+
Aa
-
like
comment

Cán bộ thiếu chuẩn mực tiếp công dân có phải biểu hiện tham nhũng vặt?

12/11/2019 17:12

Hiện nay thông tin bùng nổ, quyền dân chủ của người dân ngày càng được đề cao, việc những người đại diện cho cơ quan công quyền tiếp công dân cần nâng cao bản lĩnh chính trị, lập trường quan điểm, năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ,… nhằm làm hài lòng người dân là rất cần thiết. Tuy nhiên vẫn còn đó cán bộ tiếp dân thiếu chuẩn mực, đó là những biểu hiện của hiện tượng “ tham nhũng vặt” đang tồn tại trong một bộ phận cán bộ.

Tiếp công dân đừng để dân bị “hành dân là chính”

Mới đây, lãnh đạo UBND phường Tân Chính (quận Thanh Khê, Đà Nẵng) cho biết, vừa xử lý một cán bộ hộ tịch vì có thái độ không chuẩn mực khi tiếp công dân.

Trước đó, một công dân phản ánh, khoảng đầu tháng 9/2019 công dân này có đến UBND phường Tân Chính để làm thủ tục đổi tên cho con. Khi đến phường làm việc, công dân này gặp cán bộ hộ tịch Trần Hoài Nam.

Tại đây, ông Nam yêu cầu công dân này bổ sung hồ sơ giấy tờ nhiều lần, mỗi lần đến làm việc, ông Nam lại được yêu cầu bổ sung 1 loại giấy tờ. Tổng cộng công dân phải 4 lần đi lại để làm thủ tục hồ sơ đổi tên cho con.

Lãnh đạo UBND phường Tân Chính (quận Thanh Khê, Đà Nẵng) cho biết, vừa xử lý một cán bộ hộ tịch vì có thái độ không chuẩn mực khi tiếp công dân.
Lãnh đạo UBND phường Tân Chính (quận Thanh Khê, Đà Nẵng) cho biết, vừa xử lý một cán bộ hộ tịch vì có thái độ không chuẩn mực khi tiếp công dân.

“Sau 4 lần lui tới, vẫn không thể hoàn thiện được hồ sơ để làm thủ tục đổi tên cho con tôi, cứ mỗi lần đến ông Nam lại nói thiếu 1 cái, vợ chồng tôi phải lui tới nhiều lần. Thấy vậy, tôi đã hỏi ông Nam trong thủ tục này còn yêu cầu những gì nữa, ông mới nói thêm cần thêm bản photo CMND, sổ hộ khẩu, đăng ký kết hôn. Nếu tôi không hỏi, không biết còn phải tới mấy lần”, công dân phản ánh.

Theo công dân này, trong khi ngồi chờ làm thủ tục, bên cạnh người anh cũng có 1 số người dân đến làm thủ tục hộ tịch, cũng bức xúc tương tự với thái độ của ông Nam.

Sau khi nhận thông tin phản ánh, UBND quận Thanh Khê đã giao UBND phường Tân Chính kiểm tra, xử lý về thái độ làm việc của cán bộ phường Tân Chính mà cụ thể, thái độ và cách hướng dẫn công dân của ông Trần Hoài Nam, công chức tư pháp hộ tịch.

Sau đó, Chủ tịch UBND phường Tân Chính đã đề nghị ông Trần Hoài Nam viết bản tường trình sự việc. Ngoài ra, đã liên hệ với công dân nói trên để xin lỗi và nhận trách nhiệm với vai trò thủ trưởng đơn vị. Đồng thời tiến hành họp bộ phận tiếp nhận và trả kết quả với sự tham dự của thường trực UBND và toàn bộ thành viên của bộ phận tiếp nhận và trả kết quả để xử lý.

Câu chuyện cán bộ hạch sách, nhũng nhiễu, xem thường công việc và coi thường người dân đến bây giờ không phải là câu chuyện mới được nói trên diễn đàn báo chí, các kỳ họp của cơ quan nhà nước.

Năm 2017, bà Nguyễn Thị Thúy Hà – Phó chủ tịch UBND phường Văn Miếu (Hà Nội) bị đình chỉ công tác do có liên quan đến vụ “hạch sách” dân khi đến làm giấy chứng tử. Cá nhân người công dân này khi đến làm thủ tục tại phường, chị phải chờ đợi, đi lại nhiều lần và chứng kiến “thái độ vô cảm” của cán bộ là bà Hà và 1 người cán bộ cấp dưới. Câu chuyện đã khiến mạng xã hội xôn xao và những bài học về công tác cán bộ cũng được đặt ra khi đó.

Công tác cán bộ – không để biểu hiện tham nhũng vặt tồn tại

Công sở là nơi những công chức, viên chức nhà nước được đặt trong mối quan hệ rộng: quan hệ giữa đồng nghiệp với đồng nghiệp; quan hệ giữa công chức, viên chức với nhân dân; giữa cấp dưới với lãnh đạo…

Điều này, đòi hỏi người mỗi công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan nhà nước phải thể hiện tốt được bản lĩnh, cách đối nhân, xử thế với mọi người một cách hòa nhã và văn hóa.

