+
Aa
-
like
comment

Cần có quy định để những cá nhân làm từ thiện có thể ‘an tâm cống hiến’

Đỗ Mạnh - 22/10/2020 16:04

Cơn lũ tại miền Trung đang hàng ngày, hàng giờ tàn phá tài sản và cướp đi sinh mạng của hàng trăm người dân vô tội. Tiếng kêu cứu của đồng bào thấu đến tận trời cao và động chạm đến hàng triệu con tim người dân việt Nam.

Hình ảnh Thủy Tiên chèo thuyền đến vùng ngập lụt sâu để tặng quà.

Để cứu hộ kịp thời đồng bào khỏi cơn hoạn nạn, những người nổi tiếng trong giới giải trí Việt đã bằng tâm huyết của mình, vận động những người hảo tâm trong toàn quốc để ủng hộ đồng bào một cách rất hữu hiệu.

Trong những tình trạng khẩn cấp, nếu không kịp thời cứu trợ thì những đồng bào có thể chết vì đói, vì rét, vì đuối nước. Nếu Chính phủ hoặc các cấp chính quyền, hoặc các nhà hảo tâm không có những biện pháp kịp thời, người dân có thể bị thiệt hại rất lớn, không bảo toàn được tính mạng. Trong những trường hợp khẩn cấp như thế, về mặt nhà nước, để bảo đảm các thủ tục cần thiết thì mọi quyết định cứu giúp cần phải được phê duyệt, nhất là những vấn đề liên quan đến kinh phí lớn. Sau khi được phê duyệt, lại còn phải còn xây dựng kế hoạch cứu trợ, bao gồm nhân sự, phương tiện đi lại, cách tổ chức chi viện cho các địa phương, cách phân phát đến bà con trong vùng lũ.

Trong khi đó, với những nhà hảo tâm có thể chỉ sau vài phút kêu gọi trên các phương tiện thông tin đại chúng, chỉ sau một vài ngày, số tiền thu được có thể lên đến hàng chục tỷ, thậm chí hàng trăm tỷ. Việc tổ chức đi cứu trợ cũng được tổ chức hết sức khẩn trương và kịp thời, hỗ trợ đúng và trúng đối tượng.

Ưu điểm trong công tác cứu trợ của những nhà hảo tâm là nhanh chóng kịp thời, trợ giúp đúng và trúng. Nhưng cái khó đối với nhà hảo tâm là vì nhanh và khẩn trương nên việc ghi chép cho các khoản viện trợ chắc chắn trong hoàn cảnh đó là khó thực hiện. Những người ủng hộ tiền đã tin và ủy quyền cho những cá nhân được họ chọn. Những người ủng hộ có quyền yêu cầu minh bạch những vấn đề thu chi. Tuy nhiên nếu người gửi tiền ủng hộ không có ý kiến và hoàn toàn đặt niềm tin vào những người họ yêu mến thì coi như mọi chuyện ổn thỏa và hình thức quyên góp quỹ này nên được khuyến khích.

Còn hình thức quyên góp thông qua các tổ chức từ thiện như qua mạng điện thoại, ủng hộ trực tiếp thông qua khu phố, cơ quan xí nghiệp thường diễn ra rất chậm. Nếu trong tình trạng khẩn cấp thì việc quyên góp này nhìn chung mang tính khắc phục hậu quả là nhiều chứ không mang tính khẩn cấp, vì vậy công tác cứu hộ thường không đáp ứng kịp thời nhu cầu của đồng bào vùng gặp thiên tai.

Mặt khác, công tác tổ chức cứu trợ của hình thức này cũng rất chậm, bộ máy cồng kềnh nên công tác cứu trợ thường không kịp thời. Mặt khác quá trình luôn gặp những vấn đề không minh bạch nên dân không tin tưởng. Trên thực tế, có nhiều tổ chức cứu trợ đã xuất hiện tình trạng ăn bớt tiền cứu trợ, dân không nhận được những phần cứu trợ như mong muốn. Tuy nhiên hình thức này lại được coi là hợp pháp vì được nhà nước thành lập có người ghi chép đầu ra, đầu vào và cân đối sổ sách. Tuy rằng nhiều người không tin vào những con số ghi chép nhưng dẫu sao cũng là cơ sở cho việc quyết toán.

Đứng trước những vấn đề nêu trên, để khuyến khích động viên nhân dân phát huy tinh thần lá lành đùm lá rách, cứu giúp nhân dân kịp thời trong những trường hợp khẩn cấp, thiết nghĩ nhà nước nên có những quy chế đặc biệt để thu hút những người có tiếng nói trong dân chúng phát huy được khả năng thu phục đông đảo đồng bào ra tay cứu giúp nhân dân. Đồng thời có quy định giúp những người có thiện chí luôn phấn khởi và hăng say làm việc thiện mà không sợ bị vướng vào những quy định của pháp luật.

Có thể trong những trường hợp như thế có thể có những quy định để phối hợp tổ chức đi cùng những nhà hảo tâm để giúp họ về phương tiện, cách thức phân phát hàng cứu trợ và hỗ trợ họ về mặt pháp lý một cách tự nguyện để đưa hàng cứu trợ đến nhân dân một cách minh bạch nhất.

Dân ta có truyền lá lành đùm lá rách. Với đồng bào, nhân dân luôn hết mình và toàn tâm toàn ý, nhưng dân sợ nhất là không minh bạch, chậm trễ. Dân tin ai, thiết nghĩ nhà nước nên hỗ trợ pháp lý để người đó được làm việc, được cống hiến. Chứ đừng mang những nghi kỵ mà dập tắt những đám lửa hồng hiếm hoi trong những đêm đông giá lạnh mà để những người dân phải chết vì sự tỵ nạnh vì mất lòng tin ở con người và vì sự đố kị trong xã hội.

Đỗ Mạnh

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Bài mới
Đọc nhiều