Cần chính sách thu hút nhân lực ngành bán dẫn ở nước ngoài
5 năm tới, ngành bán dẫn Việt Nam cần 50.000 kỹ sư trong đó TP.HCM chiếm 80% nhưng đào tạo không kịp, phải có chính sách thu hút từ nước ngoài về, theo TS Trần Du Lịch.
Nội dung được TS Trần Du Lịch nêu tại hội nghị khoa học tái cơ cấu ngành công nghiệp thành phố do Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM và Sở Công thương tổ chức, ngày 11/10.
Việt Nam được đánh giá là thị trường tiềm năng của ngành sản xuất chip và linh kiện bán dẫn. Theo công ty nghiên cứu Technavio, thị trường chất bán dẫn tại Việt Nam dự kiến tăng 1,65 tỷ USD trong giai đoạn 2021-2025, với tốc độ tăng trưởng khoảng 6,5% mỗi năm. Những năm qua, một số tập đoàn lớn của thế giới đã đã đầu tư sản xuất chip bán dẫn tại Việt Nam như Intel, Samsung, Synopsys. Các doanh nghiệp trong nước bắt đầu tham gia nghiên cứu, sản xuất chip phục vụ nhu cầu nội địa và hướng đến xuất khẩu như FPT, Viettel.
Mặc dù các nhà máy bán dẫn ở Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ, thu hút đầu tư nước ngoài trong thời gian qua nhưng rào cản lớn nhất hiện nay đối với ngành là thiếu lao động có tay nghề cao.
Theo TS Lịch, 5 năm tới ngành công nhân bán dẫn của Việt Nam cần khoảng 50.000 kỹ sư, riêng TP.HCM là 40.000 người. Điều này tương đương mỗi năm cả nước cần 10.000 người nhưng nguồn nhân lực trong nước chỉ đáp ứng được 20%.
“Đào tạo không kịp thì nguồn ở đâu ra”, TS Trần Du Lịch đặt câu hỏi. Theo ông để giải bài toán này cần có chính sách thu hút nhân lực sẵn có ở các nơi về thành phố.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng ban quản lý Khu Công nghệ cao TP.HCM, cho rằng nhiều năm qua, xét trong quy mô đất nước, thành phố luôn là nơi thu hút nhân tài. “Cần mở rộng ra cần có chính sách thu hút người giỏi trên thế giới đến thành phố làm việc”, ông Thi nói.
Theo ông Thi, trong ngành bán dẫn, vấn đề lớn chính là nguồn nhân lực. Do đó, thành phố cần có chính sách thu hút những kỹ sư trong ngành bao gồm cả người nước ngoài, người Việt đang làm việc ở nước ngoài trở về. Thành phố có thể miễn thuế thu nhập cá nhân 50-100% cho họ trong ít nhất 5 năm đầu.
TS Lịch cho rằng hiện thành phố đứng trước cơ hội rất lớn để thu hút “đại bàng ngành bán dẫn, thiết kế vi mạch”. “Nhiều chuyên gia nhận định thành phố như một cái bánh nóng rất hấp dẫn tuy nhiên nếu làm không khéo bánh sẽ nguội là mất cơ hội”, ông Lịch nói.
Theo chuyên gia, thành phố cần có chính sách phù hợp thu hút nhà đầu tư. Khi các ngành công nghệ cao đến thành phố đủ nhiều thì tự động những ngành thâm dụng lao động, thâm dụng đất sẽ bị thay thế. Lúc đó, các vấn đề về thiếu quỹ đất, giá thuê đất cao không còn là vấn đề khi thu hút đầu tư vào thành phố.
Việt Nam được đánh giá có hệ sinh thái bán dẫn phát triển nhanh, tiềm năng nâng cao vị trí trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Theo thống kê hồi tháng 2 của Cục Thống kê Dân số Mỹ, doanh thu chip từ Việt Nam nhập khẩu vào thị trường Mỹ tăng 74,9%, từ 321,7 triệu USD trong tháng 2/2022 lên 562,5 triệu USD sau một năm, chiếm 11,6% thị phần.
Đóng vai trò quan trọng trong ngành bán dẫn toàn cầu, nhưng Việt Nam chủ yếu tập trung vào lắp ráp, thử nghiệm và đóng gói. Theo các chuyên gia nhân lực bán dẫn là thách thức với Việt Nam trong việc nâng cao giá trị trong chuỗi cung ứng chip. Hiện, đội ngũ kỹ sư của Việt Nam chỉ khoảng 5.000 người, bị đánh giá là rất nhỏ so với thị trường trăm tỷ USD này.
Đông Duy