+
Aa
-
like
comment

Cần chủ động, linh hoạt trước động thái quá đà của FED

Huy Hoàng - 14/07/2022 10:42

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất với lý do chính là kiềm chế lạm phát, nhưng nguyên nhân gây ra lạm phát cao tại Mỹ cũng như trên khắp thế giới trong gần một năm qua chủ yếu do sự đứt gãy của chuỗi cung ứng. Trước đó, năm 2021 FED đã từng dự đoán sai khi khẳng định chắc nịch, lạm phát nếu có xảy ra thì cũng chỉ là vấn đề nhất thời và rằng nó sẽ mau chóng qua đi. Chính vì thế, những lần tăng lãi suất của FED sắp tới đây càng khiến cho giới tài chính nghi ngờ về khả năng “hãm phanh” lạm phát của họ.

Có ý kiến cho rằng, một khi các nút thắt chính gây tắc nghẽn chuỗi cung ứng vẫn chưa được tháo gỡ, thì việc thắt chặt van tiền của FED chỉ càng làm gia tăng nguy cơ đẩy nền kinh tế Mỹ vào suy thoái. Các doanh nghiệp Mỹ sẽ ngại vay vốn do mặt bằng lãi suất cao, điều này có thể buộc họ phải cắt giảm đầu tư, cuối cùng gây tổn hại cho người lao động và thị trường việc làm. Thị trường việc làm bị sụt giảm thì nhu cầu tiêu thụ hàng hóa sẽ giảm theo, tạo thành một vòng tròn ác tính mang tên suy thoái giáng xuống đầu nền kinh tế Mỹ.

Chủ tịch Fed Jerome Powell đã phát tín hiệu về một đợt tăng lãi suất mạnh tay khác vào tháng 7.

Tóm lại, nguồn cung nguyên liệu bị đứt gãy mới là nguyên nhân chính đẩy lạm phát tăng cao. Nên việc siết chặt van tiền của FED rất đáng lo ngại. Tác động mà nó gây ra có thể sẽ không ở riêng nước Mỹ, mà các nền kinh tế lớn nhỏ trên thế giới vốn phụ thuộc vào đồng USD cũng đều bị tổn thương.

Cuộc chiến tiền tệ của các Ngân hàng Trung Ương trên thế giới

Hệ lụy tiêu cực đầu tiên đã thấy rõ chính là hoạt động nhập khẩu của các quốc gia đang bị ảnh hưởng. Khi đồng USD vọt tăng nhưng đồng nội tệ các nước thì bị tụt giá, sẽ khiến các doanh nghiệp phải bỏ nhiều tiền hơn để mua nguyên liệu sản xuất. Chưa kể giá cả vốn cũng đã rất cao do nguồn cung khan hiếm và thiếu hụt. Các nhà kinh tế dự báo rằng FED sẽ tăng lãi suất rất mạnh trong tháng 7 này, lên 0.75%, thậm chí cũng có thể là 1%. Và vì thế, để bảo vệ các doanh nghiệp, các nước Anh, Pháp, Nhật, … vừa qua đều đã hút ròng nội tệ bằng cách đua nhau tăng lãi suất. Họ buộc phải nâng giá trị đồng nội tệ mình lên so với đồng USD, không thì các khoản nợ nước ngoài phải trả, hay việc chi trả cho các mặt hàng cần nhập khẩu đều sẽ gây gánh nặng lên nền kinh tế.

Ở Việt Nam, dù VND vẫn là một trong những đồng tiền mất giá ít nhất trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Song, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã không thể đứng ngoài cuộc. Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã bán ra khoảng 12-13 tỷ USD, tương đương hơn 11% mức dự trữ ngoại hối đỉnh điểm vào cuối tháng 1. Đồng thời, trong tháng 6, Ngân hàng Nhà nước đã khởi động lại kênh hút tiền thông qua nghiệp vụ bán tín phiếu. Tuy nhiên, dù đã liên tục hút ròng VND qua kênh bán ngoại tệ và thị trường mở, chênh lệch dương giữa lãi suất USD và VND trên thị trường liên ngân hàng vẫn tiếp tục gia tăng. Do đó, Ngân hàng Nhà nước vẫn đang theo dõi sát sao thị trường, và không loại trừ khả năng quyết định nâng lãi suất điều hành khi cần thiết. Dù rằng Chính phủ Việt Nam không hề muốn thắt chặt dòng tiền khi mà nền kinh tế đang rất cần dùng tới nó để hồi phục hậu đại dịch, song, không còn cách nào khác khi đồng tiền chung cho mọi quốc gia lại đều phụ thuộc vào quyết định của duy nhất một Ngân hàng Trung ương tại Mỹ.

