+
Aa
-
like
comment

Cần cảnh giác cao độ với ‘đường lưỡi bò’

10/11/2019 14:41

Thời gian gần đây, nhiều vụ “đường lưỡi bò” xuất hiện trên các sản phẩm nhập ngoại đang là mối quan tâm đặc biệt của dư luận.

“Đường lưỡi bò” hay “đường chín đoạn” là khái niệm Trung Quốc dựa vào để tuyên bố quyền lịch sử đối với gần như toàn bộ Biển Đông, trái ngược hoàn toàn  với luật quốc tế hiện hành. Năm 2016 Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) đã ra phán quyết khẳng định tuyên bố của Trung Quốc không có cơ sở pháp lý.

Việt Nam đã nhiều lần tuyên bố, không chấp nhận Trung Quốc dùng đường lưỡi bò để xâm phạm vùng biển của Việt Nam. Ngay cả Bộ Ngoại giao Mỹ cũng lên tiếng, ‘đường lưỡi bò’ ở Biển Đông của Trung Quốc ‘vô lý và phi pháp’

Dã tâm của Trung Quốc là có thật và nhất quán, từ việc người dân mặc áo, hay dùng hội chiếu in ‘đường lưỡi bò’. Đó là hành động không thể chấp nhận.

Trước thực tế đó, chúng ta càng cần phải đề cao ý thức cảnh giác, khi liên tục xuất hiện “đường lưỡi bò” trên các ẩn phẩm văn hóa có nguồn gốc từ Trung Quốc.

Cần cảnh giác cao độ với ‘đường lưỡi bò’
Chúng ta cần cảnh giác cao độ với ‘đường lưỡi bò’.

Tháng 3/2018, phim Operation Red Sea Điệp vụ Biển Đỏ đã từng khiến dư luận bức xúc bởi trong phim có cảnh đoàn tàu chiến Trung Quốc bao vây một chiếc tàu nước ngoài, liên tục phát loa yêu cầu chiếc tàu này phải rời khỏi vùng biển mà họ gọi là “South China Sea”.

Đặc biệt trong tháng 10/2019, liên tục phát hiện 4 ấn phẩm văn hóa chứa bản đồ  “đường lưỡi bò”.  Đó là vụ phim Everest người tuyết bé nhỏ do Cục điện ảnh cấp phép phát hành, công chiếu rạp; vụ ấn phẩm quảng bá du lịch của Công ty TNHH MTV dịch vụ lữ hành Saigontourist; vụ hình ảnh “đường lưỡi bò” xuất hiện trên bản đồ của xe Volkswagen Touareg trưng bày tại Triển lãm Ôtô Việt Nam 2019.

Mới đây nhất, theo báo chí phản ánh, “đường lưỡi bò” lại xuất hiện trong cuốn giáo trình Đọc sơ cấp 1 “Developing Chinese” được sử dụng cho giảng viên, sinh viên Khoa Tiếng Trung và Tiếng Nhật trường ĐH Kinh Doanh và Công nghệ (Hà Nội). Được biết, cuốn giáo trình này đã được dùng làm tài liệu học tập và giảng dạy vài ba năm nay, gần đây khi sinh viên nghiên cứu mới phát hiện ra.

Ngỡ ngàng trước nhận thức “lơ mơ” của những người có trách nhiệm về “đường lưỡi bò”.

Sau khi có những phản ứng trái chiều liên quan tới bộ phim Operation Red Sea Điệp vụ Biển Đỏ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đưa ra kết luận, cho rằng toàn bộ phần hình ảnh, âm thanh và lời thoại kể trên không có căn cứ để kết luận rằng Điệp vụ Biển Đỏ có liên quan tới vấn đề chủ quyền biển đảo cho dù trong phim, loa từ tàu của Trung Quốc phát ra là “South China Sea” (biển nam Trung Hoa tức Biển Đông).[1]

