+
Aa
-
like
comment

‘Cán bộ không nên nghĩ đã được quy hoạch thì sẽ trúng cử’

11/09/2020 07:01

Cán bộ không nên nghĩ rằng khi đã được quy hoạch, giữ các chức danh có cơ cấu cấp uỷ hoặc khi tái cử thì đương nhiên sẽ trúng cử, theo đại diện Ban Tổ chức Trung ương.

Tính đến cuối tháng 8, có 1.298 trong số 1.311 đảng bộ cấp trên trực tiếp cơ sở (cấp huyện và tương đương) đã hoàn thành đại hội nhiệm kỳ 2020-2025 (chiếm 99%). PV phỏng vấn ông Nguyễn Thanh Bình – Phó Vụ trưởng Tổ chức Điều lệ (Ban Tổ chức Trung ương) về kết quả các đại hội này.

– Ban Tổ chức Trung ương đánh giá như thế nào về kết quả đại hội đại biểu đảng bộ cấp huyện và tương đương, thưa ông?

– Về tiến độ, hầu hết các đảng bộ cấp trên trực tiếp cơ sở (đảng bộ) đều hoàn thành đại hội trong nửa đầu tháng 8, đạt mốc thời gian theo chỉ thị 35 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Chỉ một số ít đảng bộ chưa tổ chức được đại hội vì hai lý do chính là chịu ảnh hưởng của Covid-19 và cần có thời gian để rà soát, chuẩn bị kỹ nhân sự, nhưng đều đã có kế hoạch triển khai cụ thể.

Nhìn chung, các đại hội đã dành thời gian hợp lý cho thảo luận các dự thảo văn kiện; nhiều ý kiến tham gia thẳng thắn, phân tích làm sâu sắc hơn những chuyển biến tích cực của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong nhiệm kỳ, nhất là công tác đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực và những biểu hiện suy thoái. Các ý kiến tham gia, đóng góp vào các dự thảo văn kiện của Trung ương, cấp trên trực tiếp được cấp ủy tổng hợp đầy đủ và báo cáo trước đại hội.

Tổng số cấp ủy viên bầu được là gần 37.000 người, số uỷ viên ban thường vụ là trên 11.100 người, trên 3.200 bí thư và phó bí thư; trong đó số có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ từ đại học trở lên hơn 36.700. Tuổi trung bình 46,2.

Các đại hội đã bầu được hơn 23.900 đại biểu chính thức và gần 2.200 đại biểu dự khuyết đi dự đại hội đảng bộ cấp trên, bảo đảm đúng nguyên tắc, thủ tục, số lượng, cơ cấu theo quyết định phân bổ của cấp ủy cấp trên.

Ông Nguyễn Thanh Bình - Phó Vụ trưởng Tổ chức Điều lệ (Ban Tổ chức Trung ương). Ảnh: Hoàng Thùy
Ông Nguyễn Thanh Bình – Phó Vụ trưởng Tổ chức Điều lệ (Ban Tổ chức Trung ương). Ảnh: Hoàng Thùy

– Công tác nhân sự được thực hiện tại các đại hội đảng bộ cấp trên trực tiếp cơ sở như thế nào?

– Công tác nhân sự nhìn chung đã được chỉ đạo, thực hiện nghiêm túc, đúng quy trình 5 bước, bảo đảm dân chủ, khách quan, công tâm, minh bạch. Kết quả bầu cử cơ bản theo đúng đề án, bảo đảm yêu cầu về chất lượng, số lượng, cơ cấu. Tỷ lệ cấp ủy viên là nữ, dưới 40 tuổi vượt yêu cầu chỉ thị 35 đề ra (tỷ lệ cấp ủy viên nữ từ 15% trở lên và có cán bộ nữ trong ban thường vụ; tỷ lệ cán bộ trẻ, dưới 40 tuổi đối với cấp huyện từ 10% trở lên).

Những người trúng cử đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định, hầu hết trong quy hoạch; trình độ lý luận chính trị, chuyên môn so với nhiệm kỳ trước được nâng lên.

