+
Aa
-
like
comment

‘Cán bộ sợ nhất là trách nhiệm, mất chức’

02/04/2021 06:05

Bây giờ là lúc phải thực hiện luật Điện lực một cách đầy đủ và nghiêm túc: Thực hiện cơ chế thị trường cạnh tranh hoàn hảo, đặc biệt tính giá điện theo thị trường sao cho nhà đầu tư, nhân dân và nhà nước không thiệt.

Dự thảo Quy hoạch điện quốc gia thời kỳ 2021 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện 8) đang được Bộ Công thương lấy ý kiến. Chúng tôi tìm gặp ông Thái Phụng Nê, nguyên Bộ trưởng Năng lượng để ghi nhận góp ý của ông cho bản dự thảo với mong muốn sao cho ngành điện phải “đi trước một bước”, đáp ứng nhu cầu phát triển của nền kinh tế.

Ông nói: Đại hội Đảng 13 đã đề ra 2 mục tiêu lớn. Thứ nhất, Việt Nam sẽ trở thành nước phát triển có thu nhập trung bình khá trên 10.000 USD/đầu người vào năm 2030, tức hơn gấp 3 lần trong vòng 10 năm. Thứ hai, Việt Nam sẽ trở thành nước phát triển có thu nhập cao, trên 21.000 USD/đầu người, gấp hơn 2 lần so với năm 2030.

‘Cán bộ sợ nhất là trách nhiệm, mất chức’
Nguyên Bộ trưởng Năng lượng Thái Phụng Nê

Cười một cách hóm hỉnh, ông nói: “Thế hệ các bạn có thể thấy mục tiêu thứ hai chứ tôi thấy thực hiện được mục tiêu thứ nhất cũng còn khó”. Từng là đặc phái viên của Thủ tướng trong phát triển ngành điện, ông Nê đặt lại câu hỏi: “Vậy ngành điện phát triển như thế nào trong quá trình thực hiện hai mục tiêu đó?”.

Cán bộ sợ mất chức

Việt Nam đã có quy hoạch điện 7 và quy hoạch điện 7 điều chỉnh, nhưng rồi nhiều mục tiêu trong đó không thực hiện được. Ông nhìn nhận thế nào về điều này?

Thật đáng tiếc khi nhìn lại thời kì 2016-2020 đã có nhiều dự án điện bị chậm, chủ yếu là nhiệt điện than, làm thiếu hụt nguồn điện 7.100 MW. Có khoảng 11 dự án chủ yếu nhiệt điện than không làm được như Sông Hậu, Long Phú ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, Vĩnh Tân 4 ở vùng duyên hải và một số dự án khác ở phía Bắc.

Có rất nhiều nguyên nhân, nhưng theo tôi, nguyên nhân lớn nhất nằm ở khâu theo dõi, kiểm tra đôn đốc để nhanh chóng tháo gỡ, khắc phục những tồn tại do cơ chế xơ cứng, tiêu cực.

Lúc đó, nếu có gì khó khăn là đoàn kiểm tra có thể giải quyết ngay, còn nếu nằm ngoài thẩm quyền thì đoàn báo cáo lên Thủ tướng, sau đó Thủ tướng họp và xử lí vấn đề ngay. Vì vậy, cho đến năm 2016, các dự án điện không bị chậm tiến độ.

Trong thực hiện quy hoạch điện 7-17 trước đây, dù có khó khăn đến mấy nhưng chúng ta có Ban chỉ đạo để đi thực tế các địa phương, lắng nghe khó khăn của doanh nghiệp, tháo gỡ kịp thời các khó khăn. Đoàn kiểm tra thời kì đó có đủ các thành phần tham gia như phía Bộ KH-ĐT, Tài chính, Công thương, Văn phòng Chính phủ…

‘Cán bộ sợ nhất là trách nhiệm, mất chức’
Thủy điện A Vương

Một nguyên nhân nữa, cơ chế hiện nay đang có nhiều vướng mắc nhưng không có ai kiểm tra, đốc thúc, tháo gỡ, bên này đẩy sang bên kia. Gần đây, Thủ tướng có nhắc lại rằng, điều mà các cán bộ sợ nhất là sợ trách nhiệm, sợ mất chức, sợ đi tù.

Ví dụ, trong vụ việc dự án Thái Bình 2, những người tham nhũng đã ra toà rồi nhưng dự án vẫn cần phải giải quyết. Chủ đầu tư khẳng định, họ không lấy tiền của nhà nước để tiếp tục dự án mà cũng không được quyết. Dự án đã nằm đó nhiều năm, phải trả lãi 80% số lượng vốn nên càng chậm xử lý sẽ càng thiệt hại lớn. Tôi đã đặt câu hỏi với Chủ tịch UB Quản lí vốn rằng ai sẽ chịu trách nhiệm. Lẽ ra phải giải quyết sớm dự án này chứ sao đắp chiếu để lỗ vốn nhiều như thế!

Tôi dẫn chứng một dự án đó để thấy tinh thần trách nhiệm, ý chí dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm của cán bộ đã không còn nữa.

