+
Aa
-
like
comment

Cán bộ dùng bằng giả để tiến thân – xã hội sẽ bị kéo lùi

Đinh Lực - 25/11/2019 17:24

Gần đây, nhiều vụ bằng cấp giả bị phanh phui càng khiến dư luận phẫn nộ vì những bất công, lãng phí và thiệt hại mà vấn nạn này gây ra.

Bán liêm sỉ cho bằng giả

Chỉ trong thời gian ngắn, tại Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk đã phát hiện tới 2 trường hợp sử dụng bằng cấp giả để tiến thân (một nữ Trưởng phòng Quản trị dùng bằng cấp 3 của chị gái; một nữ Phó phòng Hành chính tiếp dân sử dụng bằng cấp 3 giả).

Hay trong thời gian vừa qua, nhiều lãnh đạo xã Cẩm Dương (huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) vừa bị cách chức, buộc thôi việc vì dùng bằng giả, bằng của người thân.

Ông Thái Đình Hoài bị tố giác dùng bằng THPT giả, vừa bị tước danh hiệu Công an nhân dân và có thể bị khai trừ Đảng. Trước khi bị phát hiện dùng bằng giả, ông Hoài đã được quy hoạch chức danh phó giám đốc công an tỉnh.

Ông Thái Đình Hoài vừa bị tước danh hiệu Công an nhân dân và có thể bị khai trừ Đảng.

Gần đây dư luận bàn tán nhiều về một loạt các quan chức sử dụng bằng giả. Các thống kê cho thấy đây là hiện tượng phổ biến ở nhiều cơ quan, đơn vị rất đáng báo động. Nạn bằng giả lan tràn khắp nơi, ở mọi cấp học. Nguy hiểm hơn là ở bậc đại học và sau đại học bởi ở bậc này, người ta dùng bằng giả để tiến thân.

Chuyện cán bộ, đảng viên sử dụng bằng giả để tiến thân, tìm kiếm chức vụ thật, quyền lực thật, bổng lộc thật, lâu nay không còn là hiện tượng hy hữu.

Một đợt kiểm tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo với 1,2 triệu văn bằng đã phát hiện 6.870 lượt người sử dụng văn bằng, chứng chỉ bất hợp pháp. Cụ thể, có 2.057 cán bộ, công chức sử dụng văn bằng giả; 5.368 sinh viên, học sinh sử dụng văn bằng bất hợp pháp… và đối tượng sử dụng văn bằng, chứng chỉ bất hợp pháp phần lớn là cán bộ, công chức hoặc cá nhân có nhu cầu học những lớp tại chức, chuyên tu, bổ sung nghiệp vụ chuyên môn… Rõ hơn là cá nhân đó phải có bằng cấp để “hợp thức hóa” việc thăng chức nâng lương, giữ vững “cái ghế”, đảm bảo “biên chế” về sau…
Chuyện tổ chức đảng đề cao tinh thần phê bình, tự phê bình, tinh thần tự soi, tự sửa cũng đã từ lâu rồi. Nhưng nhìn lại, hầu như chưa có trường hợp nào chủ động, tự giác khai báo với tổ chức để được nhận hình thức kỷ luật.
Nhiều trường hợp, bị tố giác sử dụng bằng giả, chứng cứ rành rành, nhưng, hoặc tổ chức thấy “khó xác minh”, bèn làm lơ, hoặc đối tượng tìm cách che chắn, quanh co, chối cãi. Không hiếm trường hợp, bằng chứng hai năm rõ mười, vẫn một mực kêu oan, chối tội.

Những người sử dụng bằng giả trong bộ máy Đảng, Nhà nước, về mặt đạo đức, là vô liêm sỉ, không hề biết xấu hổ. Về mặt pháp luật, họ bất chấp, dù biết sử dụng giấy tờ giả là vi phạm luật pháp. Về nghĩa vụ, trách nhiệm công chức, viên chức, với tinh thần đề cao tính trung thực, họ coi như không có khái niệm đó.

Cán bộ dùng bằng giả để tiến thân – xã hội sẽ bị kéo lùi

Người dám sử dụng bằng giả, dù leo lên vị trí cao đến đâu nữa, cũng không thể là người tử tế, thật khó là người tử tế. Lại nữa, những người sử dụng bằng giả để chui vào bộ máy Đảng, Nhà nước để tìm cách tiến thân, họ đều có động cơ và đường đi nước bước rõ ràng, họ không tiếc “đầu tư” để đạt mục đích. Khi có vị trí, họ tạo mối quan hệ, củng cố nhóm lợi ích, tiếp tục trèo lên vị trí cao hơn. Khi đó, thật khó “bóc mẽ” họ. Cũng không dễ gì kêu gọi họ tự giác khai báo, “xin rút lui”, hay “xin từ chức”.

