+
Aa
-
like
comment

Cần cảnh giác bảo vệ chủ quyền nhìn từ lĩnh vực đất đai

sông trà - 21/05/2020 17:44

Chúng ta phải cảnh giác cao độ trong việc gìn giữ chủ quyền với bất kỳ diễn tiến nào liên quan người Trung trên lãnh thổ Việt Nam, trong đó có lĩnh vực đất đai.

Thời gian gần đây, nóng lên thông tin tình hình doanh nghiệp Trung Quốc ở khu vực biên giới, người Trung Quốc sở hữu nhiều lô đất có vị trí trọng yếu về quốc phòng – an ninh. Đó là thực tế diễn ra tại nhiều địa phương đã được dư luận phản ánh và Bộ Quốc phòng kiến nghị giải quyết.

Nhiều lo ngại về an ninh – quốc phòng khi sân bay quân sự Nước Mặn (Đà Nẵng) bị bao bọc bởi phố Tàu

Có chuyện phát triển kinh tế địa phương mà “quên” chủ quyền không?

Trước ý kiến của Bộ Quốc phòng, Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định, pháp luật về đất đai hiện hành chưa có quy định về việc giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, việc nhận quyền sử dụng đất của cá nhân người nước ngoài, nên không có việc chứng nhận quyền sử dụng đất cho cá nhân người nước ngoài tại Việt Nam.

Liên quan đến vấn đề này, Đại biểu Lê Công Nhường cho rằng, thông tin của Bộ Quốc phòng phù hợp với những phản ánh trước đó về hiện tượng người Trung Quốc, doanh nghiệp Trung Quốc nắm giữ nhiều vị trí đất trọng yếu về quốc phòng – an ninh, điển hình là các tỉnh Đà Nẵng, Khánh Hòa, Nha Trang, Hải Phòng… Tuy nhiên, để khẳng định ai đúng, ai sai, vị đại biểu đề nghị cấp lãnh đạo chỉ đạo thành lập đoàn thanh tra liên ngành tiến hành rà soát, thanh tra toàn diện các trường hợp người nước ngoài đang sở hữu đất quốc phòng trên cả nước

Thực tế, có chuyện đầu tư “núp bóng” danh nghĩa doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong các lĩnh vực du lịch, nuôi trồng, chế biến, thu mua hải sản… nhưng thực chất việc điều hành, quản lý do người Trung Quốc đảm nhiệm.

Điển hình là câu chuyện ở Đà Nẵng, khu “Phố Tàu” rộng mênh mông đã âm thầm mọc lên tại quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng. Kiểu kiến trúc đặc sắc Trung Quốc, thi công vào…ban đêm, chừng đó đủ hiểu phần nào tính pháp lý của nó. Đáng nói, tại thời điểm phát hiện, công trình này “vô phép”, đến cả lãnh đạo phường cũng bất ngờ! Và dĩ nhiên, cấp thấp không đủ thẩm quyền giải quyết việc này!

Đâu chỉ có thế, gần sân bay Nước Mặn (Quận Ngũ Hành Sơn – Đà Nẵng), “Phố Tàu” dài hàng ngàn mét, nhiều nhà hàng, khách sạn do người Trung Quốc đứng phía sau điều hành với bảng hiệu tiếng Trung và đương nhiên, tiếng Việt rất khó tồn tại trong đó.

Hoặc, khu đô thị Our City (Hải Phòng) là một ổ đánh bạc công nghệ cao, có tới 380 “nhân sự” vận hành 533 máy tính kết nối mạng, giao dịch khối tiền 10.000 tỷ đồng… Kể cả khi bị lộ, nhưng, với người Hải Phòng, khu đô thị này vẫn trùm lên bức màn đầy bí ẩn. Đến cả tổ trưởng tổ dân phố nơi đây cũng không thể tiếp cận bất kỳ ai trong đó!

Đã có nhiều câu hỏi đặt ra: Ai đã cấp phép cho dựng lên Our City? Người Trung Quốc vào đây bằng cách nào?

Vì sao họ dám vô pháp vô thiên, ngạo mạn, kẻ cả, ngay cả khi đó không phải là quê hương họ…? Xem ra, vẫn vô cùng bí ẩn.

Một con số thống kê khác của Bộ Quốc phòng mà hẳn ai cũng phải lưu tâm đó là: Tính đến ngày 30/11/2019, có 149 doanh nghiệp có yếu tố Trung Quốc (92 doanh nghiệp 100% vốn Trung Quốc, 57 doanh nghiệp vốn liên doanh) đang hoạt động ở khu vực biên giới của 22/44 tỉnh, thành biên giới (khu vực biên giới đất liền 24, khu vực biên giới biển 125); Số doanh nghiệp đang hoạt động 134, số doanh nghiệp đã triển khai nhưng tạm ngưng hoạt động 15;

Tổng diện tích 162.467,7 ha (khu vực biên giới đất liền 943,7 ha, khu vực biên giới biển 5.393,7 ha kể cả mặt biển); Tổng vốn đầu tư 30,872 tỉ USD (khu vực biên giới đất liền 1,637 tỉ USD, khu vực biên giới biển 29,235 tỉ USD); có 4.239 lao động người Trung Quốc đang làm việc tại các doanh nghiệp này (khu vực biên giới đất liền 374 người, khu vực biên giới biển 3.865 người).