Người công chức làm ở bộ phận tiếp dân là nơi nhạy cảm nhất. Bởi hàng ngày những công chức này phải tiếp xúc với nhân dân, với mọi đối tượng có trình độ lẫn những người dân lam lũ đến yêu cầu giải đáp hay làm các giấy tờ liên quan.

Chính vì đối tượng tiếp xúc của mình có nhiều trình độ khác nhau, sự am hiểu khác nhau nên điều phải giải thích, cởi mở là yêu cầu bắt buộc. Những người dân cả đời luôn bám lấy mảnh ruộng, thửa vườn thì khi lên công sở cũng thường khép nép, sợ sệt, một dạ hai vâng và rất hay hỏi. Bởi người dân chưa hiểu hoặc cần được giải thích.

Câu chuyện nơi này, nơi kia, còn tiếng dân than về cán bộ nhũng nhiễu, thiếu trách nhiệm. Đáng nói, dường như nó đã trở thành thực trạng chung, thành nỗi bức xúc chung của xã hội. Khó liệt kê hết hành vi nhũng nhiễu, đòi phải chung chi của một bộ phận không nhỏ cán bộ cơ sở bởi người dân, doanh nghiệp đều từng phải tiếp cận, làm thủ tục trong các hoạt động y tế, giáo dục, nhà đất, đăng ký nhà đất…

Hiện tượng thờ ơ, vô cảm, quan liêu hách dịch, nhũng nhiễu, thậm trí còn thách đố: “anh (chị) cứ khiếu kiện thoải mái, chỉ sợ không có sức”… Nhiều trường hợp còn vòi vĩnh, mặc cả gây khó dễ để kiếm phong bì, phong bao; có người mất cả phong bì, phong bao cuối cùng cũng không được việc rồi không biết đòi ai! Người dân cho rằng nỗi khổ nhất là đi làm thủ tục hành chính, nghe đến là đã ngại rồi, chưa muốn nói là sợ, đơn từ xã chuyển đến huyện rồi lên tỉnh, trung ương sau lại kính chuyển về chỗ ban đầu, và không dễ gì mà người đời lại có câu “hành dân là chính”.

Nếu không có phí gọi là bôi trơn thì khó xuôi chèo, mát mái, chẳng biết đến bao giờ mới xong, hoặc phải chạy đi chạy lại nhiều lần để đáp ứng các yêu cầu “trên trời” của các cán bộ thực thi công vụ. Hình thức hành dân ấy biến hóa muôn hình vạn trạng. Người dân mệt mỏi, doanh nghiệp kêu than nhưng nó lại là bình thường, thành thói quen của người đại diện cho cơ quan công quyền và người dân, dù muốn hay không, dù phiền lòng cũng phải chấp nhận. Nó bị cả xã hội lên án và đặt tên là “tham nhũng vặt”. Nó khiến người đứng đầu Chính phủ sốt ruột khi cho biết. sẽ phải tổ chức hội nghị toàn quốc về chống tham nhũng “vặt”. Nó khiến người đứng đầu Đảng và Nhà nước phải lo lắng vì nó làm “hỏng” cán bộ.

Đã có nhiều nguyên nhân được chỉ ra, dẫn tới tình trạng tham nhũng “vặt” len lỏi vào ngõ ngách của đời sống xã hội và ngang nhiên tồn tại. Ví như chất lượng yếu kém của hệ thống thể chế, quy định pháp luật với nhiều thủ tục hành chính không rõ ràng, phức tạp. Ví như tâm lý lo ngại, sợ gây khó dễ. muốn cho nhanh, được việc của doanh nghiệp, người dân. Ví như cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan bảo vệ pháp luật chỉ tập trung vào các vụ đại án tham nhũng, chưa coi trọng việc xử lý hành vi tham nhũng “vặt”.

Ai cũng hiểu rằng, hành vi “vặt” nhưng hậu quả lớn. Nhưng dù nguyên nhân nào, lý do gì, căn cốt và quyết định vẫn là con người. Thể chế có thống nhất, pháp luật có quy định chặt chẽ đến đâu mà người thưà hành muốn lách, muốn lợi dụng để hạch sách, nhũng nhiễu thì doanh nghiệp, người dân không có cách nào khác là phải lo lót, phong bao, phong bì.

Vậy nên, để tham nhũng “vặt” không còn là nỗi ám ảnh như “ghẻ ruồi” rất khó chịu trong đời sống xã hội, không còn là tác nhân gây bất bình dư luận, gây mất lòng tin của dân, làm hư hỏng cán bộ thì ngoài hoàn thiện thể chế, thay đổi cơ chế, cải cách thủ tục hành chính, minh bạch các lĩnh vực hoạt động , cốt lõi vẫn là thay đổi thái độ hành xử của cơ quan nhà nước, cán bộ thừa hành trong thực thi công vụ.

Người dân làm ra của cải vật chất để xã hội phát triển, nuôi bộ máy nhà nước, họ có quyền yêu cầu cán bộ, công chức phải có trách nhiệm làm đúng phận sự, phục vụ nhân dân, phụng sự đất nước, phải nêu gương trong thượng tôn pháp luật. Cán bộ như vậy mới vững vàng trước cám dỗ của đồng tiền, xây dựng được lòng tin của người dân vào công lý mới an dân, không làm dân phải phiền lòng.

Hồng Đinh

Bài mới
Đọc nhiều