Từ những tấm bằng không tương xứng với năng lực, trình độ của mình, những cán bộ sử dụng bằng giả có điều kiện tiến thân. Nguy hiểm hơn cả là khi những con người này leo lên những vị trí quan trọng trong hệ thống chính quyền. Họ, với quyền lực gắn liền với chức vụ có được, sẽ ban hành những mệnh lệnh, chỉ đạo buộc người khác phải thực hiện. Khó có thể tin rằng một người năng lực kém lại có thể đưa ra những mệnh lệnh, chủ trương đúng đắn. Và với những người sẵn sàng sử dụng bằng giả để tiến thân thì không dễ gì họ để cấp dưới vươn lên chiếm lấy cái ghế của mình.

Ngoài chuyện bằng giả, còn chuyện bằng thật nhưng học giả, kiến thức rởm. Trong cơ quan đảng, nhà nước có nhiều người có nhiều bằng đại học, bằng thạc sỹ, tiến sỹ, nhiều trường hợp trong số đó là bằng thật, học thật, năng lực thật. Nhưng không hiếm trường hợp, bằng thật nhưng học giả, học theo kiểu “đánh trống ghi tên”, “học thầy thi tiệm”, học hộ, thi thuê. Thành ra bằng cấp nhiều, bằng cấp cao nhưng kiến thức, năng lực không tương xứng. Những người như thế dễ mắc bệnh háo danh, ham hố quyền lực, hăng hái cổ xúy cho chủ nghĩa bằng cấp. Đồng thời họ tỏ ra kỳ thị nền giáo dục thực học thực tài, đố kỵ người tài, cản trở đổi mới, sáng tạo.

Đối với xã hội là sự yếu kém về quản lý, kỷ cương lỏng lẻo. Đối với cá nhân là tham quyền, tư tưởng muốn vượt lên trên người khác bằng sự giả dối, lừa bịp. Còn riêng đối với ngành giáo dục, nó làm vẩn đục môi trường, kéo lùi chất lượng, tạo sự bất bình đẳng giữa người dốt và người thực tài…Vấn nạn này làm xói mòn niềm tin đạo đức, băng hoại các giá trị, là quốc nạn kéo lùi sự phát triển. Nó cũng là một dạng biểu hiện của tham nhũng. Tham nhũng về chức tước, địa vị xã hội và đây cũng thực chất là đánh cắp ghế, tiền bạc của xã hội. Đáng ra với cương vị ấy phải những người đạt trình độ ấy nhưng vì không thể đạt được mà phải dựa vào bên ngoài. Lấy cái giả che đậy cái thiếu hụt của mình. Chính điều này ảnh hưởng lớn đến công việc bởi không có trình độ tương ứng để giải quyết công việc nên thường chắp vá, không dám chịu trách nhiệm, không dám tự quyết… Và khi xã hội được điều hành bởi những thứ giả thì cũng sẽ sản sinh ra sản phẩm tương tự.

Thanh lọc đội ngũ cán bộ, đưa ra khỏi bộ máy những trường hợp sử dụng bằng giả, khó, mà không khó. Khó, là dễ chịu áp lực và những mua chuộc vật chất. Không khó, vì từ lâu rồi, xã hội đã tỏ thái độ coi thường và căm ghét mấy người dùng bằng giả. Không khó, vì những người sử dụng bằng giả không có đồng môn, đồng khóa và dễ bị tố giác. Chỉ cần đến nơi cấp bằng, đối chiếu hồ sơ gốc, là giả thật rõ ràng.

Vấn nạn bằng giả tràn lan song thái độ xử lý của các cơ quan chức năng không kiên quyết, chỗ chặt chỗ không dẫn đến không có tác dụng răn đe. Bởi suy cho cùng, khi không kiên quyết, hành vi không được xử lý là tạo cho mầm giả dối mọc lên và vươn rộng.

Nếu không kiên quyết hoặc “nhẹ trên nặng dưới” trong những trường hợp cụ thể mà dư luận đã lên tiếng sẽ có tác dụng tiêu cực. Một thái độ kiên quyết, một cách xử lý nghiêm sẽ hơn hàng trăm mỹ từ tốt đẹp, triệt đất sống của bằng giả.

Bài mới
Đọc nhiều