Cần cấp tốc chuẩn bị kịch bản trước khi biến chủng mới xuất hiện
Tình hình dịch Covid-19 đợt 4 cơ bản đã được kiểm soát ở TP.HCM xong nguy cơ xuất hiện chủng mới là hoàn toàn có thể bởi đã xuất hiện chủng mới nguy hiểm hơn Delta đang lan rộng ra các nước châu Âu. Vì vậy, việc chuẩn bị kịch bản để ứng phó với tình huống biến chủng mới xuất hiện và không đáp ứng vaccine hiện tại là vô cùng cấp thiết.
Ông Thức nhấn mạnh việc nhìn lại này như xem một trận đấu đã biết tỷ số; do đó, việc đánh giá cần khách quan, không vì mục đích phê phán mà để rút kinh nghiệm nếu dịch không may trở lại.
Trao đổi với PV, vị bác sĩ nêu ra nhiều cái khó của ngành y khi các chính sách được thiết kế trong điều kiện bình thường không còn phù hợp trong và sau đại dịch. TP.HCM cần sớm rút ra bài học, vừa để chuẩn bị cho giai đoạn tới, vừa truyền kinh nghiệm cho các tỉnh, thành bạn để tránh tình trạng lúng túng lặp lại.
Nếu dịch trở lại, cần làm gì?
– Hiện, dịch bệnh tại TP.HCM đã cơ bản được kiểm soát và thành phố tập sống thích ứng với Covid-19. Theo ông, trong tình hình hiện tại, tiến độ mở cửa của TP.HCM nên thế nào?
– Sau khi ngưng hoạt động thời gian quá lâu thì tâm lý chung của một số người là mong muốn mở lại sớm. Nhưng với tình hình dịch này, việc mở cửa nên áp dụng đúng theo Nghị quyết 128 của Chính phủ, không nên chủ quan, mở vội quá. Thế giới hiện đã có biến chủng mới, nếu chủ quan, dịch có thể trở lại.
Việc siết quá là không cần thiết, đặc biệt khi Tết sắp đến, nhưng mở quá cũng không được.
TS Nguyễn Tri Thức
Thành phố đang chịu 2 sức ép, một là phát triển kinh tế; hai là một bộ phận người dân có tâm lý muốn bung ra sau thời gian dài giãn cách. Việc cân bằng hai tâm lý này rất quan trọng, không nên vì sức ép kinh tế mà có tâm lý bung quá sớm, hậu quả là thiệt hại nhiều hơn.
Hiện, tôi nhận thấy chính sách của TP.HCM là hợp lý và có đánh giá toàn diện theo Nghị quyết 128, mở cửa từng bước phù hợp. Việc siết quá là không cần thiết, đặc biệt khi Tết sắp đến, nếu mở quá cũng không được. Do đó, cần cân nhắc thời điểm nào mở đến đâu.
– Trong lúc này, ngành y tế cần làm gì để chuẩn bị cho giai đoạn bình thường mới?
– Tôi từng nêu ý kiến nên có một buổi họp giữa Thành ủy, UBND, Sở Y tế, giám đốc các đơn vị và giám đốc trung tâm hồi sức Trung ương để đánh giá toàn diện. Cuộc họp nên mời những người thực sự tham chiến, không thể làm chung chung, giờ không phải lúc để nói lý thuyết.
Mục tiêu là tổng kết những gì đã diễn ra, phân tích sâu sắc hạn chế, nguyên nhân khách quan, chủ quan. Từ kết quả này, thành phố mới có căn cứ xây dựng kịch bản cho bình thường mới.
Ví dụ, khoảng 2 tuần đầu khi dịch bùng phát, mình rất lúng túng. Giờ phải nhìn lại và phân tích xem lúng túng vì điều gì và giả sử dịch quay trở lại, cần làm gì để không lúng túng nữa.
– Phải chăng giai đoạn đó, TP.HCM lúng túng vì còn đánh giá chủ quan nguy cơ của dịch?
– Giai đoạn đó, không ai chủ quan hết, vấn đề là dịch lây lan quá nhanh khiến mình trở tay không kịp.
Tôi cho rằng không nên phê phán quá bởi đại dịch là “tai nạn” của nhân loại, chưa có tiền lệ.
TS Nguyễn Tri Thức
Trong 2-3 tuần đầu, thành phố đúng là có bối rối trong điều phối bệnh, và năng lực y tế cơ sở khi đó quá tải. Sau đó, thành phố lấy lại cân bằng và các hoạt động đi vào nền nếp. Đến nay, thực tế, tỷ lệ tử vong của Việt Nam so với những nước có nền y tế tương tự ở mức trung bình, không cao.
