Cận cảnh súp dơi bị nghi là nguyên nhân dịch viêm phổi lạ ở Vũ Hán
Nguồn năng lượng mới được xem như một giải pháp thay thế hiệu quả cho thủy điện, đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Ghi tên vào top thế giới
Theo công ty tư vấn quản lý toàn cầu McKinsey (có văn phòng đại diện ở 65 quốc gia), với dân số gần 100 triệu người, nhu cầu về điện của Việt Nam rất lớn và đang có xu hướng gia tăng.
Trước tình hình đó, năng lượng gió được xem như giải pháp thay thế hiệu quả cho thủy điện, thay vì phải mở rộng ngành nhiệt điện than.
McKinsey cho hay, Việt nam có tiềm năng đáng ghen tị về sức gió, với hơn 3.000km bờ biển và sức gió thổi trung bình từ 5,5 đến 8 m/s (không tính sự thay đổi theo mùa). Cơ hội lớn nhất để phát triển điện gió quy mô lớn nằm ở ngoài khơi.
Theo đánh giá của Ngân hàng thế giới (WB), tiềm năng điện gió ngoài khơi của Việt Nam ước tính lên tới 500 gigawatt, lớn gấp 200 lần công suất của nhà máy thủy điện Sơn La (2.400 megawatt, theo thống kê của Tập đoàn điện lực Việt Nam EVN 2020).
Trong khi đó, tờ Nikkei Asia (Nhật Bản) dẫn công bố của Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu (GWEC) năm 2021 cho biết, điện gió ngoài khơi của Việt Nam đang xếp thứ 3 thế giới sau Trung Quốc và Anh. Còn điện gió bờ của Việt Nam đứng thứ 4 thế giới, sau Trung Quốc, Mỹ và Brazil.
“Việt Nam – ‘người chơi mới’ với quy mô nhỏ hơn – đã thăng hạng đáng kinh ngạc vào năm 2021, xếp vị trí thứ 3 về công suất lắp đặt điện gió ngoài khơi, trong khi giữ vị trí thứ 4 về công suất điện gió trên bờ” – Nikkei Asia viết.
Đáng nói, chỉ 1 năm trước đó, Việt Nam thậm chí chưa có tên trong top 10 quốc gia đầu tư lắp đặt điện gió lớn nhất thế giới. Tuy nhiên hiện nay, thực tế đã khác.
“Thỏi nam châm” hút đầu tư nước ngoài
Trong bài viết đăng tháng 1 năm nay, Nikkei Asia cho biết, ngành điện gió ngoài khơi của Việt Nam đang thu hút đầu tư nước ngoài.
Hiện tại, các tập đoàn Nhật Bản và châu Âu đang có những động thái lớn để tiến vào lĩnh vực điện gió ngoài khơi của Việt Nam.
Theo Nikkei Asia, những cơn gió mạnh ngoài khơi bờ biển phía Nam Việt Nam đã biến nơi này trở thành một trong những địa điểm tốt nhất trong khu vực để khai phá tiềm năng gió ngoài khơi.
Việc Việt Nam cam kết đạt mục tiêu khử carbon hoàn toàn vào giữa thế kỷ này càng khiến quốc gia Đông Nam Á trở thành điểm đến hấp dẫn để các tập đoàn nước ngoài đầu tư vào cơ sở hạ tầng năng lượng tái tạo.
Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) đã công bố một dự án điện gió ngoài khơi tại Việt Nam trong tháng 9 năm ngoái. Tới tháng 12 cùng năm, họ đã tiến hành khảo sát để nghiên cứu các tuyến đường đặt cáp.
Sumitomo dự định sẽ bắt đầu vận hành trang trại gió với công suất từ 500 megawatt đến 1 gigawatt vào năm 2030. Nếu các kế hoạch ban đầu suôn sẻ, tập đoàn Nhật Bản sẽ đặt mục tiêu phát triển các dự án tiếp theo ở cả miền Bắc Việt Nam.
Sumitomo đã có kinh nghiệm phát triển các trang trại gió ngoài khơi ở châu Âu. Sản lượng các nhà máy của họ ở châu Âu (dựa trên tỷ lệ đầu tư) rơi vào khoảng 300 megawatt. Con số đó dự kiến sẽ tăng lên khoảng 600 megawatt khi bao gồm các dự án sắp tới.
Hiện tập đoàn này đang xem xét hợp tác với các công ty địa phương để thúc đẩy các dự án tại Việt Nam.
Sumitomo không phải là doanh nghiệp Nhật Bản duy nhất muốn tham gia vào thị trường năng lượng gió ngoài khơi của Việt Nam. Renova, tập đoàn chuyên về năng lượng tái tạo tại Tokyo, cũng đã thành lập cơ sở phát triển ở Việt Nam.
Tháng 4 năm ngoái, Renova đã ký biên bản ghi nhớ phát triển điện gió ngoài khơi với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Tập đoàn này cũng đang xem xét xây dựng một nhà máy điện nổi ngoài khơi.
Theo ông Kei Saiki, đồng trưởng bộ phận kinh doanh toàn cầu của Renova, tập đoàn Nhật Bản đã coi Việt Nam là “một trong những quốc gia quan trọng nhất” để phát triển năng lượng tái tạo.
Trong số các doanh nghiệp châu Âu thì Orsted (đến từ Đan Mạch) – tập đoàn năng lượng gió ngoài khơi lớn nhất thế giới – đang dẫn đầu xu hướng đầu tư vào lĩnh vực điện gió Việt Nam. Tập đoàn này đã bắt đầu xem xét dự án phát triển vào năm 2020 và đã ký biên bản ghi nhớ vào năm 2021 với Tập đoàn T&T của Việt Nam để phát triển nhà máy điện.
Dự kiến, Orsted sẽ cùng T&T bắt đầu các hoạt động tại nhà máy điện có tổng công suất 2 gigawatt trong năm 2030.
Tiềm lực gió của Việt Nam là điểm thu hút chính đối với các nhà đầu tư. Theo báo cáo của WB, sức gió tại một số khu vực ngoài khơi bờ biển phía nam Việt Nam có thể lên tới 10 m/s, trong khi thông thường, sức gió được đánh giá “khả thi để phát triển điện gió” là 8 m/s.
Ở Đông Nam Á, sức gió tại Việt Nam và Philippines rất lớn, trong khi gió quanh Malaysia và Indonesia yếu hơn.
Theo đại diện của Orsted, Việt Nam được đánh giá là “một trong những khu vực tốt nhất ở châu Á về năng lượng gió ngoài khơi”.
Bảo Trâm