Bên cạnh đó, nhiều dự án BOT chúng ta không làm được vì không quyết được giá cho các nhà đầu tư. Tuy nhiên, tôi nêu vấn đề là đến giai đoạn đất nước phát triển hơn, liệu chúng ta có cần các dự án BOT nữa không, theo đuổi mãi BOT để làm gì vì giá điện BOT cao hơn nhiều giá điện chúng ta tự thực hiện.

Câu hỏi về điện hạt nhân

Dự thảo quy hoạch điện 8 chưa đưa điện hạt nhân vào danh sách các dự án cần được đầu tư. Bình luận của ông?

Chúng ta đã ngừng dự án. Đó là chủ trương phải chấp hành nhưng tôi vẫn suy nghĩ lắm. Theo tôi, không bỏ được điện hạt nhân đâu, đây là xu thế của thế giới, thế kỷ 21 vẫn là thế kỷ của điện hạt nhân, các nước phát triển được vì có điện hạt nhân. Ngay cả Trung Quốc cũng dư thừa điện nhờ có điện hạt nhân. Nhật Bản, Hàn Quốc và nhiều quốc gia khác cũng phát triển mạnh điện hạt nhân.

Điện hạt nhân là năng lượng sạch. Nếu chúng ta muốn giảm CO2, thực hiện thỏa thuận Paris thì cách tốt nhất là làm điện hạt nhân.

Để đảm bảo an toàn thì kỹ thuật ngày càng được nâng cao và có nhiều hệ thống điều khiển để ứng phó, quản lý, giảm thiểu các sự cố của nhà máy. Nếu lo sóng thần thì đưa dự án lên cao hơn.

Tuy nhiên, cái khó nhất là tâm tư của nhiều người, Tôi rất băn khoăn là không có ai trả lời lý do vì sao dừng điện hạt nhân. Có người giải thích là do vấn đề kinh tế, nhưng nói như vậy là không đúng vì nguồn vốn 10 tỷ USD là không quá khó để huy động.

Tôi cho là nên xem xét đầu tư điện hạt nhân trong qy hoạch điện 8. Trong dự thảo nói, giai đoạn 2035-2045 phụ thuộc vào thuế phát thải CO2, nếu lên trên 15 USD/tấn thì không có điện hạt nhân, không có gì chống đỡ. Từ nay tới 2035 còn 15 năm, thảo luận cũng mất 2-3 năm thì còn hơn 10 năm để thực hiện mà thôi.

Nỗi lo nguồn vốn: Nước lên thuyền lên

Nguồn vốn đầu tư cho phát triển năng lượng cần tới 12-13 tỷ USD/năm trong hàng chục năm tới đây, một con số kỷ lục, chưa từng có trong quá khứ. Ông nhìn nhận về con số này như thế nào trong bối cảnh rất gò bó của ngành điện?

Trong giai đoạn vừa rồi, đầu tư vào ngành điện cần trên 6 tỷ USD/năm. Trong thời gian tới, kinh tế phát triển thì chắc chắn vốn huy động cũng sẽ tăng, nước lên thì thuyền lên.

Vấn đề quan trọng nhất là giá điện, theo dự thảo quy hoạch điện 8, giá điện ước tính là 11-12 cent. Bây giờ là lúc phải thực hiện luật Điện lực một cách đầy đủ và nghiêm túc: Thực hiện cơ chế thị trường cạnh tranh hoàn hảo, chứ không phải thị trường chập chững, ngập ngừng, trong đó đặc biệt tính giá điện theo thị trường sao cho nhà đầu tư không thiệt, nhân dân không thiệt và nhà nước không thiệt.

Giai đoạn vừa rồi có 3 cơ chế: giá điện bậc thang, giá điện thời gian và giá điện bình quân. Giờ thực hiện mua bán điện theo 3 cơ chế này theo cách thức “tính đúng, tính đủ”. Điều quan trọng là đừng để EVN lỗ để còn có nguồn tái đầu tư, phát triển.

Giá điện được căn cứ vào ngưỡng giá đầu tư, điều chỉnh tăng giá điện phải kịp thời thì các doanh nghiệp không bị lỗ. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp phải tự vươn lên để giảm bảo lãnh chính phủ. Gần đây, EVN và EVN NPT được Ngân hàng Thế giới chấp nhận tín nhiệm phát hành nợ ngoại tệ vì xếp hạng BB+. Dự án Quảng Trạch 1-2 vay nước ngoài, không cần bảo lãnh của Chính phủ cũng là một trường hợp rất tốt.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần có cơ chế đặc biệt cho các dự án trọng điểm quốc gia như giai đoạn trước đây. Chính phủ đừng ôm hết, khi tư nhân làm được thì để họ làm qua tạo cơ chế. Các nguồn điện mặt trời, gió hãy để cho khu vực tư nhân, nước ngoài làm. Thậm chí, khâu truyền tải hãy mở cho họ làm và chỉ cần quản lý theo luật.

Tuy nhiên, dù có thu hút thêm các nguồn lực bên ngoài cũng cần nhận thức rằng, họ không làm được vô tận đâu mà rốt cuộc EVN vẫn phải lo chính.

Tư Giang

Bài mới
Đọc nhiều