Thực trạng trên khiến cho chúng ta phải ngẫm nghĩ lại rằng, người Trung Hoa là bậc thầy trong việc đúc kết và sử dụng mưu kế, cuốn “Binh pháp Tôn Tử” 36 kế tuy toàn nói về chiến trận. Nhưng thật ra, trong mọi hoàn cảnh đều có thể áp dụng.

Có vẻ như vì phát triển kinh tế mà một số địa phương đã có phần “quên” khâu an ninh-quốc phòng?

Cảnh giác với chủ quyền lãnh thổ nhìn từ lĩnh vực quản lý đất đai

Dĩ nhiên, về nguyên tắc pháp lý, lý thuyết có thể đúng như cơ quan quản lý của Bộ Tài nguyên và Môi trường nói. Nhưng hãy nên nhìn vào thực tiễn trước mắt, những gì đã và đang diễn ra để có những đối sách cho đúng, hợp lý, chứ không nên chỉ dựa vào đống giấy giờ báo cáo mà “bỏ quên” thực tiễn.

Tức là, trước những phản ánh, bức xúc, lo ngại của nhân dân và Bộ Quốc phòng về câu chuyện người Trung Quốc núp bóng doanh nghiệp để thâu tóm đất đai ở nhiều địa phương như đã nói ở trên là có cơ sở.

Dân gian ta nói “Không có lửa thì làm sao có khói”, mà khi đã “có khói” thì đòi hỏi các cấp, các ngành có liên quan phải nghiêm túc ngẫm nghĩ chứ không thể “dùng giằng” vì đó là đất công thổ, là của chung.

Nói thẳng ra, không ai được chủ quan, cần nêu cao cảnh giác với các chiêu trò trò mượn tay người Việt Nam, đứng đằng sau rót tiền đầu tư cho người Việt mua đất, sau đó dần thâu tóm, nắm quyền chi phối các vị trí đất trọng yếu.

Cần nhớ, Trung Quốc đã tấn công những hàng xóm của mình bằng  nhiều chiến lược, chiến thuật khác nhau. Riêng với Việt Nam, ngoài sự hung hăng, ngang ngược trên biển, thì mặt trận văn hóa-tư tưởng cũng được chú trọng như: Hướng dẫn viên du lịch đã “truyền bá” sai sự thật về gốc tích chiếc áo dài, lãnh thổ nước ta; đường lưỡi bò liên tục xuất hiện trên nhiều sản phẩm, ấn phẩm văn hóa, chữ Hán được sử dụng rộng rãi trong “Phố Tàu”… Kế tiếp là “nương náu” theo các dự án kinh tế là người lao động nhập cư (nam giới) lập làng lập xóm, lấy vợ sinh con, sử dụng ngôn ngữ, văn hóa Hán.

Chưa có thống kê cụ thể, nhưng trong tất cả các quốc gia đang làm ăn tại Việt Nam – chiêu bài “liên doanh” thành lập công ty sau đó tăng dần vốn sở hữu để chiếm quyền điều hành và sử dụng lá chắn người Việt “đứng tên” mua đất thông thường chỉ xảy ra với người Trung Quốc.

Mặt khác, Bộ Tài Nguyên và Môi trường cũng nên nhìn vào thực tế và số liệu mà Bộ Quốc phòng công bố, góp ý. Bởi vì, với tổng diện tích 162.467,7 ha (cả biên giới đất liền, biên giới biển, kể cả mặt biển) nói trên, người Trung Quốc có thể binh bố mọi thứ để chờ đợi cái gọi là “sự phán xét của lịch sử”. Đến lúc đó, một mảnh gốm, đồ vật được đóng dấu “Made in China” cũng có thể là bằng chứng chống lại con cháu chúng ta.

Chính vì vậy, ngay lúc này, các cơ quan quản lý có liên quan, cũng như địa phương trực tiếp cần phải nắm lại thông tin để xác định rõ bản chất của các vụ việc. Nếu các hoạt động mua bán, chuyển nhượng đất đai cho người Trung Quốc là vi phạm pháp luật thì các cơ quan quản lý phải sử dụng luật pháp để thu hồi lại các diện tích đất có vị trí, có ý nghĩa quan trọng trong khu vực phòng thủ của quốc gia.

Điều này cũng có nghĩa, chúng ta phải cảnh giác cao độ  trong việc gìn giữ chủ quyền với bất kỳ diễn tiến nào liên quan người Trung trên lãnh thổ Việt Nam, trong đó có lĩnh vực đất đai.

Bởi vì, người Trung Quốc muốn làm gì với đất đai của hàng xóm láng giềng? Câu hỏi này ắt hẳn ai cũng có suy đoán được khi nhìn từ tham vọng, dã tâm của người Trung Quốc suốt cả chặng đường lịch sử của dân tộc, đất nước họ.

Sông Trà

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Bài mới
Đọc nhiều