Thực ra, thời điểm này nhìn lại giống như đã biết tỷ số một trận đấu bóng đá. Việc đánh giá tại sao không làm thế này, tại sao bỏ lỡ tình huống kia là không khách quan. Tôi cho rằng không nên phê phán quá bởi đại dịch là “tai nạn” của nhân loại, chưa có tiền lệ. Tất cả là lần đầu tiên. Đừng quy trách nhiệm và đổ lỗi cho ai bởi thời điểm đó ai cũng lúng túng. Điều cần làm là sửa, điều chỉnh và không để tái diễn.
Việt Nam cần chuẩn bị
– Ông vừa nói giai đoạn đầu, thành phố có bối rối trong công tác điều phối bệnh. Xin ông giải thích rõ hơn vấn đề này?
– Đầu tiên là điều phối. Khi đó, mình cứ nghĩ người bệnh mức nào phải vô tầng đó, nhưng người bệnh không suy nghĩ vậy. Bệnh mức độ nào là kiến thức y khoa, còn người dân đâu giống bác sĩ. Khi bệnh, họ lo lắng, ở tình trạng khó thở thì nơi nào tiện nhất họ sẽ vào.
Ví dụ, nhà người bệnh ở gần bệnh viện tầng 3, bắt người ta chạy vòng vòng vào đúng bệnh viện tầng 1 đâu được. Mình phải hiểu tâm lý người bệnh. Giai đoạn đầu rối chỗ đó. Phân tầng là đúng, nhưng phải chuẩn bị tinh thần là người bệnh có quyền vào bất kỳ chỗ nào, sau khi sơ cứu, cấp cứu xong thì có thể vận chuyển lại cho đúng tầng.
Thứ hai là chia tầng điều trị. Từ đầu, cá nhân tôi luôn ủng hộ 3 tầng điều trị vì khi chẻ nhỏ quá, người bệnh không hình dung hết được. Việc gì cấp bách thì càng ngắn gọn, càng dễ áp dụng càng tốt, không nên “chia 5 xẻ 7”.
Thứ ba là phối hợp giữa các tầng điều trị với nhau, phải phân địa bàn, liên kết lại và hội chẩn trực tuyến 24/24, đánh giá bệnh nhân nào phải chuyển tuyến liền.
Tham chiến từ đầu dịch tới giờ, tôi nhận thấy điều trị Covid-19 chỉ có hai vấn đề cốt yếu. Thứ nhất là thời điểm nào bệnh nhân được thở oxy, đây là mấu chốt chứ không phải thuốc. Thứ hai là thời điểm nào bệnh nhân được vận chuyển đúng tầng điều trị. Giải quyết được 2 thời điểm này đúng theo bệnh lý của người bệnh thì khả năng cứu được rất cao.
Ngay khi nhận bệnh viện hồi sức 1.000 giường, chiến lược của chúng tôi là phải đánh chặn từ xa. Đó là bệnh viện tuyến cuối, toàn bệnh nhân nặng và nguy kịch. Thế nhưng, nếu ngồi chờ bệnh nhân nặng rồi thở máy, can thiệp ECMO sẽ tốn nhiều nhân lực, vật lực, tài lực mà tỷ lệ cứu được bệnh nhân rất thấp, có bệnh nhân nằm 1-2 tháng cũng ra đi vì tình trạng bệnh quá nặng. Chúng tôi điều động bác sĩ xuống bệnh viện tầng 2 để điều trị ngay từ tuyến dưới, hạn chế bệnh nhân chuyển nặng.
– Có ý kiến cho rằng giai đoạn đầu thành phố nên nâng cao năng lực y tế cơ sở trước để “đánh chặn từ xa” thay vì lập bệnh viện hồi sức 1.000 giường. Ông đánh giá thế nào về ý kiến này?
– Tôi cho rằng nhận định này đến từ những người không tham chiến trực tiếp. Theo tôi, lập bệnh viện hồi sức 1.000 giường thời điểm đó là đúng. Bằng chứng là bệnh viện hồi sức vừa mở lập tức tiếp nhận hơn 300 bệnh nhân nặng, nguy kịch. Nếu không có bệnh viện đó, ai sẽ cứu bệnh nhân?
Lượng bệnh nhân nặng khi đó rất lớn, tăng lên ào ạt chứ không từng bước, đòi hỏi ngành y tế phải lập tức giải quyết, nếu đợi để nâng năng lực các tầng dưới sẽ không kịp.
Tỷ lệ tử vong của bệnh nhân nặng và nguy kịch ở bệnh viện hồi sức Covid-19 (tầng điều trị thứ 3) là khoảng 31%. Nhưng nếu không có bệnh viện đó thì liệu có cứu được 70% còn lại không?
Thực tế, trước dịch, trong hệ thống y tế của Việt Nam và các nước thì hồi sức cấp cứu là điều trị cá thể chứ không phải điều trị dịch bệnh. Do đó, không ai đi sắm ào ạt các thiết bị điều trị hồi sức cấp cứu, để sẵn đó chờ dịch. Như vậy là cực kỳ lãng phí. Đùng một cái xảy ra dịch thì đại dịch là tai nạn, đương nhiên sẽ có sự lúng túng.
