+
Aa
-
like
comment

Cần chấm dứt tình trạng, doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu càng bán càng lỗ

Diệu Hương - 28/09/2022 17:30

Mức chiết khấu của doanh nghiệp đầu mối cho doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu ở mức rất thấp, khoảng 0 đồng/lít, thậm chí có thời điểm chiết khấu âm. Tình trạng này đẩy nhiều doanh nghiệp bán lẻ vào cảnh càng bán càng lỗ, thậm chí đứng trước nguy cơ phá sản. Tại sao lại như vậy?

Khách hàng đổ xô về cây xăng của Doanh nghiệp xăng dầu Quý Điều để mua hàng do một số cây xăng khác trên địa bàn huyện đóng cửa (Ảnh: Uy Nguyễn).

“Càng bán càng lỗ” có phải là sự thật?

Trả lời cho câu hỏi trên, các chuyên gia kinh tế cho biết, tổng chi phí cho 1 lít xăng, dầu từ khâu vận chuyển, kho đầu nguồn đến khâu bán lẻ tại cửa hàng dao động từ khoảng 1.130 đồng đến 1.341 đồng đối với từng mặt hàng. Chỉ tính riêng tiền lương và các khoản bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp và kinh phí công đoàn cho người lao động, chi phí của cửa hàng đã rơi vào khoảng tối thiểu 300-350 đồng/lít. Điều đó khiến các doanh nghiệp, đại lý bán lẻ xăng, dầu không thể bù đắp chi phí, càng bán càng lỗ.

Phân tích kỹ hơn về vấn đề này, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cho biết, các doanh nghiệp bán lẻ lỗ trong trường hợp:

Một là giá xăng dầu mua theo kỳ hạn chứ ít khi mua ngay vì mua ngay thì thường giá đắt và không có kế hoạch về vận chuyển, vận tải, các chi phí khác… khiến việc mua ngay chi phí hoa hồng, môi giới và các chi phí vận chuyển rất cao dẫn đến giá rất cao. Theo thông lệ quốc tế, thường các doanh nghiệp mua xăng dầu kỳ hạn, thường là 1 tháng, 3 tháng hoặc 6 tháng. Trong bối cảnh giá biến động, nhiều doanh nghiệp chọn hình thức mua giao ngay, nhưng “giao ngay cũng không trở tay kịp với mức biến động liên tục của giá nhiên liệu toàn cầu”, ông Thịnh cho biết.

Ví dụ, cuối tháng 8 vừa qua, giá dầu diesel bán buôn theo giá Singapore đắt hơn giá bán trong nước đến 2.000 đồng/lít. Nếu mua hàng theo hợp đồng giao ngay, đầu mối nhập khẩu bị lỗ 2.000 đồng/lít, nên họ nhập cầm chừng hoặc tạm ngưng nhập. Thế nhưng, nếu không có hàng bán, đóng cửa hàng, đóng công ty thì bị phạt, mức phạt cao nhất là thu hồi giấy phép kinh doanh. Tình huống đó đã buộc các doanh nghiệp chọn cách “găm hàng” và tìm cách đẩy lượng xăng dầu đã mua giá thấp trước đây sang nguồn hàng dự trữ.

Hai là, doanh nghiệp đầu mối lỗ, thậm chí lỗ nặng thì họ tìm cách đẩy rủi ro đó và yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ chịu cùng. Vì thế mới có việc chiết khấu 0 đồng và chiết khấu âm. Thông thường, mức chiết khấu như hiện nay được tính đó là mức chiết khấu vận tải 250-300 đồng/lít; chiết khấu định mức kinh doanh từ 650- 700 đồng/lít. Như vậy, chiết khấu thông thường từ 900 đến 1.000 đồng/lít là hợp lý. Doanh nghiệp bán lẻ mua về chiết khấu 0 đồng và vẫn phải bán theo giá Nhà nước quy định. Như vậy, rõ ràng doanh nghiệp bán lẻ chịu lỗ dù cho doanh nghiệp có tiết giảm chi phí vận tải, tiết giảm chi phí kinh doanh định mức thì cũng lỗ 500-600 đồng/lít. Đây là lý do của việc “càng bán càng lỗ”. Thậm chí, doanh nghiệp xăng dầu đầu mối quá lỗ, họ không bán nữa hoặc bán nhưng với điều kiện doanh nghiệp bán lẻ tự chịu vận chuyển. Doanh nghiệp bán lẻ chịu chi phí vận tải này đồng nghĩa họ chịu chiết khấu âm.

Nhiều cây xăng trên địa bàn Đắk Lắk treo biển hết xăng dầu (Ảnh: Uy Nguyễn).

Cần nhìn thẳng vào những bất cập trong điều hành, quản lý xăng dầu

Thực tế trên cho thấy, các cơ quan quản lý nhà nước cần nhìn thẳng vào những bất cập trong điều hành, quản lý xăng dầu để tháo gỡ ngay. Chỉ có như vậy thị trường này mới hết “nóng – lạnh” bất thường như thời gian qua. Từ đầu năm đến nay, trước diễn biến khó lường của thị trường xăng dầu, Chính phủ đã nỗ lực giảm thuế, điều tiết quỹ bình ổn một cách linh hoạt để ổn định giá mặt hàng chiến lược này. Qua đó, tránh ảnh hưởng quá lớn đến người dân và nền kinh tế.

Thế nhưng, thực tế là nhiều công ty xăng dầu cầm cự không nổi vì công thức tính chi phí không sát với diễn biến thực tế, cùng với đó là thời gian điều chỉnh giá xăng dầu chưa phù hợp với giá thị trường thế giới. Hệ quả là nhà kinh doanh xăng dầu lỗ và xuất hiện tình trạng “găm hàng”, tạo khan hiếm giả. Các cây xăng giờ đây rơi vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan: Càng bán càng lỗ, còn đóng cửa thì bị chế tài từ cơ quan nhà nước, thậm chí bị tước giấy phép kinh doanh.

Một giải pháp để “tháo nút thắt” trong thời gian sớm nhất đang là điều hơn 17.000 đơn vị kinh doanh  xăng dầu trên cả nước mong đợi, không chỉ để giải bài toán “càng bán càng lỗ”, mà còn để đảm bảo an sinh xã hội cho hàng trăm nghìn người lao động.

Diệu Hương

Bài mới
Đọc nhiều