Việc thực hiện chủ trương đại hội trực tiếp bầu bí thư cấp ủy đã mở rộng so với nhiệm kỳ trước và được chỉ đạo tổ chức thực hiện chặt chẽ theo đúng quy trình. Bí thư cấp ủy được bầu trực tiếp tại đại hội đều trúng cử với tỷ lệ phiếu rất cao, nhiều người đạt 100%. Việc thực hiện chủ trương bí thư cấp ủy không là người địa phương cũng được đẩy mạnh và đạt được kết quả tốt. Cụ thể, trong 1.141 bí thư cấp uỷ được bầu, có 456 người không phải người địa phương (40%); 122 người được bầu trực tiếp tại đại hội.

Tuy nhiên, công tác chuẩn bị nhân sự của một số cấp ủy chưa thật tốt nên còn có trường hợp bầu không đúng với đề án nhân sự được phê duyệt. Một số ít nơi, nhân sự được giới thiệu tái cử nhưng không trúng cử; cá biệt có cán bộ chủ chốt như Bí thư, phó bí thư các cấp ủy tái cử nhưng không trúng cử cấp ủy hoặc bí thư, phó bí thư.

– Tại sao quy định về công tác nhân sự rất chặt chẽ nhưng vẫn còn tình trạng như ôg vừa nêu?

– Quy trình công tác nhân sự nhiệm kỳ này có những nội dung mới so với nhiệm kỳ trước, thực hiện đầy đủ năm bước đối với cả cán bộ tái cử cũng như cán bộ tham gia lần đầu. Theo phản ánh của các địa phương, đơn vị, quy trình này tương đối rõ ràng và chặt chẽ khi tổ chức thực hiện. Quy trình cũng phát huy tính dân chủ cao hơn trong đại hội, đảm bảo sự công khai, khách quan. Tuy nhiên, để đảm bảo thực hiện thành công ở bất cứ quy trình nào thì yếu tố quan trọng nhất vẫn là con người trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện.

Vừa qua, ở cấp trên cơ sở, còn có một số cấp ủy chưa quán triệt sâu sắc chỉ thị 35 của Bộ Chính trị và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, nhất là những nội dung mới về công tác chuẩn bị, tổ chức đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 – 2025. Việc chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra của một số cấp ủy chưa thường xuyên, sâu sát, trong đó có vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy; chưa làm tốt công tác chính trị tư tưởng và giải quyết chưa dứt điểm những vướng mắc, nổi cộm ở địa phương, đơn vị.

Bên cạnh đó, công tác nhân sự của một số cấp ủy chưa thật sự chặt chẽ, còn bị động, chưa gắn kết với tình hình thực tiễn, có nơi còn biểu hiện chủ quan, cục bộ, vận động, gượng ép, giới thiệu nhân sự chưa thực sự có tín nhiệm cao.

Trước thực trạng đó, lãnh đạo Ban Tổ chức Trung ương đã nhiều lần trao đổi, hướng dẫn, nhắc nhở đối với các cấp uỷ địa phương về việc thực hiện quy trình đảm bảo tính công tâm, khách quan, minh bạch, tránh hiện tượng lợi dụng danh nghĩa thực hiện quy trình để hợp thức hoá những mong muốn, ý đồ cá nhân không trong sáng.

– Theo ông, từ kết quả đại hội đại biểu đảng bộ cấp huyện và tương đương, bài học cho công tác chuẩn bị nhân sự đại hội đại biểu đảng bộ trực thuộc Trung ương là gì?

– Quá trình chuẩn bị nhân sự là việc khó, quan trọng của cấp ủy. Vì vậy, từng địa phương, cơ quan, đơn vị cần dành thời gian nghiên cứu, tiến hành đầy đủ các bước đúng theo quy trình, đảm bảo dân chủ, công bằng, khách quan, minh bạch. Nhân sự được giới thiệu phải được khảo sát, đánh giá toàn diện, đa chiều, căn cứ vào sản phẩm cụ thể để đảm bảo giới thiệu được những người có đức, có tài tham gia vào cấp ủy.