– Trong dịch, nhiều tình huống “thời chiến” gặp phải khung pháp lý “thời bình” gây không ít khó khăn cho công tác chống dịch. Có khi nào ông gặp khó vì có vấn đề phát sinh trong thực tế nhưng chưa được quy định trong luật?
– Khi dịch xảy ra quá nhanh, chuyện cơ chế còn bất cập trong giai đoạn đầu chống dịch là bình thường. Quan trọng là sau đó giải quyết có kịp thời không.
Thời điểm mới thành lập bệnh viện hồi sức 1.000 giường, việc mua sắm khó, đấu thầu không kịp. Dù Luật Đấu thầu quy định trong trường hợp khẩn cấp được phép chỉ định thầu, khi đi sâu vào chi tiết có tình huống rất khó áp dụng.
Khi dịch xảy ra quá nhanh, chuyện cơ chế còn bất cập trong giai đoạn đầu chống dịch là bình thường.
TS Nguyễn Tri Thức
Chính các nhà tài trợ, doanh nghiệp, người dân đã “giải cứu” bệnh viện. Họ tới hỏi chúng tôi cần gì, mình chỉ việc nói là họ đi mua. Tài sản tư nhân nên họ mua sao cũng được, sáng nói, chiều có liền, còn đợi thủ tục thì không thể nhanh vậy.
Nhưng đó là giải quyết tình thế tức thời, sau đó, tôi kiến nghị vấn đề lên Bộ Y tế. Chính phủ và Bộ Y tế cũng liên tục tham khảo ý kiến các cơ sở. Kết quả là Quốc hội ban hành Nghị quyết 30 và Chính phủ ra Nghị quyết 79 về mua sắm thuốc, hóa chất, vật tư, trang thiết bị, phương tiện phục vụ phòng chống dịch Covid-19.
Ngoài trang thiết bị, việc điều động nhân viên khó áp dụng theo luật. Phụ cấp, chế độ cũng chưa hợp lý dù mỗi người làm việc gấp 5-10 lần ngày thường.
Ví dụ, người đang đi chống dịch mà thành F0, phải điều trị thì tính phụ cấp ra sao? Họ tham gia chống dịch theo lời kêu gọi của mình mà ốm, thế nhưng, theo quy định, áp dụng trường hợp bị ốm thông thường thì chỉ được hưởng 75% lương. Như vậy, người đi chống dịch làm việc vất vả, bị nhiễm bệnh, đã không được gì còn bị giảm lương. Vậy coi sao được!
Hay trường hợp người chống dịch phải cách ly y tế (do là F1, F2 hay ở trong khu phong tỏa), họ rất muốn đi làm nhưng không được. Mình chấm họ nghỉ phép đâu được, mà nếu chấm nghỉ ốm thì theo quy định bảo hiểm xã hội chỉ được hưởng 75% lương.
Bên cạnh đó, cũng phải xem lại việc công nhận liệt sĩ cho những người hy sinh trong chống dịch. Phức tạp hơn nhưng cần thiết là công nhận thương binh cho những người tham gia chống dịch nhưng bị nhiễm bệnh, suy giảm sức khỏe. Ví dụ, có những trường hợp chức năng phổi chỉ còn 1/3, teo cơ, khả năng lao động giảm sút thì cần có hội đồng đánh giá mức độ tổn thương để họ được công nhận thương binh.
– Vậy theo ông, trong giai đoạn mới, có nên xây dựng kịch bản cho tình huống khẩn cấp để khi xảy đến, toàn hệ thống chỉ cần “bật công tắc” ứng phó, tránh lúng túng như trước đây?
– Những quy định này thật ra đã có, vấn đề cần làm là hệ thống hóa lại vì lúc ban hành văn bản chỉ chạy theo để xử lý tình huống cấp bách. Đây là giai đoạn cuối dịch ở TP.HCM, cần có phân tích, đánh giá, nêu rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan một cách sâu sắc.
Ví dụ, đặt tình huống biến chủng mới, tốc độ lây lan nhanh hơn Delta mà không đáp ứng vaccine thì mình kích hoạt hệ thống thế nào? Hiện, quốc tế đã xuất hiện chủng Delta Plus, TP.HCM cần sớm xong kịch bản này để có thể chuyển giao kinh nghiệm cho các tỉnh, thành phía nam và Tây Nguyên, nơi đã nhá nhem dịch trở lại.
Điều may mắn của TP.HCM là vaccine đáp ứng với chủng nhiễm hiện tại. Nhưng nếu chủng mới không đáp ứng vaccine thì sao? Chúng ta cần tính tới cả con đường này.
Thư Vũ