Cận cảnh ma trận vũ khí hủy diệt của Mỹ sẵn sàng giáng đòn xuống đối thủ
Tàu khu trục lớp Arleigh Burke mang tên USS Nitze được trang bị tên lửa hành trình Tomahawk và các tên lửa đất đối không vừa được điều động đến khu vực bờ biển phía đông bắc của Ả-rập Xê-út như một phần của nỗ lực của Mỹ trong việc “bịt lỗ hổng” trong hệ thống phòng không của đồng minh.
Được trang bị hệ thống tên lửa đất đối không và radar Aegis, tàu khu trục USS Nitze nổi tiếng không chỉ về năng lực phòng không của nó mà còn về cuộc tấn công “phòng thủ” bằng tên lửa Tomahawk nhằm vào Yemen năm 2016.
Trong một hành động can dự hiếm hoi vào chiến dịch quân sự ở Yemen, năm 2016, tàu khu trục USS Nitze của Mỹ đã tiến hành một loạt cuộc tấn công ác liệt vào “các chốt radar” của Yemen. Khi đó, Washington cáo buộc lực lượng Houthi được Iran hậu thuẫn ở Yemen đã thực hiện các cuộc tấn công bằng tên lửa vào một tàu chiến của Mỹ.
Mỹ cũng vừa thông báo, do “hành động gây hấn leo thang của Iran”, Lầu Năm Góc thông báo triển khai thêm quân và vũ khí đến vùng Vịnh Persian. Kế hoạch triển khai chi tiết đang được vạch ra nhưng quy mô sẽ “hạn chế” và đơn thuần “chỉ mang tính phòng thủ”, giời chức Mỹ cho biết.
Trước đó, trong những tháng vừa qua, Mỹ đã điều động đến khu vực vùng Vịnh Persian một số tàu chiến gồm tàu sân bay USS Abraham Lincoln, tàu khu trục và tuần dương hạm; một khẩu đội tên lửa Patriot, một đơn vị Thủy quân Lục chiến cùng nhiều máy bay chiến đấu, trong đó có máy bay ném bom hạt nhân B-52.
Hãy xem qua sức mạnh của những vũ khí hàng đầu mà Mỹ tung đến khu vực Trung Đông để thấy được tính nghiêm trọng của cuộc đối đầu hiện nay giữa Mỹ và Iran.
USS Abraham Lincoln là chiếc tàu sân bay thứ 5 thuộc lớp Nimitz. Tàu USS Abraham Lincoln được đặt theo tên tổng thống đời thứ 16 của Mỹ. Siêu hàng không mẫu hạm này đi vào hoạt động từ ngày 11/11/1989. Tàu có lượng giãn nước gần 100.000 tấn, chiều dài 332,85m, cùng được trang bị 2 lò phản ứng hạt nhân. Tàu có 4 bệ nâng máy bay, 4 đường băng cất hạ cánh và chở được 85 máy bay các loại.
USS Abraham Lincoln có thể di chuyển với tốc độ tối đa 56 km/h, cùng trang bị vũ khí là 3 bệ phóng Mk 29 Sea Sparrow và 4 hệ thống Phalanx CIWS Mk 15. Mỹ đã từng tiêu tốn 3,5 tỷ USD để hoàn thành chiếc tàu này.
Patriot cũng là cái tên được nhắc đến trong những vũ khí mà Mỹ đưa đến Trung Đông trong thời gian này. Patriot là hệ thống tên lửa đánh chặn đất đối không tầm xa được nhiều “ông lớn” về quân sự trên thế giới ưa chuộng. Hệ thống tên lửa này có thể hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết và độ cao để chống lại các tên lửa chiến thuật, tên lửa hành trình và các loại máy bay tiên tiến khác.
Tầm bắn của Patriot nằm trong khoảng từ 70 – 160 km, trần bắn cao nhất lên đến 24km và có thể hạ gục các mục tiêu di chuyển với tốc độ Mach 5 (gấp 5 lần vận tốc âm thanh), tương đương gần 6.200 km/h. Sở hữu hệ thống radar theo dõi giai đoạn để đánh chặn mục tiêu có hiệu suất cao cùng với những tên lửa thông minh, Patriot có khả năng cùng một lúc nhận biết hơn 100 mục tiêu khác nhau, liên tục theo sát được tối đa 8 mục tiêu.
