn cước, căn cước công dân có gắn chip điện tử lên mạng xã hội.

Bích Ngân 

Bài mới
Đọc nhiều