Lúc này cần nhất là sự linh hoạt

Mặc dù vậy, trong “trận chiến” này, Chính phủ vẫn là chủ thể chính gánh vác trọng trách duy trì lãi suất thấp cho doanh nghiệp.

Hậu đại dịch nhu cầu tín dụng cao, nên vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã bất ngờ thông báo điều chỉnh nâng giá bán USD từ 23.250 VND lên 23.400 VND, đồng thời chuyển từ giao dịch bán ngoại tệ kỳ hạn 3 tháng sang bán giao ngay. Động thái bán ròng ngoại tệ giao ngay trong ngày như vừa qua chính là cách mà chính phủ đang dùng để ổn định cho bằng được tỷ giá VND/USD, trong khi vẫn bảo vệ được nhu cầu vay vốn doanh nghiệp, thay vì nâng lãi suất điều hành thô bạo như ở nhiều quốc gia.

Việc bán ròng ngoại tệ sẽ tránh tối đa việc tăng lãi suất, từ đó giúp các doanh nghiệp vay được vốn với lãi suất ưu đãi. Nên hơn bao giờ hết, ngoại tệ đang là chìa khóa quan trọng nhất vào lúc này.

Một tín hiệu vĩ mô có thể xem là lạc quan sắp tới đây, chính là việc tăng lãi suất trên thế giới sẽ không kéo dài quá lâu do các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới cũng không thể tăng quá mạnh lãi suất khi nền kinh tế của họ rơi vào suy thoái. Các nước rồi sẽ phải tìm cách khôi phục lại nguồn cung hàng hóa, chứ không thể mãi chạy theo FED để nâng lãi suất. Bởi nguyên nhân gây lạm phát, như đã nói ở trên không phải do chính sách tiền tệ. Do đó áp lực lên tỷ giá giữa VND/USD sẽ có thể đạt đỉnh trong vài tháng tới, khi mà các quốc gia đều đồng loạt nỗ lực khôi phục lại chuỗi cung ứng. Còn lúc này, việc bán ra ngoại tệ rất quan trọng, chỉ cần điều tiết đủ để giữ tỷ giá ổn định đi qua được giai đoạn bất ổn nhất này, nền kinh tế Việt Nam sẽ giữ được đà tăng trưởng rất ổn định.

Khi giữ được mặt bằng lãi suất vừa phải, sẽ thúc đẩy quá trình phục hồi của các doanh nghiệp nhanh hơn. Từ đó sẽ giúp Việt Nam chớp lấy được những cơ hội mà các nước khác đã bỏ rơi trong thời đại dịch. Trong đó có những thị trường nước ngoài đang trống trải, rất cần sản phẩm Việt Nam lấp đầy. Giai đoạn này, nền kinh tế nước nào phục hồi càng nhanh, thì quốc gia đó càng tiếp cận được sớm những hợp đồng về kinh tế.

Cuối cùng vẫn là bài toán quản lý, dù lãi suất không tăng mạnh, nhưng đã qua rồi cái thời kỳ tiền rẻ, bán ngoại tệ ra thì là hút nội tệ về, nên khi tiền chảy vào nền kinh tế thì phải tạo ra được hàng hóa, sản phẩm, công ăn việc làm. Chính vì vậy, yêu cầu cấp bách là chính phủ cần ban hành các chính sách chặt chẽ hơn khi cho vay theo từng lĩnh vực, tránh việc lượng cung tiền đã ít mà còn lại chảy vào tay các nhà đầu cơ.

Huy Hoàng

Bài mới
Đọc nhiều