Patriot sử dụng nhiều loại tên lửa dẫn đường khác nhau như Standard, ASOJ/SOJC, PAC-2, PAC-2 GEM, GEM/C, GEM/T và PAC-3. Các tên lửa này được phóng đi và thu thập thông tin của mục tiêu gửi về trạm radar mặt đất. Từ đó các sĩ quan điều khiển sẽ tính toán và vạch hướng tấn công gửi trở lại cho các tên lửa thực hiện. Những thế hệ tên lửa dẫn đường của Patriot đã được cải tiến rất nhiều từ khi ra đời với những mục đích sử dụng cũng được thay thế. Thế hệ mới nhất của các tên lửa dẫn đường là PAC-3, với nhiều cải tiến về kĩ thuật cũng như hình dáng để đối phó với các tên lửa chiến thuật và máy bay ngày càng hiện đại, tinh vi hơn. Patriot được xem là phiên bản tương đương với hệ thống phòng không đình đám S-300 và S-400 của Nga.
Không thể không nhắc đến máy bay ném bom B-52 – loại máy bay ném bom phản lực hạng nặng do hãng Boeing sản xuất theo đơn đặt hàng của Lầu Năm Góc để làm nhiệm vụ ném bom hạt nhân trong chiến tranh toàn cầu. B-52 có khả năng mang lượng vũ khí có trọng tải lên tới 18 – 30 tấn bom. Loại máy bay này được trang bị tên lửa hành trình loại AGM-86B để tiến công từ xa với cự ly 2.500 km. Ngoài ra, B-52 còn có thể mang 12-20 tên lửa hành trình ALCM hoặc 8 tên lửa hành trình ACM (tàng hình), 4 pháo 20 mm hoặc một pháo 20 mm 6 nòng. Máy bay ném bom B-52 được mệnh danh là thứ vũ khí linh hoạt nhất trong bộ ba vũ khí chiến lược của Mỹ gồm tên lửa tầm xa, tàu ngầm hạt nhân và máy bay ném bom chiến lược.
Trong khi đó, tên lửa Tomahawk được trang bị cho tàu chiến USS Nitze là tên lửa cực mạnh, có thể bay với tốc độc gần 900km/giờ, có hệ thống định vị GPS, bản đồ điện tử, các máy quay camera, thiết bị nối hai chiều với vệ tinh và một hệ thống định vị cho phép chúng có thể lượn lờ chờ cho mục tiêu xuất hiện. Và mỗi một quả tên lửa Tomahawk thông thường có thể mang tới 454kg bom.
Tên lửa Tomahawk được đưa vào biên chế quân đội Mỹ lần đầu tiên năm 1984 và chiến dịch đầu tiên mà nó tham gia là cuộc Chiến tranh Vùng Vịnh Persian năm 1991. Tính đến nay, có khoảng 2.000 tên lửa Tomahawks đã được sử dụng trong các cuộc chiến tranh. Các phiên bản khác của tên lửa hành trình loại này được thiết kế để bắn đi từ máy bay hoặc từ mặt đất.
Tên lửa Tomahawk đầu tiên được thiết kế để mang theo các đầu đạn hạt nhân. Chúng có tầm bắn đạt mức gần 2.500km. Tuy nhiên, tên lửa Tomahawk mang theo đầu đạn hạt nhân hiện tại đang được cho “về nghỉ hưu”. Ngày nay, tên lửa Tomahawk hoặc có thể mang theo 454kg đầu đạn thông thường hoặc có thể mang theo 166 quả bom chùm. Tầm bắn tiêu chuẩn của loại tên lửa này là hơn 1.600km.
Với số lượng 454kg bom, một tên lửa Tomahawk đủ mạnh để có thể phá hủy hoàn toàn một ngôi nhà hoặc cho nổ tung một miệng núi lửa rộng 6m. Những quả bom chùm lại có thể tạo “ảnh hưởng lan rộng giống như pháo hoa”, gây thương vong nhiều cho các chiến binh. Hải quân Mỹ được cho là đang sở hữu trong tay tới 3.500 tên lửa Tomahawk.
Hồng Anh (tổng hợp)