Một bài báo trên website chính thức của Bộ Quốc phòng Trung Quốc, ngày 18/2 có bài viết nêu rõ, trong đoạn cuối phim, tàu tuần tra hải quân ở biển Nam Hải (cách Trung Quốc gọi Biển Đông) trục xuất tàu lạ nước ngoài khỏi vùng biển xung quanh cái gọi là “quần đảo Nam Sa” bằng mệnh lệnh: “Hãy lập tức rời khỏi đây”.[2]

Trước sự khẳng định trắng trợn này, tiến sỹ Trần Công Trục, Nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ nói: “Chúng ta phải nghiên cứu xem xét các vấn đề một cách khách quan khoa học và cầu thị, đặc biệt là phải cảnh giác đừng để rơi vào “cạm bẫy” bất lợi cho cuộc đấu tranh pháp lý bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của chúng ta.”[3]

Sau “sự cố” đường lưỡi bò trong phim Everest người tuyết bé nhỏ, thành viên của Hội đồng duyệt phim – mặc dù thừa nhận sai sót nhưng lại có phát ngôn gây sốc dư luận khi cho rằng, hình ảnh “đường lưỡi bò” bị cài cắm trong phim chỉ có mấy giây thôi và mọi người “cứ làm quá lên”.

Liệu nhận xét đó là một sự vô tình hay ngây thơ trước một vấn đề nóng bỏng của đất nước?

Chia sẻ với phóng viên về giáo trình chứa “đường lưỡi bò”, Chủ nhiệm khoa tiếng Trung tiếng Nhật Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội nói, hình ảnh thấy ‘bé tí, mờ mờ’ nên không ai nghĩ đó là ‘đường lưỡi bò’.[4]

Nên nhớ, giữa thời đại thông tin số, dù ở hang cùng ngõ hẻm nào, ai mà chẳng biết “đường lưỡi bò” là gì. Còn trong vụ này, sinh viên là người phát hiện ra hình ảnh “đường lưỡi bò” cài cắm trong giáo trình.

Chủ quyền biển đảo, “đường lưỡi bò” phải được xem là tiêu chí hàng đầu khi kiểm duyệt sản phẩm văn hóa có nguồn gốc từ bên ngoài.

Sau nhiều vụ “đường lưỡi bò” xuất hiện trên hộ chiếu, trên các sản phẩm văn hóa, du lịch bị phát hiện, vấn đề cấp bách đặt ra là các cơ quan chức năng cần có một cơ chế giám sát đặc biệt khi thẩm định các sản phẩm có xuất xứ nước ngoài.

Về mặt nhận thức, chúng ta không chấp nhận sự tồn tại dưới bất cứ hình thức nào hình ảnh “đường lưỡi bò” trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam và thế giới. Những người được giao trọng trách gác cổng an ninh văn hóa nói riêng, an ninh đất nước nói chung phải hết sức cảnh giác không để rơi vào “cạm bẫy” bất lợi cho cuộc đấu tranh pháp lý bảo vệ chủ quyền biển đảo hợp pháp của đất nước trong bối cảnh họ không từ mọi thủ đoạn tinh vi cài cắm đường lưỡi bò theo cách mưa dầm thấm đất nhằm thực hiện âm mưu độc chiếm biển Đông.

Trong các tiêu chí kiểm duyệt, chủ quyền biển đảo và “đường lưỡi bò” phải được đưa lên hàng đầu. Đồng thời chế tài xử lý cũng phải nghiêm minh. Để lọt “đường lưỡi bò” vào lãnh thổ Việt Nam dù chỉ trên hộ chiếu khách du lịch hay các sản phẩm văn hóa, hàng hóa thì người chịu trách nhiệm kiểm duyệt phải bị xử lý theo quy định của luật pháp.

Cuyện “đường lưỡi bò” không còn lạ gì đối với người dân nhưng sự xuất hiện liên tục của nó mà không bị kiểm duyệt là điều đáng báo động trong việc quảng bá, tiếp thu sản phẩm văn hóa, giáo dục nước ngoài, đặc biệt là nhận thức về chủ quyền biển đảo đất nước của những cá nhân, cơ quan có trách nhiệm để xảy ra vụ việc.

Nguyễn Duy Xuân

Bài mới
Đọc nhiều