Cán bộ phường nói “bánh mì không phải thực phẩm” có hoàn cảnh khó khăn, đóng góp nhiều phòng chống Covid-19
Liên quan đến vụ “bánh mì không phải mặt hàng thiết yếu”, lãnh đạo phường Vĩnh Hòa (TP.Nha Trang – Khánh Hòa) cho biết, ngay sau khi vụ việc xảy ra địa phương đã trả xe và giấy tờ cho anh Trần Văn Em – người đi mua bánh mì.
Sáng 20/7, ông Trần Văn Đông – Bí thư Đảng uỷ phường Vĩnh Hoà, cho biết: Liên quan đến vụ “bánh mì không phải mặt hàng thiết yếu, việc anh Trần Lê Hữu Thọ – Phó Chủ tịch phường (người cho giữ xe của công nhân đi mua bánh mì) có những lời nói thiếu chuẩn mực. Bản thân anh Thọ đã nhận ra sự sai sót, khuyết điểm trong quá trình xử lý.
Bí thư Đảng ủy phường Vĩnh Hòa cho biết thêm: “Anh Trần Văn Em, người đi mua bánh mì ngày hôm đó (18/7) không đi về nhà bằng con đường chính mà đi vào con đường khác, con đường này về nơi tập trung đông người nên địa phương yêu cầu xử lý. Sáng 19/7, địa phương đã trả xe và giấy tờ cho Trần Văn Em. Đa số các xe đưa về phường khoảng 90% là trả lại cho người dân, không phạt. Bởi, địa phương mang tính chất răn đe, nhắc nhở người dân chấp hành trong phòng, chống dịch Covid-19. Còn những trường hợp nào chống đối buộc địa phương phải xử lý”.
Về việc xử lý cán bộ thiếu chuẩn mực, ông Trần Văn Đông cho biết đang xin ý kiến cấp trên. “Cá nhân anh Trần Lê Hữu Thọ có nhiều đóng góp cho địa phương trong công tác phòng chống dịch Covid-19. Nhiều đêm anh Thọ phải trực đến 2-3 giờ sáng, gia đình anh hoàn cảnh cũng khó khăn, chính vì đó mà khi xem xét xử lý cần xem kỹ về 2 mặt. Anh Thọ thuộc cấp trên quản lý nên phải xử lý cán bộ theo quy trình. Hiện địa phương đang chờ ý kiến chỉ đạo của cấp trên” – ông Đông nói
“Địa phương đã phân công bà Nguyễn Thị Hà (Phó Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND phường Vĩnh Hoà) làm nhiệm vụ Trưởng ban phòng chống dịch Covid-19 của phường thay cho Phó Chủ tịch UBND phường Vĩnh Hoà Trần Lê Hữu Thọ” – ông Đông nói.
Trao đổi với PV, anh Trần Văn Em, người mua bánh mì kể lại: “Sáng 19/7, khoảng 8 giờ tôi làm việc với phường Vĩnh Hòa xong, lấy giấy tờ rồi về lại công trình. Tuy nhiên, giám đốc thông báo cho tôi nghỉ việc 1 tháng, tháng sau có việc thì gọi đi làm. Lương của tôi khoảng 200.000 đồng/ngày và 70.000 chi phí xăng xe. Công việc chính của tôi là công nhân hàn nhôm. Với tổng lương trung bình là 6 triệu đồng/tháng, một phần tiền tôi trả tiền trọ, một ít gửi về cho ba mẹ ở quê. Ở quê tôi có 2 em nhỏ (10 tuổi và 6 tuổi). Ba đi chăn bò thuê còn mẹ buôn bán ở chợ nên hoàn cảnh gia đình khó khăn”.
Trước đó, khoảng 15 giờ 30 chiều 18/7, anh T.rần Văn Em (công nhân làm việc trong công trường của một dự án du lịch ở phía Bắc TP.Nha Trang), đã đi ra ngoài mua bánh mì và nước uống. Khi đến đường Nguyễn Thị Ngọc Oanh (thuộc phường Vĩnh Hòa, TP.Nha Trang), anh Em bị lực lượng chức năng dừng xe và kiểm tra, xử lý vi phạm ra đường khi không cần thiết theo Chỉ thị 16 của Chính phủ.
Về clip gây xôn xao dư luận, anh Trần Văn Em cho biết mình chưa nắm rõ quy định xử lý về việc thực hiện Chỉ thị 16, đang đi mua bánh mỳ cho một người bạn bị ốm và xuất trình giấy tờ đi lại làm việc tại một dự án du lịch ở phía Bắc TP.Nha Trang. Tuy nhiên, các cán bộ của tổ liên ngành phường Vĩnh Hòa đã thu giữ giấy tờ, đưa xe anh về phường xử lý. Phó Chủ tịch UBND phường Vĩnh Hoà Trần Lê Hữu Thọ đã quay lại clip, quát tháo anh Em, bảo rằng bánh mì không phải “lương thực, thực phẩm” nên việc anh này đi mua là vi phạm quy định chống dịch theo Chỉ thị 16 của Chính phủ.
Theo ông Nguyễn Sỹ Khánh – Chủ tịch UBND TP.Nha Trang, thành phố đã chỉ đạo UBND phường trả lại xe, giấy tờ cho nam công nhân. Sự việc nói trên là bài học trong công tác kiểm tra, tuyên truyền, giải thích đối với việc người dân ra đường trong thời gian áp dụng Chỉ thị 16. UBND TP.Nha Trang đã chấn chỉnh, quán triệt tư tưởng đối với các anh em trong đoàn liên ngành nói trên. Riêng người vi phạm, thành phố cũng đã chỉ đạo lực lượng chức năng trả lại xe máy cho thanh niên trong đoạn clip.
Minh Ngọc