+
Aa
-
like
comment

Cần cảnh tỉnh trước những phát ngôn của Trung Quốc!

20/09/2019 15:00

Mới đây, phát biểu trong cuộc họp báo thường kỳ 18/9 vừa qua, phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng một lần nữa nói “sàm” khi tố cáo Việt Nam vi phạm nghiêm trọng quyền và lợi ích của Trung Quốc khi tiến hành khai thác dầu khí đơn phương trong khu vực Bãi Tư Chính kể từ tháng 5 năm nay.

Sự phách lối của Trung Quốc luôn được lặp lại

Theo đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố các hoạt động của Trung Quốc trong các vùng biển dưới quyền tài phán của Trung Quốc ở Biển Đông là hợp pháp, hợp lý và không có gì phải phàn nàn. Đồng thời, nhấn mạnh Trung Quốc có chủ quyền tại Trường Sa và quyền chủ quyền, quyền tài phán tại khu vực Bãi Tư Chính kế đó và rằng điều này có cơ sở vững chắc về lịch sử và pháp lý.

“Chúng tôi muốn tiếp tục làm việc với phía Việt Nam để xử lý các vấn đề liên quan thỏa đáng thông qua các cuộc tham vấn hữu nghị,” ông Cảnh Sảng nói.

2-15593002652941179275648
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng lại lên giọng tố cáo Việt Nam xâm phạm chủ quyền biển đảo Trung Quốc mà không biết ngượng mồm

Còn nhớ, cách đây không lâu, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị mạnh miệng nói: “Tự do hàng hải không đồng nghĩa với tự do di chuyển lung tung. Trên thực tế, dựa trên nỗ lực của Trung Quốc và các quốc gia trong khu vực, Biển Đông là một trong những tuyến đường biển tự do và an toàn nhất thế giới”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh trước đây cũng trịch thượng: “Trung Quốc luôn luôn cho rằng, tất cả các nước, bất kể lớn nhỏ, đều là bình đẳng. Chúng tôi phản đối việc nước nhỏ bị bắt nạt bởi nước lớn… Chúng tôi tin rằng các nước nhỏ không nên đưa ra những yêu cầu không hợp lý”…

Những phát ngôn trên có điểm chung đó là trắng trợn và trịch thượng. Trắng trợn bởi từng nhiều lần dùng vũ lực để cướp đảo của “nước nhỏ” Việt Nam, từng có vô số lần cậy thế nước lớn gây hấn trên biển, từng lớn tiếng “đe dọa” rằng Trung Quốc là một nước lớn.

Phải nói rằng, trước giờ chính phủ Trung Quốc vẫn luôn tạo ra cho người dân nước này cảm giác Trung Quốc luôn là nạn nhân của giới truyền thông phương Tây (AP, CNN, BBC). Đối với họ thì truyền thông quốc tế luôn tường thuật sai lệch thiếu khách quan về Trung Quốc và cho đến nay người dân vẫn tin vào điều này. Hoặc, việc tìm kiếm, truy cập thông tin về biển Đông từ các website của Việt Nam gần như là không thể. Tức là, người dân chỉ được nhận thông tin “áp đặt có chủ ý”.

Rằng, Trung Quốc luôn tuyên truyền họ có chủ quyền đối với vùng biển này từ thời nhà Hán. Họ luôn muốn tạo cảm giác cho người dân là chủ quyền của họ ở vùng biển này có từ thời xa xưa, cách đây hơn 2.000 năm. Họ dùng “chủ nghĩa dân tộc” để làm mộng mị người dân, che khuất những tham vọng bá quyền vô lý của những chính sách vô lý mà họ đưa ra như “đường lưỡi bò”.

Trung Quốc “vẽ dư luận” một cách trắng trợn. Phổ biến nhất là truyền bá quan điểm của chính phủ trên các phương tiện đại chúng, các mạng xã hội như Weibo với thời lượng và mật độ dày đặc. Khi người dân Trung Quốc tiếp xúc với bất kỳ phương tiện truyền thông nào cũng thấy chỉ có một loại thông tin theo định hướng của chính phủ và làm cho họ dễ tin đó là sự thật.

Nhưng, chính người Trung đang đánh vào tư tưởng của dư luận quốc tế về một suy nghĩ “Trung Quốc là đám thâm độc hoang tưởng”, lừa gạt người u mê tin vào những việc “vừa ăn cướp vừa la làng” của chính quyền Trung Quốc hòng đánh lừa dư luận để dễ bề hợp thức hoá những quần đảo chiếm được của Việt Nam.

Và cần phải nhớ, những tham vọng của Trung Quốc ở Biển Đông đã bị Tòa Trọng tài quốc tế The Hague năm 2016 cũng đã bác bỏ. Theo phán quyết của Tòa, mọi yêu sách của Bắc Kinh đối với “đường lưỡi bò” là vô giá trị.

