+
Aa
-
like
comment

Cận cảnh một ngày thê thảm của người nghèo tại Châu Âu

Bảo Trâm - 29/03/2022 07:32

Trang Guardian cho biết, dù nổi tiếng là quốc gia giàu có bậc nhất trên thế giới, những người nghèo ở Anh và Đức vẫn đang chiếm tỉ lệ báo động. Họ liên tục kêu cứu vì thiếu lương thực, phải xin ăn ở lề đường, xếp hàng dài trước ngân hàng lương thực để xin chút ít đồ ăn…

Vào một ngày đẹp trời tháng 2/2022 tại vùng West End-Newcastle, một hàng dài người xếp hàng ở ngã tư Benwell Grove và West Road. Những người này không xếp hàng để tiêm vaccine Covid-19, cũng chẳng phải để xin việc hay mua sắm giảm giá, họ xếp hàng để xin lương thực viện trợ từ ngân hàng thực phẩm cho người nghèo (Food Bank).

Trên thực tế, dòng người này đã từng được quay phim từ năm 2015 với tác phẩm “I, Daniel Blake”, một bộ điện ảnh chỉ trích sự tàn nhẫn và thất bại của hệ thống an sinh xã hội Anh. Dòng người đó vẫn xếp hàng đều đặn 2 lần mỗi tuần trong suốt những năm qua kể từ khi bộ phim trên được phát hành vào năm 2016.

Khi tác phẩm đó được công chiếu, ngân hàng thực phẩm cho người nghèo chi nhánh Newcastle West End được điều hành bởi The Trussel Trust chỉ có 2 chi nhánh thì giờ đây chúng đã phải mở rộng lên 7 địa điểm. Nguyên nhân thì ai cũng biết, ngày càng nhiều người Anh rơi vào cảnh thiếu lương thực vì đại dịch, lạm phát và bất ổn địa chính trị khiến giá nhiên liệu phi mã.

Phóng viên của tờ The Big Issue đã có cuộc tác nghiệp một ngày hoạt động của ngân hàng thực phẩm cho người nghèo này. Họ có một nhóm 8 người tình nguyện viên được phân công nhiệm vụ rõ ràng để xếp thực phẩm và phân loại. Khoảng 10 phút trước giờ mở cửa, nhóm này tụ tập thành vòng tròn để nghe người quản lý Carole Rowland nhắc nhở: “Hãy nhớ một điều qua trọng rằng áp lực đói nghèo hiện nay đang rất lớn và chúng ta cần chú ý cao độ. Người dân đang tuyệt vọng và hãy chú ý cách cư xử”

Lời nhắc nhở của Rowland hoàn toàn đúng khi chi phí sinh hoạt tại Anh đã tăng mạnh vài tháng qua với tốc độ tên lửa, đẩy vô số người vào cảnh đói ăn. Trong tháng 1/2022, khảo sát của tổ chức Food Foundation cho thấy khoảng 1 triệu người lớn tại Anh đã phải nhịn đói qua ngày vì không đủ tiền mua lương thực.

“Tôi thực sự lo lắng cho sức khoẻ tinh thần của người dân, thế rồi lòng tự trọng của họ, rồi đến mạng sống của nhiều người trong giai đoạn khó khăn này”, quản lý Rowland than thở.

Tình hình tại Anh đang tồi tệ thấy rõ nếu nhìn vào 2.200 chi nhánh ngân hàng lương thực cho người nghèo trên toàn quốc. Tất cả mọi người đều lo sợ khi giá cả sẽ còn tăng tiếp vào tháng 4 tới đây.

10h sáng: Dòng người xếp hàng dài

Dòng người bắt đầu xếp hàng vào nhận phiếu tại bàn khi Rowland và phóng viên của The Big Issue ngồi gần đó. Những viên kẹo chocolate được đựng trong hộp phát cho lũ trẻ để động viên chúng trong mùa đông lạnh giá.

Tại thời điểm này, Rowland bắt đầu kể về lịch sử hình thành của họ. Theo đó, khu vực Newcastle Central vốn là nơi có tỷ lệ trẻ em nghèo đói cao nhất miền Tây Bắc Anh. Khoảng 50% số trẻ em tại đây sống trong cảnh nghèo đói và 14% số hộ gia đình đang phải sống ở dưới đáy xã hội.

Theo Rowland, tình hình đói nghèo tại đây chẳng cải thiện gì suốt bao năm qua bởi ngân hàng lương thực cho người nghèo chi nhánh này đã mở từ năm 2013 nhưng số người nghèo đến xin giúp đỡ chưa bao giờ giảm.

Thậm chí kể từ năm 2017, số người cần trợ giúp lương thực còn tăng mạnh hơn nữa. Đến trước đại dịch, số người xin hỗ trợ lương thực tại các chi nhánh của mạng lưới này đã đạt 42.000 người và tiếp tục tăng lên 52.000 tính đến thời điểm hiện tại.

Trong 5 năm qua, nhu cầu nhờ hỗ trợ với mạng lưới ngân hàng lương thực của The Trussel Trust đã tăng 5 lần. Giai đoạn tháng 4/2020-4/2021, tổ chức này đã gửi 2,5 triệu hộp nhu yếu phẩm ra toàn quốc với khoảng 1 triệu hộp là nhắm đến những trẻ em nghèo.

Cái nghèo và đói thậm chí còn khiến nhiều gia đình lâm vào cảnh nghiện ngập hay gặp vấn đề về tâm lý.

“Kể từ khi trở thành tình nguyện viên 4 năm trước đây, tôi đã chứng kiến nhiều người ra đi vì tự sát, bị ung thư hay vì nghiện ngập”, cô Rowland buồn bã nói.

11h sáng: “Chẳng có gì theo kịp nổi lạm phát”

Giữa câu chuyện bỏ dở, Rowland được gọi đến để giải quyết 1 trường hợp bé gái muốn xin hỗ trợ tiền đi xe buýt đến trường. Trên thực tế, tổ chức của Rowland không chỉ phân phát thực phẩm mà còn giải quyết vô số những lời kêu cứu của người nghèo. Có người thì mất thu nhập, người thì mất nhà không có chỗ ở hay người nhập cư không nói được tiếng Anh. Tất cả tạo nên thế giới riêng của những người sống dưới đáy xã hội trong nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới.

Vậy nhưng chính phủ thì chẳng quan tâm lắm đến tầng lớp nghèo. Trong giai đoạn 2010-2019, ngân sách cho những tổ chức từ thiện đã bị cắt giảm 16 tỷ Bảng. Khoảng 1.000 trung tâm hỗ trợ trẻ em nghèo đã phải đóng cửa trong khi 940 trung tâm khác đang lay lắt vì thiếu kinh phí.

“Mọi người vẫn nói về một xã hội phồn thịnh ở Anh. Nghe hay đấy, nhưng những tổ chức từ thiện như chúng tôi thì vẫn cần thêm tiền và nguồn lực để giúp đỡ người nghèo”, cô Rowland mỉa mai.

“Có quá nhiều người cần được giúp đỡ. Giờ chẳng có thứ gì theo kịp nổi đà tăng lạm phát nữa. Tôi đã phải chứng kiến một cặp vợ chồng già ngồi ôm nhau khóc vì khó sống nổi với chi phí hiện nay. Họ phải ngồi trong bóng tối với cái lạnh bởi không dám bật máy sưởi do tiền phí quá đắt”, cô Rowland nghẹn ngào.

Bảo Trâm (Theo Guardian, BBC)

Bài mới
Đọc nhiều