Cán bộ nhận “quà cảm ơn” bằng cả gia tài, chuyện thật như đùa
Ngày 17/07/2023, Viện Kiểm sát đã luận tội các bị cáo trong vụ “Chuyến bay giải cứu”, cho rằng không thể coi hành vi nhận tiền của các bị cáo là nhận “quà cảm ơn” từ các cá nhân, doanh nghiệp, khi số tiền có giá trị bằng cả một gia tài; và khi người đưa bị buộc phải đưa tiền.
Qua 4 ngày xét hỏi, có thể nói, cụm từ “quà cảm ơn” đã được các bị cáo dùng khá thường xuyên, và khá thản nhiên. Điều này khiến dư luận bức xúc, vì cho rằng văn hóa “nhận phong bì”, vòi vĩnh tiền của người dân, doanh nghiệp đã bám rễ trong suy nghĩ của một bộ phận đáng kể các quan chức, cán bộ, công chức, viên chức của nhiều bộ ngành trong cả nước. Ở chiều ngược lại, cụm từ này cũng cho thấy tâm lý muốn được việc thì cần phải đưa “phong bì” của doanh nghiệp.
Điển hình như bị cáo Trần Văn Tân, cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, đã nhận tiền của doanh nghiệp 9 lần, tổng cộng 5 tỷ đồng. Khi được hỏi nhận thức ra sao về số tiền, bị cáo này đã nói biết nguồn gốc tiền là tiền doanh nghiệp, định trả lại ngay sau lần nhận đầu tiên, nhưng vì bận quá chưa kịp trả lại thì đã được đưa tiếp, dưới danh nghĩa “quà sinh nhật”, “quà tết”… Qua lời khai này, dư luận nhận thấy ngoài các doanh nghiệp bị buộc phải đưa tiền, thì một số doanh nghiệp đã “dạn dày”, nắm rõ “luật bất thành văn” này đã chủ động đưa tiền cho quan chức có liên quan.
Không khó để nhận ra cụm từ “quà cảm ơn” là cách gọi ngụy biện, đánh tráo khái niệm. Vì rõ ràng các bị cáo trong vụ án này đã ý thức được “quyền lực” trong tay mình, khi trực tiếp hay gián tiếp ra giá cho các doanh nghiệp muốn tham gia vào “Chuyến bay giải cứu”. Họ thừa biết tình hình dịch bệnh khi đó đang diễn biến cực kỳ phức tạp và chỉ có chữ ký của mình, mới đảm bảo cho doanh nghiệp có tư cách khởi động những chuyến bay trên. Xuyên suốt quá trình nhận tiền của các bị cáo, ý thức trục lợi, tư lợi luôn thường trực.
Nếu nói các “quà cảm ơn” này là thành ý của doanh nghiệp đối với sự hỗ trợ từ lãnh đạo các bộ ngành để công việc giải cứu được nhanh chóng hơn thì hoàn toàn không đúng. Theo nhận thức của một người bình thường, không ai nhận hàng trăm triệu, hàng chục tỷ đồng từ người lạ, không phải người thân, mà cho rằng “món quà” có giá trị bằng cả gia tài đó chỉ đơn giản là lời “cảm ơn”. Thêm nữa, không thể có thành ý hay lời “cảm ơn” nào đến từ sự bị bắt buộc phải đưa tiền.
Dưới góc độ pháp luật, theo Khoản 2, Điều 22, Mục 3, Chương II Luật Phòng, chống tham nhũng 2018, quy định cán bộ, công chức không được nhận quà tặng dưới mọi hình thức liên quan đến công việc do mình giải quyết hoặc thuộc phạm vi quản lý của mình. Quy định cũng cấm công chức tự mình hoặc thông qua người thân (vợ, chồng, con, cha, mẹ…) nhận quà tặng của người khác.
Cho nên, căn cứ theo cả luật, cả lệ, cụm từ “quà cảm ơn” này đều không thuận miệng, và bất hợp lý. Cụm từ tồn tại vì những kẻ tham ô, tham nhũng, và những kẻ đút lót để tư lợi cần một cái cớ để vin vào, che đậy phần nào hành vi phạm tội của bản thân.
Bản luận tội và đề nghị mức án của Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hà Nội đã thẳng thắn chỉ rõ bản chất của hành vi đưa và nhận tiền của các bị cáo. Nhìn một cách khái quát, Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 đã được phổ cập đến từng cán bộ, công chức, viên chức trên cả nước, nên không thể nói là không nắm luật, mà tùy tiện nhận “quà cảm ơn” như các bị cáo trong vụ “Chuyến bay giải cứu” đang ngụy biện.
Đã đến lúc, cần loại bỏ văn hóa “phong bì” ở mọi cấp độ, vì một xã hội công bằng, văn minh sẽ không để người dân trở thành nạn nhân của bất cứ hành vi nhũng nhiễu nào, khi mọi quy trình làm việc của các bộ ngành đã được công khai. Điều này cũng có nghĩa là các cán bộ, công chức, viên chức không được phép trở thành chướng ngại khi người dân muốn tiếp cận dịch vụ công. Cần đẩy mạnh làn sóng yêu cầu sự minh bạch và khuyến khích người dân giám sát nhiều hơn vào quá trình hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước.
Phạm Khoa