Dân tộc, đất nước Việt Nam không bán một “thước núi, tấc biển”

Câu chuyện thời gian qua, nhóm tàu khảo sát Hải Dương 08 của Trung Quốc đã và đang tiến hành hoạt động thăm dò tại vùng biển thuộc bãi Tư Chính vẫn đang làm nóng dư luận trong nước và quốc tế. Đây là vùng biển hoàn toàn của Việt Nam, được xác định theo đúng các quy định của Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982) mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên.

Theo Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển 1982, Bãi Tư Chính nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam Biển Đông.

Thực tế cả trên chính trường quốc tế lẫn thực địa, Trung Quốc chơi trò “chân lý thuộc về kẻ mạnh, vừa ăn cướp vừa là làng”! Trung Quốc luôn thể hiện lòng tham vô đáy, ngang ngược xuyên tạc, bịa đặt, nhận vơ thật không đúng với cách hành xử của nước lớn, càng không xứng với danh xưng họ tự nhận là trung tâm của thế giới.

Với chiến lược “đường lưỡi bò” của mình, người Trung tìm mọi cách chà đạp lên luật pháp quốc tế, chà đạp lên quan hệ với các nước láng giềng với những tàu chiến, tàu ngầm, tàu sân bay..v..v. Nhưng, có lẽ người Trung cần phải rõ ràng, tường tận lịch sử của dân tộc Việt Nam thành công trong suốt mấy nghìn năm chống xâm lược, đồng hóa, trong đó có các đời vua của Trung Quốc.

Nhân dân Việt Nam ta, Đảng và Nhà nước ta có đủ bản lĩnh, ý chí kiên cường và quyết tâm, cũng như có đầy đủ cơ sở lịch sử và pháp lý để đấu tranh bảo vệ chủ quyền đất nước. Không thể chấp nhận tình trạng cứ nước mạnh là không tôn trọng đạo lý và lẽ phải. Những bằng chứng lịch sử và pháp lý cho thấy, chính nghĩa thuộc về chúng ta. Thái độ của cộng đồng quốc tế là khá rõ ràng trong việc này.

Liên quan đến vấn đề này, người viết vẫn rất tâm đắc với quan điểm của nguyên Đại sứ Việt Nam tại Brunei, Viện trưởng Viện Biển Đông – Học viện Ngoại giao Nguyễ Trường Giang rằng: “Việt Nam sở hữu những vũ khí, những giá trị vô cùng quan trọng, trong đó có danh tiếng của mình. Danh tiếng của Việt Nam tương đương với 50 sư đoàn tinh nhuệ nhất trên thế giới”.

Thực tế ở Biển Đông cũng cho thấy, Việt Nam chúng ta đã tiến hành toàn diện đấu tranh ngoại giao cả song phương và đa phương; Đấu tranh ngăn chặn trên thực địa bằng lực lượng dân sự thực thi pháp luật; thông tin kịp thời, thường xuyên và chân thực, làm cho nhân dân ta và bạn bè thế giới hiểu rõ tình hình đang diễn ra.

Điều này cũng có nghĩa, chúng ta luôn sử dụng các biện pháp hòa bình, đồng thời yêu cầu Trung Quốc tỏ thiện chí giải quyết thỏa đáng vấn đề bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế và những thỏa thuận giữa Trung Quốc-ASEAN, Trung Quốc-Việt Nam. Biện pháp pháp lý cũng được sử dụng khi cần thiết để bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ của Tổ quốc.

Đảng và Nhà nước ta đang thực hiện các chủ trương và giải pháp đáp ứng nguyện vọng chính đáng, tha thiết của gần một trăm triệu đồng bào Việt Nam trong nước và mấy triệu đồng bào ở nước ngoài. Cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ là lâu dài, gian khổ, đòi hỏi chúng ta phải kiên quyết, nhưng phải bình tĩnh, kiên trì nhằm đạt hiệu quả.

Dù sao đi nữa, chúng ta vẫn phải cảnh tỉnh, tỉnh táo trước những phát ngôn “sàm”, mang tính trịch thượng của Trung Quốc. Đồng thời chúng ta phải luôn ghi nhớ lời của vua Lê Thánh Tông từng nói với triều thần đã được ghi rõ trong Đại Việt sử ký toàn thư: “Một thước núi, một tấc sông của ta, lẽ nào lại nên vứt bỏ? Ngươi phải kiên quyết tranh biện, chớ cho họ lấn dần. Nếu họ không nghe, còn có thể sai sứ sang phương Bắc trình bày rõ điều ngay lẽ gian. Nếu ngươi dám đem một thước núi, một tấc đất của Thái tổ làm mồi cho giặc, thì tội phải tru di!”

Bài mới
Đọc nhiều