Cần kiên quyết loại bỏ những người có biểu hiện tiêu cực như chạy chọt, hay có biểu hiện “gò ép trong công tác cán bộ”; không bầu hoặc giới thiệu những người chưa đủ uy tín hoặc uy tín không cao tham gia cấp ủy.

Công tác nhân sự cần được “làm từng bước chặt chẽ, từng việc cụ thể, từng nhóm chức danh từ thấp đến cao, bảo đảm thận trọng, kỹ lưỡng, làm đến đâu chắc đến đó”. Từng cấp uỷ phải chủ động nắm chắc tình hình nhân sự, kịp thời xử lý các tình huống ngoài dự kiến.

Khi xử lý các tình huống phát sinh trong tổ chức đại hội, nhất là trong công tác nhân sự, bầu cử phải luôn giữ vững và thực hiện đúng các nguyên tắc của Đảng, pháp luật của Nhà nước theo phương châm đơn giản hóa các vấn đề phức tạp, xem xét, xử lý từng vấn đề độc lập trong tổng thể vướng mắc, làm đến đâu gọn đến đó; kiên quyết không vì khó khăn trước mắt, vì điều kiện thời gian hạn chế mà để xảy ra tình trạng lấy sai để sửa sai.

– Thực tế có trường hợp nhân sự căn cứ theo quy định là không sai nhưng dư luận xã hội bức xúc như vụ chỉ định Bí thư Thành uỷ Bắc Ninh. Ban Tổ chức Trung ương tính đến việc khắc phục những “lỗ hổng” trong quy định về công tác nhân sự như thế nào?

– Việc chỉ định bí thư cấp uỷ là một trong những giải pháp có thể thực hiện khi cần thiết. Tuy nhiên, việc chỉ định người không đủ năng lực, không đảm bảo yêu cầu thì không thể nói là đúng quy trình, quy định được. Như vậy, có thể hiểu là đâu đó trong quá trình thực hiện đã xảy ra vấn đề không bình thường.

Tất nhiên, ở góc độ là cơ quan tham mưu quản lý, Ban Tổ chức Trung ương sẽ nắm thêm tình hình, tiến hành sơ kết, tổng kết, đánh giá để rút kinh nghiệm.

Qua đó có thể thấy, ngoài bài học cho các cấp uỷ thì mỗi cán bộ, đảng viên cũng cần rút ra bài học cho riêng mình trong việc tu dưỡng và rèn luyện bản thân. Mỗi người cần tự nhìn nhận, đánh giá năng lực bản thân, xem có đáp ứng được các tiêu chuẩn, điều kiện, có đủ uy tín để tham gia cấp uỷ, giữ những trọng trách trong bộ máy quản lý; đã thực sự là tấm gương sáng theo quy định nêu gương của Trung ương hay chưa?

Không nên suy nghĩ rằng khi đã được quy hoạch, giữ các chức danh có cơ cấu cấp uỷ hoặc khi tái cử thì đương nhiên sẽ trúng cử. Thực trạng nhân sự được giới thiệu tái cử nhưng không trúng cử ở một số nơi, trong đó có cả cán bộ chủ chốt là Bí thư, phó bí thư không trúng cử là minh chứng rõ ràng nhất cho điều này.

Thời gian tiến hành đại hội đảng bộ các cấp tiến tới đại hội lần thứ XIII của Đảng

– Đại hội đảng viên hoặc đại hội đại biểu đảng bộ cơ sở không quá 2 ngày; bắt đầu từ tháng 4/2020, hoàn thành trước ngày 30/6/2020.

– Đại hội đại biểu đảng bộ cấp huyện và tương đương không quá 3 ngày; hoàn thành trước ngày 31/8/2020.

– Đại hội đại biểu đảng bộ trực thuộc Trung ương không quá 4 ngày, hoàn thành trước ngày 31/10/2020.

– Đại hội lần thứ XIII của Đảng dự kiến tổ chức vào quý I năm 2021.

Hoàng Thùy/ VNE 

Bài mới
Đọc nhiều